
09:46 - 31/10/2022
Mùa hạt dẻ
Trời se lạnh, lá vàng rơi báo hiệu mùa thu tới. Mùa của những loại thức ăn, thức uống nóng bên bếp lửa bập bùng. Và hạt dẻ là món ngon thiên nhiên ban tặng cho nước Pháp vào mùa thu. Bạn cứ men theo ven rừng sẽ thấy…
Cuối tuần, cả nhà tôi đi nhặt hạt dẻ ở ven rừng gần nhà… Nhà tôi đốt mấy nhánh củi khô ngoài vườn để nướng hạt dẻ… nhặt được ở ven rừng, vừa nhâm nhi vừa nghe ông bạn Martin đến từ Cévennes (Đông Nam, nước Pháp) kể chuyện về hạt dẻ…
“Bạn không thể ở trong mùa thu mà không có hạt dẻ nướng, nó giống như một mùa Giáng sinh không có tuyết”… ông Martin nói.
Một cây dẻ già ven rừng rụng lá, trái đổi màu, các sạp ngoài chợ bày hạt dẻ, trong siêu thị cũng vậy. Chẳng mấy chốc, hạt dẻ thơm cả mùa thu…
Hạt dẻ được tìm thấy ở hầu hết các khu rừng mùa lá rụng ở nước Pháp. Người ta tính khoảng 10.000 đến 12.000 tấn hạt dẻ mỗi năm. Riêng Cévennes có 1.000 tấn mỗi năm.
Mùa hạt dẻ có thể thay đổi tùy theo khí hậu từng vùng, nhưng mùa trái chín thường từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10; đôi khi kéo dài đến giữa tháng 11. Hạt dẻ là loại quả mà người ta không thể hái trên cây, với những cái gai nhọn hoắc bao bọc bên ngoài… Khi chín chúng sẽ rụng xuống, người ta mang những đôi ủng và giẫm trên trái rụng, mang găng tay bóc hạt ra ngoài khi nhặt chúng…
Hạt dẻ có màu nâu bóng, đẹp khi chín. Một khi lớp vỏ gai của chúng được loại bỏ, nướng trên lửa củi hay trong lò, hoặc luộc hạt dẻ ăn bùi bùi sẽ khiến bạn không khỏi xuýt xoa, thích thú… Tuy nhiên, bạn phải cẩn thận vì có một thứ hạt giống như hạt dẻ, nhưng gai bên ngoài của nó mềm, không nhọn, hạt của nó lớn hơn. Đó là hạt của cây dẻ ngựa không ăn được.
Hạt dẻ được làm kẹo (kẹo hạt dẻ, được bán nhiều nhất là vào cuối năm), ngâm rượu, hoặc nghiền nấu thành mứt, chế biến theo nhiều cách khác nhau để món ăn thăng hoa như gà đút lò hạt dẻ, kem hạt dẻ ăn với bánh mì, v.v…
Ở Thụy Sĩ, đặc biệt là ở Chablais và Valais, một bữa ăn làm từ hạt dẻ nóng kèm theo nho và rượu vang trắng được gọi là brisolée. Hạt dẻ được rang trong hình trụ gọi là brisoloir. Hạt dẻ sấy khô, sau đó xay nhuyễn, trộn thêm 30% bột mì chúng tạo ra một loại bột khô làm bánh mì bánh kếp, bánh kếp và bánh ngọt. Chừng ấy cũng trở thành một bữa tiệc mùa thu vui vẻ.
Ở châu Âu, hạt dẻ theo truyền thống là một phần của một số món ăn vào dịp Giáng sinh và năm mới.
Không đơn thuần là một loại hạt để “ăn chơi”. Hạt dẻ chứa tinh bột và chất xơ có hàm lượng calo tương đương với ngũ cốc và không chứa gluten. Ngoài ra hạt dẻ rất giàu carbohydrate, gần 40% là đường, bao gồm 2/3 tinh bột và 1/3 sucrose. Đối với những người có cảm giác thèm ăn, hạt dẻ sẽ nhanh chóng làm no bụng. Lợi ích của loại thực phẩm đặc trưng cho mùa thu và mùa đông này là giàu chất xơ và hàm lượng khoáng chất đặc biệt cao, chủ yếu là kali, magiê, canxi và sắt. Ngoài ra còn có các nguyên tố vi lượng (chủ yếu là mangan, đồng, kẽm và selen), cũng như các vitamin (nhóm B và C). Và một số nghiên cứu cho rằng việc tiêu thụ thường xuyên những loại trái cây này có tác dụng có lợi đối với mức cholesterol trong máu, ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường loại 2 (nói chung liên quan đến sự trưởng thành và thừa cân).
Mùa hạt dẻ thường ngắn, sau khi thu hoạch có thể để trong phòng nhiệt độ từ 19-20 độ, nhưng nếu để sản xuất thành phẩm thì ngay sau khi thu hoạch – hạt dẻ sẽ được ngâm trong bể nước từ 5 đến 9 ngày, thay nước mỗi ngày để những hạt bị sâu nổi lên, dễ dàng loại bỏ. Sau đó, hạt dẻ được trải ra sàn để phơi khô từ 8 đến 10 ngày ở nơi thoáng gió và thỉnh thoảng được đảo đều để bảo đảm hạt dẻ khô hoàn toàn.
Những người hàng xóm của tôi có một cách bảo quản riêng, đun nước cho sôi rồi cho hạt dẻ vô chậu trong 2-3 phút, vớt ra để nguội, sau đó cho vào tủ đông – khi nào ăn lấy ra nướng… Bằng cách này, hạt dẻ được bảo quản từ 9 tháng đến một năm.
Ở châu Âu có “Ngày hạt dẻ châu Âu” thường được tổ chức vào tháng 10 hằng năm. Pháp có nhiều vùng trồng hạt dẻ như Ardèche, Cévennes, Périgord, Corsica, Cantal… Ban tổ chức Ngày hạt dẻ châu Âu hình thành từ Liên minh hạt dẻ liên ngành Tây Nam nước Pháp (UICSO), Ủy ban hạt dẻ liên chuyên nghiệp của Bas-Limousin, Liên minh các nhà sản xuất hạt dẻ và hạt dẻ của Limousin, Hiệp hội hạt dẻ và hạt dẻ Limousin, Interco, AREFLH và AANA.
Vào ngày 1 tháng 10, các chuyến thăm kỹ thuật sẽ được tổ chức tại các vườn hạt dẻ: nông lâm kết hợp, địa điểm thu hoạch, quản lý mật độ cao, thiết bị phân loại sau thu hoạch. Ngày hôm sau, những người tham gia sẽ có thể đến thăm trạm phân loại và vận chuyển của một tổ chức sản xuất. Sau đó, họ sẽ được hướng dẫn đến hội chợ thương mại “Tech-Châtaigne” ở St-Yrieix-La-Perche (miền Trung nước Pháp) được tổ chức từ năm 2015, hoàn toàn dành riêng cho việc trồng hạt dẻ.
Trong hội thảo quốc tế, Ban tổ chức sẽ công bố số liệu dự báo thu hoạch của các nước sản xuất chính ở châu Âu, tiếp theo là bàn tròn về thương mại, xu hướng thị trường và tiêu dùng. Chủ đề về quản lý dịch bệnh và dịch hại cũng sẽ được đề cập.
Hằng năm lễ hội hạt dẻ được tổ chức trong những tháng thu hoạch hạt dẻ, để kỷ niệm loại quả này đã nuôi sống biết bao nhiêu người trong quá khứ và là một phần không thể thiếu của di sản ẩm thực.
Ông bạn Martin nói và điều mà người nghe tâm đắc nhất là – từ món quà do tự nhiên ban tặng để thứ thách sự tinh tế của con người, từ những cánh rừng cổ tích một số vùng đã học cách sống tự nhiên của cây dẻ bắt đầu trồng rừng hạt dẻ. Cái hay của họ là khi vùng trồng hạt dẻ lan rộng, để thu hoạch và bảo đảm giá trị kinh tế thì các Hiệp hội giúp định hướng phát triển nghề và duy trì cây giống cho các nhà sản xuất hạt dẻ. Bất chợt tôi nghĩ tới trái sầu riêng quê mình, người dân phá bỏ cây trồng khác để có sầu riêng bán sang Trung Quốc… nhưng chưa có gì chắc chắn khi 5 năm phải đàm phán một lần.
Châu Âu chăm sóc cây dẻ như thế nào thì họ nhìn các nước xuất khẩu cây trái như thế ấy. Tự nhiên và hồn hậu, không cần phải kích thích ra hoa nghịch vụ, không cần phải xịt thuốc dưỡng bông, phì trái… tất cả là tự nhiên. Chạnh lòng, tôi lại nhớ sầu riêng xứ mình. Giá mà bên mình học được cách làm rất tự nhiên của châu Âu, mỗi cây có vị trí – vai trò và giá trị tăng thêm nhờ sáng tạo chứ không chặt phá ào ạt, đổ xô trồng để sầu riêng không thành sầu chung.
Bài và ảnh Kim Chi Daudens (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Mắm cua gạch Trần Đề
Việt Nam sẽ phát triển sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến
Những trà quán năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?
Gà nướng cà phê coi bộ dễ phê
Trở lại thiên đường nhựa mận
Tags:Mùa hạt dẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này