
10:54 - 27/06/2023
Chuyện của Mốc và kỳ thi phổ thông thời 4.0
Cháu tôi, Tấn Đạt, 16 tuổi, vài tháng nữa mới sang tuổi 17, ở nhà gọi con là Mốc. Đạt nói tiếng Anh như người bản xứ, chơi bóng rổ và piano điệu nghệ. Còn nấu ăn thì Đạt ở trình độ gần tới Master Chef.
Để được học đại học ở Mỹ từ năm 16 tuổi, Đạt phải đỗ tốt nghiệp kỳ thi phổ thông trung học của Mỹ tên là GED. Do vậy khi học hết lớp 9 tại trường công Nam Sài Gòn, Đạt đã quyết định là sẽ lấy bằng GED để tiết kiệm thời gian khỏi phải học lớp 11 và 12. Hơn một năm luyện thi, con đã đỗ kỳ thi GED với điểm số thừa để nhập học ĐH.(Kỳ thi GED được tiến hành vài lần trong/năm và thi trực tuyến. Để có được bằng GED, thí sinh phải làm 4 bài thi, nhưng không nhất thiết phải làm cả 4 bài cùng một thời điểm.)
Ngày Đạt đi thi GED, con mặc quần short, áo ngắn tay, tay cầm vài cái bút chì, tẩy, máy tính nhỏ, và hộ chiếu. Đạt thi hai ngày cho 4 môn thi là xong.Bố của Đạt cũng chỉ gọi Grab và nhắc dậy sớm.Không phải hồi hộp gì hết. Thi xong, Đạt gọi cho bố cháu và tôi rồi thông báo: con thi xong rồi.
Tối về, Đạt tiếp tục chơi game và đánh đàn piano. Đời là thế!
Do học tốt và là học sinh trẻ, Đạt được nhận học bổng khá lớn của trường. Đạt đã hoàn thành chương trình Đại học Mỹ năm thứ 1 và đang học năm thứ 2 tại Broward College Việt Nam
Tháng 10 năm nay Tấn Đạt sẽ nộp hồ sơ xin chuyển tiếp sang học năm thứ 3 tại Mỹ. Với chiến lược này, tổng chi phí học 4 năm đại học Mỹ của Đạt sẽ chỉ mất không quá 72.000 USD/4 năm, nếu so với mức chi phí khoảng US$70 đến 80 ngàn/năm cho sinh viên bình thường thì chi phí này chỉ bằng ¼ tổng chi phí học từ năm đầu bên Mỹ. Còn nếu học hết cả 4 năm tại Việt Nam thì chi phí chỉ có $25K/4 năm. So với VinUni, Fulbright, RMIT và BUV thì đây là mức chi phí cực kỳ thấp.
Trong khi đó, các bạn cùng tuổi Đạt vẫn đang học lớp 11 và chuẩn bị sang lớp 12. Năm trước các bạn đã phải bò ra thi kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ sở.Năm tới thì sẽ là THPT. Những kỳ thi tốn kém khủng khiếp cho nhân dân và nhà nước với chi phí logistics kinh khủng (đến mức phải có công an hộ tống xe chở đề thi vào tận sân bay).
Tại sao tôi kể chuyện này?
Bài học lớn rút ra ở đây là nếu có một nền giáo dục đủ linh hoạt thì sẽ có nhiều cơ hội cho các bạn nhỏ và bớt tốn kém hơn rất nhiều.
Thứ nhất, các bạn cần được tạo điều kiện thi tốt nghiệp ở mọi lứa tuổi, miễn là đáp ứng yêu cầu học thuật và thi nổi; Thứ hai, chỉ khi kỳ thi tốt nghiệp (THCS hoặc THPT) có thể được tiến hành quanh năm thì các bạn mới có thể thi liên tục được. Và thứ ba, muốn tiến hành được quanh năm thì chi phí thi phải cực rẻ và phải cực kỳ đơn giản.Và thi trực tuyến là lời giải cho việc đó.
Ở Việt Nam, chúng ta nói mãi về chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong giáo dục, tuy nhiên, chắc ít ai trong những người ngoài ngành giáo dục biết rằng, Luật Giáo dục của chúng ta chưa cho phép kỳ thi tốt nghiệp được làm trực tuyến (online), thậm chí thi học kỳ và cuối năm cũng phải thi trực tiếp chứ không được làm trực tuyến online.
Và thế là hàng năm, cứ vào tầm thời gian này, con cái chúng ta bò ra thi, cả xã hội loạn cả lên (đặc biệt là những ngày nắng nóng và mất điện), vận hành thì vô cùng tốn kém, bố mẹ mất ăn mất ngủ, công an và giao thông thì trực đêm ngày đề phòng sự cố và phải ưu tiên xe chở đề thi ra tận sân bay, báo chí và mạng xã hội lên đồng vì đề thi và việc chọn trường.
Chuyển đổi số cái gì nếu mỗi kỳ thi trực tuyến chúng ta không tổ chức nổi?Và chuyển đổi số trong giáo dục sẽ đi đến đâu nếu nhà nước không công nhận và hợp pháp hoá kết quả thi trực tuyến?
Nếu chúng ta cho phép kỳ thi tốt nghiệp phổ thông được tiến hành nhiều lần trong năm, nếu chúng ta đơn giản hoá việc thi tốt nghiệp bằng cách hợp pháp hoá việc thi trực tuyến, thì con chúng ta sẽ đỡ vất vả biết bao nhiêu, xã hội sẽ bớt tốn kém biết bao nhiêu.
Nguyễn Toàn (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Thước đo nào giúp trẻ tự tin và tiến bộ hơn?
Làm sản phẩm hữu cơ vào Nhật Bản không quá khó
Cà Mau hỏa tốc ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn
Mekong Connect: ‘500 anh em’ đi tìm cơ trong nguy
Mekong Connect – CEO Forum 2016: Bàn cách sinh tồn
Tags:Chuyện của Mốc
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này