
22:29 - 01/04/2023
Nho nhỏ Tuy An rạng rỡ miền cổ xưa
Gần như các bạn trẻ gần đây biết đến với “hoa vàng trên cỏ xanh” nhưng Phú Yên còn nhiều hay ho lắm. Như chỉ riêng huyện nhỏ Tuy An đã mấy nét duyên, từ xưa xưa tới rất cổ xưa… dễ hớp hồn khách du.

Đá đen vẫn rạng ngời đẹp khi Gành đá dĩa được hỗ trợ bởi đại dương xanh thẳm, cát trắng bờ bên kia, những con thuyền neo hờ hững làm điểm nhấn…
Trưa nắng đó vội vã về ngang Tuy An, viếng Mằng Lăng tinh khôi rồi hướng ra biển Đông mênh mông nơi Gành đá dĩa ngàn đời sóng mê mãi bạc đầu… đã quá ngỡ ngàng trước miền yên đẹp đang lặng lẽ nép mình.
Đẹp xưa vừa giáo đường Mằng Lăng
Xưa vừa vừa là nói khiêm nhu, vì thánh đường Mằng Lăng đã hơn trăm năm tuổi, nằm trong nhóm các nhà thờ xưa cổ nhất đất Việt. Nhưng khiêm tốn vậy cũng đúng vì ở đây có “so tuổi” với danh thắng nằm không xa lắm – Gành đá dĩa, hình thành từ thuở hồng hoang 200 triệu năm trước, đã cùng Mằng Lăng góp nên danh phận Tuy An. Tuy “mới” xây năm từ 1892, nhà thờ Mằng Lăng liên đới tới những câu chuyện, thánh tích còn cổ xưa hơn nữa. Trong đó rất ấn tượng, với thế giới chứ không riêng nước Việt, khi nhà thờ lưu giữ cuốn sách in bằng quốc ngữ (cùng tiếng Latinh), lần đầu tiên trên cả địa cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Cuốn “Phép giảng 8 ngày”, in năm 1651 tại Rome, Ý, của vị giáo sĩ góp công lớn trong việc tạo nên tiếng Việt bây giờ Alexandre de Rhodes, giờ là bảo vật quý của Mằng Lăng.
Không còn thấy quanh nhà thờ rừng mằng lăng, theo như nghe kể về truyền thuyết cái tên của nhà thờ. Hôm ghé thăm bữa hạ đang giữa mùa, thay thế mằng lăng là những tàng phượng biêng biếc lá, điểm tô vài cành đỏ rực hoa, dưới trời trưa miền duyên hải thăm thẳm cao xanh… phối nhau làm tiền cảnh, hậu cảnh cho nhà thờ thêm rạng ngời. Đã quen mắt với các tháp chuông có chóp nhọn thanh thoát của các nhà thờ Sài Gòn như Đức Bà, Tân Định… có thể sẽ hơi lạ với hai tháp chuông vuông vức cứng cáp của Mằng Lăng. Nhưng sẽ dễ mau quên cảm giác đó khi chiêm ngưỡng các đường kiến trúc gothic đặc trưng đẹp qua các hoa văn trang trí, những ô cửa vòm chóp nhọn thanh thanh… Dù chỉ giản dị sắc xám tường vôi, nhờ các nét kiến trúc gothic nhấn nhá, rồi thêm các cửa gỗ xanh nhạt dìu dịu đậm tính bản địa được chạm khắc tinh xảo, cùng mái ngói đỏ xưa giờ nhuộm nâu rêu phong… ngôi thánh đường xưa dưới nắng trưa miền Trung hực hỡ, càng thêm duyên.
Khá may mắn bữa đó khi gặp một đôi uyên ương chụp hình cưới. Sóng sánh bên nhau với áo dài cổ truyền, thú vị hơn nữa khi cặp đôi là vợ Việt chồng Tây. Nền nã, dù vẫn đậm đà sắc áo dài xanh của “ông Tây” chú rể bên tha thướt vạt lụa đỏ áo dài cô dâu… những tấm hình khách du chụp ké các bạn với Mằng Lăng có thêm duyên lạ ít gặp. Ở hành lang bên hiên nhà thờ với đường cong gothic có chóp nhọn cách điệu hình búp măng làm cận cảnh, hay trong chánh điện dưới những ô cửa sổ kính màu lung linh màu chiếu… đều tăng nét đẹp độc đáo với vấn vít những tà áo dài xanh đỏ bay bay… Có lẽ hơi khiên cưỡng, nhưng thiển nghĩ cá nhân lúc đó về mối lương duyên Tây-Việt, bên nhà thờ… cứ làm liên tưởng về chuyện nhà thờ, chuyện tôn giáo… về giao hòa nơi miền đẹp này!?
Đẹp cổ đại Gành đá dĩa
Từ Mằng Lăng, xuôi hướng ra biển chừng hơn 10km là tới Gành đá dĩa, được công nhận là thắng cảnh thiên nhiên cấp quốc gia năm 1998, rồi tới 2020 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Hình thành tự sự phun trào của núi lửa khi gặp các điều kiện đặc biệt từ khoảng 200 triệu năm trước, Gành đá dĩa là bãi đá, bao gồm các cột đá hình lục giác, ngũ giác, vuông, tròn nằm sát biển, na ná những chiếc dĩa chồng lên nhau – làm nên tên gọi. Trên địa cầu mênh mông, các kiến tạo như Gành đá dĩa (basalt column hay columnar jointed volcanic rocks) theo Wikipedia có xấp xỉ 200 nơi. Thú vị thay Gành đá dĩa Tuy An luôn nằm trong danh sách đẹp nhất, như theo The World Geography thì vào Top 14, còn ở fodors.com là Top 10 các kiến tạo cột đá núi lửa đẹp nhất hành tinh.
Mà đẹp thiệt, khi sắc đen không buồn tẻ mà trở nên rạng ngời. Bởi sự hỗ trợ của sắc thắm đại dương, xanh thẳm trời hè, lũ mây trắng lững lờ. Cả những đỏ xanh vàng tím các y trang tranh sắc đang chụp choẹt hay cả đám bọt sóng mê mải vỡ tung trắng xóa làm nền… Tất thảy làm nổi bật sắc đen tuyền của đá. Do tính chất bãi đá, nơi đây là điểm tham quan, chụp hình nhiều hơn là dừng chân nghỉ ngơi, mua bán… – nhường lại các phận sự này cho khu vực khác, nên không như với nhiều bãi biển nổi tiếng dễ bị ô nhiễm, Gành đá dĩa vẫn giữ được nét hoang sơ đẹp. Nên việc thả mình ở một góc vắng, lặng ngắm dưới chân là bãi đá đen hùng vĩ, xa xa biển trong vắt nâng niu đám thuyền thúng dập dềnh trôi, rồi chiều muộn đưa mấy con ráng đỏ hồng về lãng đãng… sẽ là những tưởng thưởng rất khác.

Thánh đường trưa yên ả, với những nét gothic xưa nhã đẹp – chỉ trừ cái trần gỗ ‘’mới’’, được làm lại khi cơn bão năm 1924 làm sụp.
Vậy đó, bên cạnh các danh thắng khác của Phú Yên, chỉ với góc nhỏ Tuy An, hành trình từ Mằng Lăng ra Gành đá dĩa… sẽ thêm điểm nhấn thú vị bổ sung vô bộ sưu tập về miền đất không chỉ hoa vàng cỏ xanh. Nhưng sẽ không đủ đầy nếu còn chưa thưởng thức ẩm thực lành ngon góp thêm danh tiếng của miền đất nhỏ này. Như sò huyết đầm Ô Loan, bánh hỏi cháo lòng Hòa Đa… hay chỉ đơn giản là thưởng thức mấy món gà quê ngay trên triền đá lồng lộng gió biển không xa lắm Gành đá dĩa bên dưới. Nhưng đó sẽ là các câu chuyện khác, những điều thú vị nữa về một Tuy An, một Phú Yên nhiều thú vị, lắm tiềm năng đang chờ khách du viếng thăm và khám phá.Vậy còn chờ gì nữa?
bài và ảnh Trần Thái Hoãn (theo TGHN)
—————–
Ref về việc Gành đá dĩa lọt vào các Top:
https://www.fodors.com/news/photos/10-jaw-dropping-basalt-formations-around-the-world
http://www.theworldgeography.com/2013/01/basalt-formations.html
Danh sách các cột đá basalt trên thế giới: https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_places_with_columnar_jointed_volcanics
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này