
09:46 - 29/07/2022
Từ Đà Lạt qua Deauville đến Jungfrau
Trong hơn 10 năm đi học tại Đà Lạt, hầu như 6 ngày mỗi tuần anh chị em chúng tôi đều đi ngang công trình kiến trúc độc đáo này: Nhà ga xe lửa với ba cái chỏm hình tam giác nổi bật.
Nhưng những năm ấy, thập niên ‘60 đến giữa những năm ‘70, nhà ga này vắng lặng không một bóng khách lữ hành, vài đầu máy xe lửa dầm mưa dãi nắng và cứ thế gỉ sét theo dòng thời gian. Anh chị em chúng tôi chưa một lần được vui xình xịch trên đường ray răng cưa từ Đà Lạt đi xuống Dran, Phan Rang. Mãi đến khi đã lớn, không ngờ tôi đã vui được hưởng.
Nhà ga Deauville giống nhà ga Đà Lạt
Cách Paris gần 200km về hướng Tây-Bắc nhưng từ lâu Deauville vẫn quen được cư dân thủ đô Pháp gọi “Quận thứ 21” hoặc “Quận ngoại thành” của Paris. Vì Deauville (eau là nước, ville là thành phố) là thị trấn nghỉ mát ven biển gần Paris nhất. Mỗi cuối tuần, dân khá giả ở Paris sáng lái xe hoặc đi xe lửa đến đây hưởng nhàn và thử vận đen đỏ không trong casino thì trên sân cỏ đua ngựa.
Theo dòng thời gian, Deauville và phía bên kia sông Trouque là thị trấn Trouville ngày càng nổi tiếng, khách đến càng đông nên cần được nối kết bằng đường sắt với Paris cũng như các thành phố lớn khác ở miền bắc nước Pháp. Và thế là nhà ga xe lửa đã được xây dựng rồi khánh thành vào ngày 1/7/1863. Sang thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, một dự án mở rộng và xây mới nhà ga nhưng Đại chiến thế giới I khiến mọi việc phải gác lại. Mãi đến tháng 11/1930 công cuộc xây lại nhà ga Deauville-Trouville mới bắt đầu, theo bản thiết kế của kiến trúc sư Jean Philippot. Ngày 26/7/1931, nhà ga mới được khánh thành. Nếu có dịp du lịch Deauville, bạn sẽ thấy nhà ga xe lửa Đà Lạt, xây dựng năm 1932, rất giống nhà ga này.
Đường sắt răng cưa lên đỉnh Washington
Du khách đến Mỹ nghe nói “Nàng Thu” ở các điểm đến thuộc vùng New England mới đúng là những “tuyệt tác giai nhân”. New England (vùng Tân Anh) là 6 bang ở tít phía Đông-Bắc nước Mỹ, gồm 6 tiểu bang có diện tích đất cực kỳ khiêm tốn là Connecticut, Massachusetts, Maine, New Hampshire, Rhode Island và Vermont. Nghe kể rằng thời tiết ở Tân Anh khi mùa thu đến chẳng hề dễ chịu cho khách từ phương Đông bay đến. Nhưng vì cảnh đẹp thì cứ liều.
Dáo dác phóng tầm mắt quan sát các rừng cây bọc bao bờ hồ phía xa, thoang thoảng một vài sắc thu, nhưng chưa hẳn là “Nàng Thu” mỹ miều như mọi người mong đợi. Vậy thì sau bữa trưa bánh mì kẹp thịt tôm hùm hấp, chúng tôi đi tiếp đến Công viên quốc gia Núi Washington (Mount Washington State Park), đặt theo tên vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, George Washington. Ở tít trên đỉnh cao là trạm quan sát khí hậu, thời tiết.
Tại đây, thật bất ngờ, đoàn du khách Việt có trải nghiệm nhớ đời: chỉ sau một chuyến đi 30 phút bằng đường sắt răng cưa lên đỉnh núi Washington, tuy chỉ cách mặt nước biển gần 2.000m nhưng lại núi cao nhất toàn vùng Đông Bắc Mỹ và cũng là ngọn núi nổi bật nhất ở phía đông của lãnh thổ bao la được vạch ra cách tự nhiên bởi dòng sông Mississippi, từ thời tiết đầu thu còn khá ấm áp, chúng tôi biết thế nào là đỉnh cao giá lạnh. Có thể khẳng định là rét thấu xương.
Đọc các bảng thông tin thì biết hồi đầu năm 2018, Mt. Washington ghi nhận: xếp hạng 2 trên danh sách những địa điểm lạnh nhất thế giới (âm 37,78 độ C), chỉ kém 2 độ so với nơi lạnh nhất là Yakutsk bên Nga.
Chúng tôi lên đỉnh đúng thời điểm đánh dấu 150 năm núi Washington có đường ray răng cưa lên núi đá đầu tiên của loài người. Đúng là một trải nghiệm quý giá. Cả cái lạnh cũng là một kỷ niệm khó quên! Mà phải nhìn nhận rằng đoàn khách đến từ Sài Gòn cũng liều và lì thiệt. Thổ dân Mỹ gọi Mt. Washington là lãnh địa của “Đại Thần Linh” nên không dám bén mảng lên đó. Năm 1524, từ ngoài khơi New Hampshire nhìn vào, nhà thám hiểm người Ý Giovanni da Verrazano là người châu Âu đầu tiên phát hiện ngọn núi và mãi đến năm 1642 thì một người Anh di dân tên Darby Field trở thành người châu Âu đầu tiên trèo lên đỉnh. Ngày nay, bình thường mỗi năm Mt. Washington là điểm đến tham quan của hơn 250.000 khách.
Xình xịch lên nóc nhà châu Âu
Một đèo, một đèo rồi lại một đèo, cứ thế đoàn tàu sắt chạy trên đường ray răng cưa đưa mỗi lần hàng trăm du khách lên đỉnh núi tuyết Jungfraujoch ở tổng Bern, miền Trung đất nước Thụy Sĩ. Tôi thích thú xình xịch lên đỉnh, từ tàu sơn hai màu xanh vàng chuyển sang tàu sơn màu đỏ của Jungfrau Railways mà lên cao, cao đến hơn 3500m trên mặt nước biển.
Đoàn tàu vàng xanh đại dương Bernese Oberland đã hoạt động đều đặn từ tháng 7.1890, rồi chuyển từ đầu máy hơi nước sang tàu điện 1500V kể từ tháng 3/1914. Ngày nay nó vẫn đều đều mỗi ngày vận chuyển du khách từ nhà ga ở thị trấn nghỉ mát nổi tiếng thế giới Interlaken (có nghĩa là ở giữa hai hồ nước lớn, Thun và Brienz) đến làng Grindelwald tuyệt đẹp và đi tiếp đến làng Lauterbrunnen (có nghĩa là ngàn suối nước) yên bình, đẹp mê bên vách núi đá.
Để lên đến Jungfraujoch, mệnh danh Nóc nhà châu Âu, du khách phải chuyển sang tàu sơn màu đỏ mang hàng chữ Jungfraubahn tại nhà ga Kleine Scheidegg có thiết kế trông như một con tàu xuyên đại dương khổng lồ. Đoàn tàu này chạy trên đường ray có hàng răng cưa sắt ở giữa hai thanh sắt chính suốt chiều dài 9,3km, thông qua mấy đường hầm trong lòng núi đá phủ tuyết trắng quanh năm. Đáng nể là nó đã được khởi công xây dựng từ năm 1896 và hoàn tất sau 16 năm.
Công ty hỏa xa Wengeralp được lập ra cách nay 129 năm, những nhát cuốc đầu tiên va mạnh vào núi đá bắt đầu vang lên ngày 27/7/1896. Khoảng 100 công nhân được huy động, đa số đến từ nước Ý hàng xóm. Vượt qua rất nhiều cản trở, thử thách, khó khăn, nhiều sinh mạng mất đi, từng khúc đường ray, từng trạm dần hình thành để rồi nhà ga xe lửa ở độ cao nhất toàn châu Âu đã khánh thành vào ngày 1/8/1912.
Đoàn tàu màu đỏ xuống núi, lăn rần rần vào ga Kleine, tôi có hơn chục phút nối chuyến, khui chai champagne để khắc ghi lần thứ ba được đạt đỉnh bình yên trên cao lạnh giá!
Mỗi lần di chuyển trên đường ray răng cưa lên Jungfraujoch, tôi lại nhớ Đà Lạt quê nội, tiếc cho Đà Lạt đã bị mất đi hệ thống đường ray răng cưa hiếm hoi, những đầu máy hơi nước. Chúng đã bị bán đi cho những người Thụy Sĩ, nơi chúng được lắp ráp thời xửa thời xưa.
Đầu máy hơi nước từ Đà Lạt chạy qua… Thụy Sĩ
Nối kết thị trấn Realp của tổng Uri với thị trấn Oberwald, tổng Valais bên Thụy Sĩ là một tuyến đường sắt răng cưa, chạy qua đèo Furka. Tên chính thức của nó là Furka Oberalp Bahn, bắt đầu hoạt động năm 1925 với những đầu máy hơi nước, chủ yếu chở du khách cho họ ngắm cảnh thiên nhiên vùng núi Alps ở độ cao 2.160m trên mặt nước biển, một trong những tuyến đường sắt ở trên cao nhất của đất nước Thụy Sĩ. Vì khúc đường này là một phần của tuyến đường sắt ngoạn cảnh lừng danh thế giới Glacier Express buổi ban đầu. Nhưng đến năm 1981, khi đường hầm Furka hoàn tất, tuyến đường xe lửa răng cưa này phải ngủ yên.
Năm 1983, một số những kỹ sư hỏa xa Thụy Sĩ đã về hưu, luyến tiếc thời huy hoàng của đường sắt răng cưa và đầu máy hơi nước năm xưa nên đã họp nhau lại thành một câu lạc bộ mang tên Furka Cogwheel Steam Railway Club. Giúp họ có tài chính để hoạt động, phục hồi đầu máy cổ, tà vẹt, hệ thống răng cưa… chính là những kiều bào Thụy Sĩ sống bên Mỹ luôn nhớ quê hương. Tài chánh đã có, kỹ thuật và hiểu biết, tay nghề cũng có đủ nhưng tìm đâu ra đầu máy hơi nước cổ? Lục tìm trong các chồng hồ sơ lưu trữ, họ vui mừng khi biết đã có mấy đầu máy “Swiss made” được sản xuất bán cho Việt Nam.
Khi biết có dự án khôi phục đầu máy hơi nước cổ mua lại từ VN, CLB đã thu hút được thêm mấy ngàn hội viên, có thêm kinh phí. Cuối cùng sau nhiều năm miệt mài vì đam mê hoài cổ, tốn công sức khoảng 200.000 giờ làm việc, tàu Furka Steam Train đã lăn bánh trở lại vào mỗi mùa hè, kéo theo phía sau là những toa chở toàn du khách. Tại Mỹ, ECHO Rails & Trails là công ty duy nhất độc quyền bán vé xe lửa đầu máy hơi nước Furka.
P. Nguyễn Dũng (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này