
09:17 - 05/11/2022
Tiền mất tật mang vì thực phẩm chức năng
Tháng 8/2022, bệnh viện Da Liễu TP.HCM tiếp nhận một bệnh nhân mắc hội chứng Lyell do dùng thực phẩm chức năng (TPCN) trong thời gian dài với các vết lở loét khắp người.
Nhiều tác dụng phụ đáng sợ
Hội chứng Lyell (hoại tử thượng bì nhiễm độc) là một phản ứng dị ứng thuốc nặng, do đáp ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với một vài loại thuốc hoặc thành phần trong thuốc. Người mắc hội chứng này có 30 – 50% nguy cơ tử vong vì biến chứng nhiễm trùng, rối loạn nước – điện giải, xuất huyết tiêu hóa…
Thực tế là bất chấp cảnh báo của giới chuyên môn, không ít người dân vẫn tin rằng thực phẩm chức năng (TPCN) vô hại vì chúng chỉ gồm thuốc bổ và những chất có nguồn gốc từ thiên nhiên. Nhưng suy nghĩ đó… không đúng.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Trúc Quỳnh, bệnh viện Da Liễu, cho biết: “Dược thảo, chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm có trong TPCN không gây dị ứng, nhưng tá dược hay chất bảo quản đi kèm đều có nguy cơ gây dị ứng, thậm chí gây dị ứng rất nặng như trường hợp mắc hội chứng Lyell”. Nguy hại của TPCN còn đến từ những sản phẩm giả hiệu trên thị trường. Tháng 10.2022, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã phát hiện trong TPCN Poria super model chứa Sibutramine, một chất cấm gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho não và tim mạch như mất ngủ, trầm cảm, động kinh, cao huyết áp, loạn nhịp tim, thậm chí… ngưng tim.
Vì những nguy hại này mà từ tháng 10/2010, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấm lưu hành mọi sản phẩm có Sibutramine. Cục Quản lý dược nước ta cũng ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine từ lâu, thế nhưng ngoài thị trường vẫn còn không ít sản phẩm chứa chất này lén lút lưu hành và được quảng cáo hấp dẫn như giảm thèm ăn, hạ mỡ máu, giúp giảm cân.
Theo giới quản lý, do chưa hiểu đúng, thiếu tư vấn của người chuyên môn, nên không ít người vẫn ngộ nhận về TPCN, dẫn đến “tiền mất tật mang”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – cho biết nhiều TPCN cố tình quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng sản phẩm. Vì thế ông khuyến cáo người dân chỉ mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và cần được người chuyên môn tư vấn khi sử dụng.
Tránh lạm dụng TPCN “chân chính”
Tháng 7 năm nay, nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA của một nhóm khoa học gia thuộc nhóm chuyên trách các dịch vụ phòng ngừa Mỹ (USPSTF) đã khẳng định các sản phẩm bổ sung đa vitamin, khoáng chất ít có khả năng bảo vệ bạn ngừa bệnh tim mạch, ung thư hay giảm nguy cơ tử vong.
Đáng nói là so với khuyến cáo sau cùng vào năm 2014, khi nhóm USPSTF xem xét lại 84 nghiên cứu thử nghiệm trên gần 700.000 người, thì khuyến cáo mới nhất của họ vẫn không thay đổi. Đó là, nếu bạn là một người lớn khoẻ mạnh, không có thai, thì “không đủ bằng chứng” về bất kỳ lợi ích kéo dài cuộc sống khi dùng các vitamin E, D, A, C, B3, B6, calcium, beta carotene hay selenium.
Ngược lại, nhóm USPSTF cho rằng “có đủ bằng chứng” để khuyến cáo không nên bổ sung beta carotene “vì có thể làm tăng nguy cơ tử vong nói chung, tử vong vì bệnh tim mạch và ung thư phổi”. Cũng không nên bổ sung vitamin E vì “không có lợi ích rõ rệt trong việc giảm bệnh ung thư, tim mạch hay tử vong”.
Theo bác sĩ Jeffrey Linder, trưởng bộ môn Nội tổng quát trường y khoa Feinberg ở Chicago (Hoa Kỳ), thay vì đổ tiền bạc, thời gian và quan tâm đến TPCN thì bạn nên thực hiện những giải pháp ít nguy cơ và nhiều lợi ích như ăn uống lành mạnh, tập luyện, duy trì cân nặng tốt và tránh hút thuốc lá.
Nhưng cũng không thể phủ nhận mọi loại TPCN vì y học đã xác nhận một số nhóm người cần đến sản phẩm này. Thí dụ phụ nữ có thai phải dùng mỗi ngày 0,4 – 0,8 miligram folic acid để ngừa dị tật ống thần kinh của thai nhi. Hay những người có một số bệnh đặc biệt, khó tiếp cận thực phẩm tốt, hoặc người trên 65 tuổi thì nên bổ sung một số vi chất vào bữa ăn.
Người già thì cần bổ sung vitamin B12 và B6 vì khả năng hấp thu các vitamin này từ thức ăn giảm dần với tuổi tác. Phụ nự hậu mãn kinh cũng có thể dùng TPCN để giảm nguy cơ gãy xương. Nhưng vào năm 2018, nhóm USPSTF lại nhận thấy sự kết hợp vitamin D và calcium không làm giảm tỷ lệ gãy xương ở phụ nữ hậu mãn kinh.
Vô Thường (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Thêm 600.000 liều vắc xin AstraZeneca về đến sân bay Tân Sơn Nhất
Tiêm vắc xin Covid-19 ‘made in Vietnam’ trên người tình nguyện
Mái trường lý tưởng cho trẻ tự kỷ
Tìm ra nguyên nhân biến chứng đông máu sau tiêm vắc xin AstraZeneca
Thực phẩm không lành mạnh làm tăng 11% nguy cơ ung thư
Tags:thực phẩm chức năng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này