
11:00 - 27/06/2023
Cần để trẻ bước ra khỏi suy nghĩ của người lớn
Tôi và con trai nhỏ ba tuổi xem đi xem lại bộ phim The Croods (tạm dịch: Gia đình Crood) trên Netflix. Trong một gia đình người thượng cổ còn lại cuối cùng, cô con gái Eep đến tuổi lớn với nhiều thắc mắc về thế giới bên ngoài hang động vốn được người cha che chắn, bảo vệ.

Guy (Ryan Reynolds) và Eep (Emma Stone) – một cảnh trong phim The Croods do Joel Crawford làm đạo diễn.
1.
Nhà Crood với hình dáng kỳ dị và khả năng linh hoạt khác thường của chân tay, cũng như các bộ phận khác nhằm chống lại thú dữ hay với thế giới sinh vật nguy hiểm bên ngoài hang động, họ an toàn cho tới lúc hang động bị đổ sập. Không còn hang động, có còn an toàn? Câu nói xuất hiện nhiều lần của người cha, thể hiện quan điểm cho sự tồn tại như là gia đình người thượng cổ cuối cùng trên mặt đất của họ là: “nỗi sợ giúp chúng ta sống sót, phải luôn biết sợ”. Tuy nhiên, Eep đã trốn ra khỏi hang động để đi theo những phát hiện đốm sáng kỳ lạ, cô đã gặp một con người có bộ não vượt trội hơn, cùng nhau tìm về “phía mặt trời”. Cô Eep và chàng trai có bộ não ấy đã thuyết phục được gia đình Crood nhờ vào những phát hiện mới, kỹ năng mới, sự vận dụng đầu óc thuận tự nhiên chứ không phải “nỗi sợ” giúp họ sống sót.
2.
Gần đây, báo chí lại phát hiện trường hợp một giáo viên nam có hành vi “sàm sỡ”, “cúi xuống nhặt đồ vô tình đụng vào đùi” với học sinh nữ, và đó là một thầy giáo dạy toán sắp nghỉ hưu. Tôi dùng từ “lại” phát hiện vì thông tin này không được công bố từ cơ quan chức năng như trường học hay công an, mà từ hình ảnh của một một học sinh khác trong lớp chụp lén và đưa lên mạng. Hành vi sàm sỡ đó là sai, ông thầy giáo bị đình chỉ. Nhưng nếu không có hình ảnh cậu học sinh quay được đưa lên thì với quyền lực của một thầy giáo mà lúc ban đầu ông phủ định hành vi vi phạm pháp luật đó, liệu còn có những hành động tương tự với con em chúng ta mà ta không hề biết? Tin tức báo chí đưa ra cho thấy mãi về sau này ông ta mới nhận tội, còn trước đó nữa ông (tức là chưa bị phát hiện) ông đã “dọa các học sinh không được về méc ba mẹ, nếu không vào lớp thầy sẽ “đì”*. Vì sao các em học sinh không đủ can đảm tố cáo hoặc cậy nhờ người thân, thầy cô giáo khác bảo vệ? Các chương trình kỹ năng sống, các kỹ năng học đường dạy những gì?Và trách nhiệm ở đâu với cơ quan liên đới khi sự việc xảy ra, hay chỉ mình người đàn ông đó chịu trách nhiệm cá nhân. Cuối cùng, qua bao sự việc như trên đã từng xảy ra, hành lang pháp lý nào (cụ thể là cơ chế bảo vệ nào) cho học sinh, phụ huynh tố giác khi học sinh phản ánh đến cơ quan chức năng mà không “bị đì”? Để nhà trường lành mạnh và an toàn, hãy để công an điều tra và quyền khởi tố theo quy định, không nên thỏa thuận hay giảng hòa trong các trường hợp này.
3.
Hai câu chuyện trên để thấy giáo dục gia đình và trường học nếu biết giúp trẻ khả năng phán đoán và suy xét sẽ mang lại sự an toàn đúng nghĩa cho trẻ. Đừng suy nghĩ thay cho trẻ. Cái trẻ thiếu – theo quan điểm của người lớn – là kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm là cái thiếu không chỉ của trẻ mà chính bản thân người lớn. Bên cạnh đó, kinh nghiệm ứng phó của người lớn lại phản tác dụng phần nào khi áp đặt lên trẻ, đòi hỏi chúng tuân thủ để “an toàn”. Tuy nhiên, quá trình thích ứng của người lớn có tính duy lý, tức là có nhiều cơ hội lựa chọn và họ sẽ chọn cái có lợi nhất nhưng chưa chắc đúng nhất hay tệ hơn nữa là dối trá. Trong trường hợp trẻ bị tấn công thì với bao nhiêu bài học phòng vệ trước hành vi sàm sỡ, quấy rối, đe dọa của người có quyền lực thì sử dụng kinh nghiệm của người lớn hay phòng vệ theo bản năng bằng cách tố cáo, khiếu nại, trốn chạy của học sinh là phù hợp? Với các bạn học sinh, các bạn ấy sẵn sàng bảo vệ mình, nhưng lo sợ bị đì, bị đuổi học, bị nói xấu tập thể… bởi các bạn thiếu niềm tin vào pháp luật, thiếu niềm tin vào người lớn, và thiếu niềm tin vào thầy giáo. Bạn tố cáo với ai? Tố cáo đến đâu? Ai bị điều tra, hay bạn và gia đình lại “bị điều tra” ngược… là điều đáng suy gẫm với tất cả chúng ta.
Nguyễn Minh Thanh (theo TGHN)
———-
(*) Báo Tuổi Trẻ TP.HCM ngày 9/6/2023. https://tuoitre.vn/tam-ngung-cong-tac-thay-giao-bi-to-sam-so-nu-sinh-ngay-tren-lop-20230609171654089.htm
Có thể bạn quan tâm
Bánh Trung Thu nỗ lực vượt ‘bão giá’
Du lịch ĐBSCL nỗ lực giữ chân khách trong mùa dịch nCoV
Nước lũ về miền Tây chuyển biến tích cực
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đồng loạt giảm do Covid-19
Giúp nông dân tự cứu bằng rơm rạ
Tags:nuôi dạy con
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này