
10:49 - 08/04/2023
Máu me với sò huyết Ô Loan
Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp/Sò huyết sinh trong đáy giấc mơ xanh.(1) Đầm Ô Loan nằm bên chân đèo Quán Cau. Cái đèo một thời từng ám ảnh người dân buôn gánh bán bưng: “Không đi thì mắc cái eo(2)/Ra đi thì sợ cái đèo Quán Cau.”
Cách đây 28 năm, đầm này được phong là “Miss Nature” của quốc gia. Những con sò huyết có lẽ góp thêm phần làm nên danh phận của cái đầm.
Tới đó ngắm cảnh đẹp lại còn được thưởng thức sản vật hãn hữu của cả nước. Non nước vừa hữu tình mà còn hữu khoái (ăn là đệ nhất khoái), thật khó có nơi nào sánh bằng.
Sò huyết đầm Ô Loan nổi tiếng có lẽ nhờ sản lượng lớn. Dân sành ăn bình chọn Miss Sò Huyết là sò huyết đầm Thủy Triều, Nha Trang, á hậu 1 là sò huyết đầm Ô Loan, á hậu 2 là sò huyết phá Tam Giang, Huế. Sò trong tiếng Tây là giống cái, nên phong Miss cho nó đã đành. Chẳng hiểu sao ở Việt Nam nó lại mang hình ảnh xấu, hình ảnh của cha trùm sò nổi tiếng với môn khám điền thổ!
Cách đây sáu năm á hậu 1 sò huyết đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ địa lý “Sò huyết đầm Ô Loan.” Sò huyết được xếp vào loại “sò vỏ tàu” (ark cockle/clam) – gồm trên 200 loại; nó mang tính ngữ “huyết” vì trong con sò có chất lỏng hồng huyết cầu màu đỏ.
Sò huyết đầm Ô Loan thịt mềm ngọt, mùa nào cũng mập ú, nhìn con nào con nấy thịt căng mọng. Vị ngon đặc biệt của con sò nơi đây chính là độ ngọt và có hương thơm. Nhất là khi ăn món nướng do du khách trực tiếp nướng trên bếp than. Mùi cháy của lớp vỏ can-xi của sò trước tiên ta được ăn hồi 1 bằng mũi. Nhìn con sò từ từ hả miệng, là đã chín tới, ta ăn hồi 2 bằng mắt. Nên kiên nhẫn đợi nước trong vỏ sò ráo rồi gắp xuống khỏi bếp. Cạy miếng thịt sò chấm nước chấm hải sản, hay muối tiêu chanh có pha chút mù tạt. Ăn kèm là mấy lá rau răm. Miếng thịt sò ngọt, rau răm thơm, mù tạt hăng nồng với vị chua của chanh. Ăn ngon bên cảnh đẹp của “nàng Loan Đen” thiệt còn gì đã đời hơn.
Sò huyết Ô Loan có quanh năm. Nhưng nhiều và ngon nhất là tháng tư, tháng năm âm lịch, khi gió nam hiu hiu thổi và rồi những cơn mưa rào đầu mùa cuốn nhiều phù sa, rong tảo cùng lượng thủy sinh từ sông, suối đổ ra biển, ra đến đầm, gặp cửa biển tạo ra một môi trường lý tưởng để rong tảo sinh sôi trong lòng đầm Ô Loan. Đây cũng là lý do giải thích về cái sự béo mầm, đỏ tươi của con sò huyết nơi đây. Cách bắt sò của người dân ven đầm Ô Loan cũng công phu lắm.Chẳng phải cào mà lội xuống nước dùng chân rà trên bùn phát hiện có sò là dùng ngay hai ngón chân quắp lên hoặc có khi phải khom người nhặt những chú sò bụ bẫm, hình khía rẻ quạt.
Sò huyết Ô Loan được chế biến thành nhiều món ăn từ dân dã đến cầu kỳ như: sò hấp sả, sò nướng than hồng, sò la-cót, tiết canh sò huyết, sò rang me, sò rang muối ớt… Sò dùng nấu cháo, sò tươi nhúng lẩu chua cũng cực ngon.
Thú vị nhất là khi được thưởng thức món đặc sản độc đáo này trong đêm trăng gió mát đến đầm Ô Loan buông chèo thả trôi lững lờ mặt nước. Trên tấm ván bắc qua hai con thuyền áp mạn vào nhau, bằng hữu ngồi quây quần bên chiếc hỏa lò rực than hồng, nhâm nhi món sò huyết nướng chấm muối tiêu ăn kèm rau răm đi kèm cút rượu, như hòa mình vào cảnh sắc hữu tình của xứ Nẫu.
Đặng Kính – Thảo Linh (theo TGHN)
———-
(1) Thơ của Nguyễn Mỹ.
(2) Dựa theo thành ngữ “nghèo mắc cái eo” – chỉ sự đói nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Mỏ quạ xào thịt vịt, ngọt gì đâu
Nước chảy ở bãi đá lộ đầu
Đằng sau những con số đẹp của ngành du lịch
Sapa dưới những dấu giày
Miền Đông nấu món ‘hội nhập’
Tags:sò huyết Ô Loan
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này