
20:00 - 08/02/2018
‘Giải oan’ cho làng hải sản khô Phước Hải
Sáng 8/2, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã công bố thông tin kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm hải sản khô thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ.

Bà Trần Thị Phượng, một người làm nghề phơi cá đuối khô, nói: “Tôi không dại gì mà hủy hoại nghề truyền thống của gia đình” – Ảnh: Đông Hà.
Tại buổi công bố thông tin cho các cơ quan báo chí và gần 30 hộ dân làm nghề chế biến hải sản khô của thị trấn Phước Hải, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết kết quả lấy mẫu để xét nghiệm vào tháng 10-2017, xác định 1/8 mẫu có formol và 2/6 mẫu có trichlorfon (hoạt chất trong thuốc trừ sâu).
Đến tháng 12/2017, cơ quan này tiếp tục kiểm tra đột xuất, lấy 39 mẫu của gần 30 cơ sở chế biến hải sản khô ở Phước Hải.
Kết quả, tất cả các mẫu đều âm tính với thuốc xổ giun gián levamisole và bốn mẫu (của ba cơ sở) có trichlorfon.
Ông Cường cho biết thêm, qua hai đợt kiểm tra, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xử phạt năm cơ sở với số tiền gần 400 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng, 12 tháng với các cơ sở vi phạm.
Theo ông Cường, việc làm của những cơ sở vi phạm trên sau khi được đăng tải đã làm người cho những cơ sở phơi cá không dùng hóa chất lao đao, ảnh hưởng nặng nề vì hàng không bán được.
Nhiều người làm nghề mong muốn được “giải oan” vì trước đó một số cơ quan báo chí đã phản ánh có những cơ sở ở đây đã dùng hóa chất tẩm khi phơi cá để chống ruồi.
Bà Trần Thị Phượng (49 tuổi), một người làm nghề phơi cá đuối khô ở khu vực lăng cá Ông cho biết, trước đây mỗi đợt bà bán hàng chục tấn cá nhưng sau đó hàng không bán được.
Bà Phượng rất bức xúc vì dư luận phản ánh cá khô đù nhưng quay cả cảnh khô đuối nên bà bị oan và thực tế cơ sở bà cũng không dùng hóa chất để phơi cá.
Đến nay dù đã một phần phục hồi nhưng không thể bằng ngày trước và rất mong muốn được giải oan mà làm ăn.
“Đây là nghề truyền thống của gia đình tôi có từ ba má tôi. Tôi không đời nào dại dột mà phá hủy, làm hư cái nghề truyền thống của gia đình”, bà Phượng nói.
Ông Trần Văn Cường khẳng định, sẽ cương quyết đóng cửa hoàn toàn với những cơ sở tái phạm, thậm chí nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm thì sẽ bị truy tố, đồng thời đề nghị khi sử dụng phụ phẩm bà con phải tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn.
Theo Tuổi Trẻ
Có thể bạn quan tâm
Vũ Thế Thành: Nước mắm mùi thật và nước mắm mùi phụ gia
Nguồn gốc nước mắm bị nhận vơ
Vũ Thế Thành: Huyền thoại dầu dừa chữa bá bệnh
Vì sao người ta mê mẩn trà sữa?
Công nghệ giúp giảm lượng đường trong nước ép trái cây
Tin khác


EC lập hồ sơ theo dõi dư lượng hoạt chất 2-chloroethanol trong bún, phở Việt Nam

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này