
09:47 - 11/04/2020
Thực phẩm chống ‘gốc tự do’ không như quảng cáo
Có thể bạn đã nghe đâu đó về “lợi ích thần thánh” của các chất chống oxy hoá như giúp trẻ lâu, tăng cường sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ… tuy nhiên sự thật có đúng như thế không?
Sự thật là các sản phẩm oxy hoá luôn hiện diện trong quá trình phát triển và tồn tại của con người. Khi tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động, các phản ứng hoá học cũng tạo các gốc oxy tự do, mà theo nghiên cứu nếu tích tụ quá mức chúng sẽ gây tổn thương cho DNA và protein của tế bào.
Ước tính các tổn thương này có thể dẫn đến 60 loại bệnh khác nhau, trong đó đáng lưu ý là ung thư, bệnh Alzheimer’s, Parkinson, đái tháo đường, đục thuỷ tinh thể, xơ gan, cao huyết áp không nguyên nhân, xơ vữa động mạch, lão hoá.
Chính vì điều này, giới sản xuất thực phẩm chức năng đã cho ra đời nhiều sản phẩm có tính chống oxy hoá nhằm tiêu diệt các gốc oxy tự do với vô số lời quảng cáo hấp dẫn, như ngừa ung thư, ngăn chặn lão hoá, phục hồi thanh xuân…
Nhưng oái oăm thay, thực tế cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu về lợi ích của thực phẩm chức năng chống gốc oxy tự do ở con người. Đa phần nghiên cứu cho thấy tuy các chất chống oxy hoá tự nhiên từ thực phẩm tự nhiên có vai trò tốt, nhưng khi bổ sung một lượng lớn các chất này bằng thuốc hay thực phẩm chức năng, hiệu quả lại không rõ ràng như mong muốn.
Cũng lưu ý, chất chống oxy hoá không vạn năng và không thay thế nhau được. Như một đội bóng thi đấu trên sân, cầu thủ đá vai trò nào và ở vị trí nào chỉ hoàn thành nhiệm vụ và thi đấu tốt ở vị trí đó. Cũng có dạng cầu thủ “đa năng”, nhưng hiếm hoi, và nếu phải thi đấu với nhiều vị trí khác nhau, cầu thủ này cũng khó hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thực tế cũng chỉ một số ít chất chống oxy hoá chứng minh được tác dụng tốt trong việc chống oxy hoá trên người, như vitamin C hay vitamin E. Nhưng nghiên cứu của bác sĩ Isabelle Bairati, giáo sư đại học Laval (Canada) vào năm 2006 cho thấy dùng vitamin E trên bệnh nhân ung thư đầu mặt cổ lại làm tăng tỷ lệ tử vong. Tương tự, việc bổ sung 200 microgram selenium mỗi ngày có liên quan nhiều đến khả năng tái phát của ung thư da không sắc tố ở người trước đó đã bị bệnh này.
Ngay cả khi một chất chống oxy hoá có lợi, việc cung cấp chất này thông qua đường nhân tạo, cũng đặt ra câu hỏi cần sử dụng bao nhiêu mới có tác dụng. Lạm dụng không bao giờ tốt. Một chất tưởng như vô hại như vitamin C khi dùng liều cao lâu ngày cũng dẫn đến sỏi thận như chơi!
Như vậy, lợi ích hay tác hại của các chất chống oxy hoá cần được làm rõ trước khi có kết luận. Dùng đại trà và lạm dụng dễ đem lại những kết quả không mong muốn.
Có lẽ an toàn và đỡ tốn kém hơn cả là sử dụng các chất chống oxy hoá từ thực phẩm, càng gần tự nhiên càng tốt, ít qua chế biến. Thí dụ ngũ cốc nguyên hạt; các loại đậu, hạt; động vật ăn cỏ; trứng gà thả vườn; rau và trái cây. Bên cạnh đó, cần giảm lượng chất oxy hoá tạo ra trong người bằng cách bỏ thuốc lá, không sống trong môi trường ô nhiễm và không ra nắng quá nhiều.
Nhưng cũng đừng cực đoan loại bỏ các chất oxy hoá, vì thực tế nó cũng có ích cho cơ thể. Theo TS Michael Schieber, đại học Northwestern (Hoa Kỳ), khi cơ thể bị bệnh, hệ miễn dịch được khởi động để tiêu diệt các tác nhân gây hại, nhưng nếu thiếu chất oxy hoá, chức năng này sẽ giảm sút đáng kể. Ngoài ra, chất oxy hoá còn kích thích các tế bào gốc hoạt động để thay thế cho các tế bào già cũ.
Tóm lại, một chế độ ăn tự nhiên, cân đối, giàu rau quả và một lối sống thoải mái không ô nhiễm, sẽ giúp cân bằng lượng oxy hoá và chống oxy hoá trong người. Tốn tiền mua những sản phẩm được quảng cáo có tác dụng chống oxy hoá, nhưng chưa có bằng chứng trên người, là việc không cần thiết, thậm chí còn có thể gây hại.
BS Lâm Vạn Phong, BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM
(Theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này