
23:01 - 29/01/2018
Anh: thử nghiệm lâm sàng vắcxin chống mọi chủng cúm
Một công ty tại Anh đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắcxin cúm chung (universal flu vaccine) đầu tiên trên thế giới nhằm mang lại lợi ích sức khoẻ to lớn cho cộng đồng, giúp loại bỏ nhu cầu tiêm chủng hàng năm để phòng ngừa bệnh cúm theo mùa.

Hình minh họa của virút cúm cho thấy các đốm protein màu xanh trên bề mặt của nó. Ảnh: Shutterstock.
Thách thức để chế tạo vắc xin cúm chung
Vaccitech – công ty tư nhân thuộc đại học Oxford (Anh) – đang phát triển một loại vắcxin cúm chung có thể giúp cơ thể chống lại hầu hết các chủng virút cúm trong một thời gian dài. Công ty này vừa thông báo nhận được khoản tài trợ 27,6 triệu USD từ các nhà đầu tư, để tiến hành một cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho loại vắc xin mới, kéo dài hai năm.
Vắc xin MVA-NP + M1 của Vaccitech đã được thử nghiệm thành công về tính an toàn trên 145 người trong giai đoạn 1. Bước tiếp theo của công ty là kiểm tra khả năng của vắc xin, giúp con người chống lại nhiều chủng vi rút cúm.
Tại sao chúng ta rất khó chế tạo một loại vắcxin cúm chung? Nếu bạn nhìn vào vi rút cúm dưới kính hiển vi, về cơ bản nó sẽ giống như một quả bóng chứa nhiều gai nhọn. Những gai nhọn này chứa hai loại protein haemagglutinin và neuraminidase, giúp virút tấn công vào các tế bào, khiến chúng ta nhiễm bệnh cúm. Hai loại protein haemagglutinin và neuraminidase trên bề mặt virút không ngừng thay đổi, điều này khiến các nhà khoa học trước đây luôn phải chế tạo vắc xin mới, để nhắm mục tiêu vào chủng virút mới nhất.
MVA-NP + M1 có cơ chế hoạt động khác với các loại vắcxin cúm thông thường. Nó sử dụng vật liệu ổn định bên trong lõi của virút, để thúc đẩy hoạt động của các tế bào T – một loại tế bào miễn dịch – nhằm chống lại virút cúm. Không giống như các protein trên bề mặt của các loại virút cúm A – nguồn lây nhiễm cúm thông thường nhất của con người – những protein nằm bên trong lõi của virút gần như không thay đổi, khiến chúng dễ dàng trở thành mục tiêu của vắcxin mới.
Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng cúm. Tuy nhiên, không phải lúc nào phương pháp này cũng đưa lại hiệu quả như mong muốn. Tại Anh, tính riêng mùa đông năm 2016, loại vắcxin hiện tại góp phần giảm 40% số người mắc cúm dưới 65 tuổi, nhưng hầu như không có tác dụng với những người trên 65 tuổi. Nguyên nhân được cho là do khi con người già đi, hệ miễn dịch yếu hơn, cơ thể không đáp ứng được với một số loại vắc xin như những người trẻ tuổi.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2
Công ty Vaccitech đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng khả năng chống virút cúm của vắc xin MVA-NP + M1 trên 862 người có độ tuổi từ 65 tuổi trở lên. Dự kiến thử nghiệm sẽ hoàn tất vào tháng 10/2019.
Trong suốt quá trình thử nghiệm, tất cả những người tham gia sẽ được tiêm vắcxin cúm thông thường ngoài vắc xin MVA-NP + M1 và một thuốc giả dược. Các nhà nghiên cứu giả thuyết rằng, vắcxin MVA-NP + M1 sẽ giúp các tình nguyện viên có khả năng chống virút cúm tốt hơn so, với khi họ chỉ nhận được mũi tiêm vắcxin thông thường. Nếu kết quả thu được khả quan, vắcxin mới sẽ được chuyển sang thử nghiệm giai đoạn cuối.
MVA-NP + M1 không phải là loại vắcxin cúm chung đang được nghiên cứu duy nhất hiện nay, nhưng nó là công trình nghiên cứu có bước tiến xa nhất đang được thử nghiệm trên người. Tom Evans, giám đốc điều hành của Vaccitech, cho biết, nếu mọi việc suôn sẻ vắcxin mới thậm chí có thể xuất hiện trên thị trường trong vòng 5 – 7 năm tới.
“Trong tương lai, các loại vắcxin phòng cúm có thể bảo vệ kéo dài hơn năm năm mà không phải tiêm lại hàng năm”, Sarah Gilbert, người đồng sáng lập công ty Vaccintech, cho biết.
Quốc Hùng (Theo Science Alert)
Theo KH&PT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này