
15:40 - 06/04/2018
Giảm ăn muối để bớt hại mình
Bộ Y tế vừa thông qua kế hoạch truyền thông vận động giảm muối trong bữa ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2018 – 2025.
Vậy là “ăn mặn” đã trở thành vấn đề sức khỏe quan trọng cần được lưu tâm.
Lắm bệnh vì ăn mặn
M., kỹ sư xây dựng, 37 tuổi, cách đây ba tháng thoát chết hụt. Trong khi giao dịch với khách hàng tại một quán nước, anh gục xuống bàn. May mắn nơi này gần bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nên anh được đưa đi cấp cứu kịp thời. Bác sĩ chẩn đoán anh bị nhồi máu cơ tim cấp, hậu quả của chứng tăng huyết áp. Gặp lại anh sau xuất viện, M. cho biết anh không hút thuốc, không dùng bia rượu, nhưng có thói quen ăn mặn từ nhỏ và bất ngờ khi biết huyết áp của mình dao động quanh 160/100 mm Hg. Anh chia sẻ: “Bác sĩ nói đó là hậu quả của ăn mặn. Nếu không muốn ‘chết sớm’ tôi phải ăn lạt từ bây giờ”.
Một điều tra của bộ Y tế vào năm 2015 cho thấy lượng muối (sodium chloride) trung bình mỗi ngày một người Việt tiêu thụ là 9,4 gam, gần gấp đôi khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 5 gam/ngày (hay 2.000 mg sodium), tương đương 1 muỗng cà phê/ngày.
Ăn mặn dẫn đến nhiều loại bệnh, đáng nói nhất là bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Theo PGS – TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên đại học Y Dược TP.HCM, chủ tịch hội Tĩnh mạch học TP.HCM, ngày càng có nhiều người Việt mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp và một trong những nguyên nhân chính là thói quen ăn mặn. Ông nói: “Đáng lưu ý là tình trạng trẻ hóa các bệnh này. Gần 2/3 người trẻ tăng huyết áp không biết mình có bệnh và bệnh chỉ được phát hiện tình cờ. Thế nhưng tăng huyết áp lại là thủ phạm dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, suy thận…”.
Tuy nhiên tác hại của ăn mặn không chỉ như thế. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn mặn gây khát nước. Nếu uống nhiều nước, tình trạng tăng huyết áp sẽ trầm trọng hơn. Nhưng nếu uống không đủ nước, cơ thể buộc phải rút nước ra khỏi tế bào, dẫn đến tình trạng mất nước.
Người ta cũng thấy tình trạng ăn mặn nhiều làm tăng tiểu tiện để tháo bớt nước dư thừa khỏi cơ thể. Nhưng mỗi lần đi tiểu, cơ thể lại mất calcium, khoáng chất cần thiết giúp răng, xương chắc khỏe. Người tiểu tiện quá nhiều, cơ thể sẽ mất nhiều calcium, dẫn đến xương yếu và loãng xương.
Nghiên cứu cho thấy ăn mặn còn gây loét dạ dày, thậm chí ung thư dạ dày. Một số nhà khoa học lý giải tình trạng này là do sodium của muối ăn phá hủy lớp màng nhầy dạ dày. Theo Quỹ nghiên cứu Ung thư thế giới (WCRF), 14% ca ung thư dạ dày trên thế giới có thể được phòng ngừa nếu con người ăn lạt.
Năm 2012, WCRF lên tiếng: “Ung thư dạ dày khó điều trị thành công vì phần lớn trường hợp diễn tiến âm thầm cho đến khi bệnh phát ra. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ăn uống đúng cách như ăn bớt muối và nhiều trái cây, rau củ”.
Cả thế giới ăn mặn
Tại hội thảo truyền thông giảm ăn muối để phòng chống bệnh không lây nhiễm tuần qua ở Hà Nội, ông Trương Đình Bắc, phó cục trưởng cục Y tế dự phòng – bộ Y tế, cho biết khác các nước phương Tây khi 75% lượng muối dùng hàng ngày đến từ thức ăn nhanh, thức ăn nhà hàng, thực phẩm chế biến sẵn, thì tại Việt Nam 70% lượng muối sử dụng đến từ thức ăn nấu tại nhà, 30% còn lại mới từ thức ăn nhanh và thức ăn nhà hàng. “Điều này cho thấy người Việt có thói quen ăn mặn và nấu mặn”, ông nói.
Thực tế không dễ gì bỏ thói quen ăn mặn vì phần lớn người Việt vẫn quan niệm món ăn phải “đậm đà”, đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều muối. Không chỉ dùng gia vị nêm nếm, tẩm ướp thực phẩm, người Việt còn thích chấm trực tiếp thức ăn vào nước mắm, nước tương. Điều này làm tăng thêm lượng sodium, thành phần chính của muối ăn gây vấn đề cho sức khỏe.
Tuy nhiên, thiếu sót lớn nhất của nhiều người Việt trong ứng xử với muối có lẽ là không đọc thành phần dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm, điều này dẫn đến sự thừa muối khi ăn. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), sodium có mặt tự nhiên trong nhiều thực phẩm như sữa, kem (khoảng 50 mg sodium/100 g), trứng (80 mg/100 g). Với thực phẩm chế biến sẵn, sodium còn hiện diện nhiều hơn nữa trong bánh mì (250 mg/100 g), thịt xông khói (1.500 mg/100 g), bắp rang (1.500 mg/100 g). Tuy nhiên, có mặt tại hội thảo giảm ăn muối vừa qua, TS Kidong Park, trưởng đại diện WHO tại VN, cho biết không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng đang ăn mặn và tạo ra sự lo ngại đáng kể cho tổ chức này.
Thật trùng hợp khi tuần qua Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ cũng lên tiếng về sự cần thiết của việc giảm ăn mặn. Tại hội nghị Chính sách thực phẩm quốc gia ở Washington DC (Hoa Kỳ), Scott Gottlieb, cao ủy FDA, đề nghị các nhà sản xuất thực phẩm cần thông tin rõ hơn các thành phần dinh dưỡng trên bao bì.
Ông nói: “Cần sử dụng tên song song để người tiêu dùng hiểu dễ hơn những gì có trong thực phẩm, thí dụ ghi ‘muối’ thay vì ‘potassium chloride’, hay ‘vitamin B6’ thay vì ‘pyridoxine’, ‘vitamin B12’ thay vì ‘cyanocobalamin’”. Theo Gottlieb, chỉ cần giảm 1/2 lượng muối ăn hàng ngày nước Mỹ có thể phòng ngừa gần 100.000 ca chết sớm, 120.000 ca mới bệnh mạch vành, 66.000 ca đột quỵ não và 99.000 ca nhồi máu cơ tim.
Mục tiêu giảm muối đến năm 2025
“Trên 90% người trưởng thành biết tác hại do ăn nhiều muối, nhận biết được các thực phẩm có nhiều muối và biết các biện pháp để giảm ăn muối. Trên 60% người trưởng thành thực hiện ít nhất một biện pháp để giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người trưởng thành xuống còn dưới 7g/người/ngày.”
(Nguồn: Kế hoạch quốc gia 2033/QĐ-BYT về truyền thông vận động giảm muối)
Châu Giang (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này