
09:31 - 13/06/2019
Thế giới chỉ có thực phẩm lành mạnh
Trên thế giới không có định nghĩa về thực phẩm sạch (clean food), mà chỉ nói về thực phẩm lành mạnh (healthy food), chẳng hạn ăn nhiều rau quả củ tốt cho sức khoẻ hơn là ăn thịt nướng, gà chiên…
Thực phẩm, kể cả nông sản, một khi đã lưu hành ngoài thị trường đều phải đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của nước sở tại. Không tuân thủ quy định là lôi thôi với pháp luật ngay, chứ không có sạch hay bẩn gì ở đây cả. Bởi vậy Quốc hội mới làm luật An toàn thực phẩm, Chính phủ mới ban hành đủ mọi quy định từ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, thuốc trừ sâu diệt cỏ, kháng sinh, hormone… cho tới quy định dán nhãn, hạn dùng…
Nhưng việc thực thi những quy định ở nước mình về an toàn thực phẩm không nghiêm túc, từ nhà sản xuất đến cơ quan hữu trách, nên người tiêu dùng mới lãnh đủ. Lại thêm các phương tiện truyền thông hù doạ quá mức cần thiết, ăn thứ này bị nhiễm độc, ăn thứ kia bị ung thư, người tiêu dùng hoảng sợ… Từ đó mới phát sinh thuật ngữ: thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn.
Muốn sạch là phải đắt? Có ý kiến cho rằng, muốn dùng thực phẩm sạch là phải chấp nhận tốn kém, nghĩa là đắt.Tôi chỉ đồng ý một phần nhỏ của quan điểm, thực phẩm sạch nghĩa là phải đắt.
Thực phẩm sạch là thực phẩm tuân thủ quy định an toàn của Nhà nước. Đây là vấn đề pháp luật, ai cũng phải tuân thủ.Thực phẩm sạch đắt tiền hơn một chút thì có thể, nhưng nói rằng đắt gấp vài lần so với giá hiện nay, thì phải xem xét.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tình trạng lạm dụng phân, thuốc hoá học đang diễn ra tràn lan. Việc kiểm soát những yếu tố này làm giá thành rau củ quả đắt hơn, nhưng cũng không thể tăng đến gấp mấy lần như than vãn.Có người nói, vì hữu cơ nên đắt dữ vậy.
Nhưng đâu chỉ có thực phẩm hữu cơ mới sạch. Cần phân biệt, rau tuân thủ quy định an toàn (rau sạch) là khác với rau quả hữu cơ.
Rau quả hữu cơ không được dùng loại biến đổi gien, không dùng phân hoá học và chất bảo vệ thực vật, nên việc chăm sóc công phu, tốn kém hơn.Khi chế biến hữu cơ cũng bị khống chế nghiệt ngã không kém, ngoài nguyên liệu được dùng phải là loại hữu cơ, bất cứ loại phụ gia nào cũng không được phép dùng.
Các sản phẩm hữu cơ phải được kiểm soát chặt mỗi công đoạn, lại phải chi phí cho giấy chứng nhận… thì giá thành đắt hơn vài lần là điều có thể hiểu được.
Tuy nhiên về mặt rủi ro an toàn đến sức khoẻ, dinh dưỡng, và độ ngon của thực phẩm tuân thủ quy định an toàn và thực phẩm hữu cơ là như nhau. Điều này đã có nhiều công trình nghiên cứu lâm sàng ở quy mô lớn khẳng định. Cần phải làm rõ để tránh những quảng cáo lạm dụng.
Ưu điểm của thực phẩm hữu cơ đó là bảo vệ môi trường, làm giảm ô nhiễm, duy trì hệ sinh thái, bảo vệ nguồn đất và nước, rất đáng khuyến khích.Nhưng nếu giá lại quá cao, thì chưa thích hợp với túi tiền của đa số người dân lúc này.
Thế nào là thực phẩm sạch?
Có nhiều góc nhìn. Người tiêu dùng thì cho thực phẩm sạch là không mang mầm bệnh. Nhà nước thì cho rằng, thực phẩm an toàn theo đúng tiêu chuẩn quy định của nhà nước là thực phẩm sạch. Còn doanh nghiệp thì có nhiều kiểu nghĩ:
– Tôi sản xuất đúng quy định và tiêu chuẩn nhà nước là tôi làm thực phẩm sạch.
– Tôi sản xuất theo công nghệ cao: tưới nhỏ giọt, làm nhà màng, sử dụng phân thuốc theo danh mục cho phép, là đã cung ứng thực phẩm sạch.
– Tôi sản xuất hoàn toàn thuận theo thiên nhiên, cây trái sống thế nào, thu hoạch và ăn như thế đó là sạch.
– Tôi làm theo tiêu chuẩn hữu cơ của nước ngoài và ứng dụng sinh học trong canh tác là sạch.
Rắc rối quá. Mỗi người một ý. Vậy theo bạn, phương pháp nào đúng và… sạch?
Vũ Thế Thành (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này