
10:15 - 26/04/2018
Đi chùa, nhà thờ và vào chợ người Hoa
Đến Chợ Lớn, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên vì có các ngôi chùa không có sư. Thật ra, đây là các đền miếu của người Hoa được ban quản trị của các hội quán quản lý.

Khi gặp vấn đề khó khăn nào đó trong cuộc sống như công việc trì trệ, gia đình lục đục, tiểu nhân quấy phá… người dân thường đến chùa Quan Âm châm dầu cầu phúc.
Các ngôi chùa đa số đều đã xấp xỉ 300 năm và được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Ngôi chùa được coi là đông đúc khách tới viếng nhất là chùa Quan Âm (hội quán Ôn Lăng), còn được gọi dân gian là chùa châm dầu. Chùa Quan Âm nằm trên đường Lão Tử (quận 5), được người Phúc Kiến di cư sang Việt Nam xây dựng vào năm 1740, và mới được trùng tu xong vào đầu năm 2018. Khi gặp phải vấn đề khó khăn nào đó trong cuộc sống như công việc trì trệ, gia đình lục đục, tiểu nhân quấy phá… người dân thường đến đây châm dầu cầu phúc.
Một ngôi chùa khác có kiến trúc được đánh giá là đẹp hơn chùa ở Hong Kong là chùa Quan Đế (Nghĩa An hội quán), còn được gọi là Vay Phú Miếu.Chùa Quan Đế thờ ông Quan Công (hay còn gọi là Quan Thánh Đế, Quan Nhị Ca). Chùa nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), có hơn 200 năm tuổi, do người Triều Châu xây dựng. Vào ngày rằm tháng giêng hàng năm, tại chùa sẽ diễn ra lễ phát lộc vay. Người dân địa phương tin rằng, năm nào vay năm đó làm ăn phát đạt.
Chợ Lớn không chỉ có chùa mà còn có nhà thờ. Nhà thờ Cha Tam trên đường Học Lạc (quận 5) là nhà thờ đầu tiên tại khu vực Chợ Lớn. Nơi đây không chỉ mang những dấu ấn lịch sử, mà còn chứa đựng những câu chuyện nhân văn xưa cũ. Một nơi mát mẻ, bình yên, khoảng lặng nhỏ nhoi giữa Chợ Lớn ồn ào. Ở Chợ Lớn có khá nhiều khu chợ đặc trưng như chợ sỉ Bình Tây, chợ vải Soái Kình Lâm, chợ nguyên phụ liệu may Đại Quang Minh, chợ Thiếc, chợ Kim Biên…
Chợ vải Soái Kình Lâm có độ phủ rộng dọc theo góc đường Trần Hưng Đạo – Đỗ Ngọc Thạnh, quận 5. Đây là chợ vải đầu mối bán sỉ lớn nhất Sài Gòn, từ đây vải được đưa về các tỉnh bán lẻ. Mỗi khu vực, mỗi sạp ở đây đều kinh doanh một mặt hàng vải đặc trưng.
Một ngôi chợ được coi là chợ kinh doanh vàng lớn nhất Sài Gòn là chợ Thiếc, toạ lạc tại góc đường Trần Quý – Phó Cơ Điều (quận 11). Dọc theo hai mặt tiền và cả bên trong chợ là các gian hàng bán trang sức bằng vàng, bạc, đá quý… phong phú về màu sắc và kiểu dáng. Phía tầng trên của chợ có cả trường dạy nghề kim hoàn. Ngoài bán vàng, chợ Thiếc còn là nơi bán các loại nguyên liệu chế biến các món Hoa mà các chợ khác không có. Đặc biệt, các loại bánh bán ngày tết, ở chợ Thiếc đều có mỗi ngày.
bài, ảnh Minh Cúc (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này