
23:41 - 17/10/2018
Bấp bênh pháp lý những ngôi nhà yến sào Thái
Thái Lan nổi tiếng khắp thế giới về yến sào được đánh giá cao. Nhưng các doanh nghiệp tin rằng việc thiếu hỗ trợ pháp lý sẽ ảnh hưởng tới tiềm năng to lớn của đất nước.

“Trứng cá caviar phương Đông”, một trong những thực phẩm đắt nhất, có một giá trị kinh tế đối với các tỉnh duyên hải ở Thái Lan. Ảnh: TL
Khi chúng tôi tiếp cận Koh Si và Koh Ha – đó là cách gọi Koh Rang Nok (Đảo Yến Sào) ở Hồ Songkhla – thuyền của chúng tôi chạy qua hai trạm an ninh nổi, trình giấy tờ để kiểm soát trước khi được phép lên đảo.
Nằm ở huyện Pak Phayun, tỉnh Phatthalung, bảy hòn đảo trải rộng trên 224ha, là nơi trú ngụ của các đàn yến làm tổ bằng nước miếng của chúng – thành phần chính trong chén súp yến sào.
Yến sào được thu hoạch từ Phatthalung nổi tiếng chất lượng tốt nhất ở Thái Lan do kích cỡ lớn của các hòn đảo và vị trí của chúng ở giữa Hồ Songkhla nơi có nhiều thức ăn, làm cho tổ yến trắng và sạch.
Ở Thái Lan, nhà nước cấp nhượng quyền cho các công ty tư nhân ở chín tỉnh thu hoạch tổ yến thương mại.
Koh Si và Koh Ha thuộc các khu vực nhượng quyền nên trước tiên phải được cấp phép trước khi đến thăm các đảo. Chỉ có công nhân của các công ty có liên quan trong thương mại mới được phép ở lại trên các đảo.
Yến sào được thu hoạch ba lần mỗi năm – vào tháng 2, tháng 4 và tháng 7-8. Thông thường các đảo không mở cửa cho du khách trong mùa thu hoạch vì họ có thể gây trở ngại cho việc xây tổ, và cũng vì sự nhạy cảm của khu vực cần kiểm soát môi trường chặt chẽ.
Thuyền của chúng tôi dừng lại ở đảo Tewada (Thiên thần), một phần của Koh Rang Nok.
Hòn đảo tự hào về tượng đài của nhà Vua Chulalongkorn (Rama V), đã từng đến đảo và để lại dấu chân hoàng gia trên một vách đá.
Đằng sau tương đài, trước hang Tewada, là Đền Tewada nơi những người thu gom tổ yến thờ các thần của hang động yến sào trước khi vào bên trong. Họ tin rằng lòng thành kính này sẽ bảo vệ họ trong khi họ thu hoạch tổ yến.
“Công việc rất nguy hiểm. Họ phải leo lên vách đá và thậm chí phải lặn (khi mực nước cao),” Kimhan Suwanruengsri, một hướng dẫn viên cộng đồng địa phương trên đảo, giải thích.
Yến sào có giá trị kinh tế quan trọng đối với đất nước, đặc biệt là đối với các tỉnh duyên hải như Phatthalung.
Tỉnh thu nhập 450 triệu baht trong cuộc đấu giá nhượng quyền năm năm thu hoạch tổ yến trong hang động, theo chính quyền Koh Mak của Pak Phayun. Tuy nhiên số tiền thấp hơn một chút so với 100 triệu baht mỗi năm đạt được trong các cuộc đấu giá trước đó.
Ngoài ra một nguyên nhân quan ngại là sự suy giảm sản lượng yến sào thu được ở Koh Mak. Năm ngoái thu được 3,46 tấn yến sào, giảm 3,6 tấn so với năm trước.
Kinh doanh yến sào
Khối lượng giao dịch yến sào ở Đông Nam Á trung bình khoảng 100 tỷ baht (3.058.550.000USD) sản sinh từ 2.800 tấn sản xuất mỗi năm, Kasem Jandam, một nhà nghiên cứu dự án xuyên quốc gia có tên là “Sắc tộc và tài nguyên yến sào ở Đông Nam Á”, cho biết.
Được Quỹ nghiên cứu Thái Lan tài trợ, nghiên cứu của ông xem xét các mô hình quản lý tài nguyên yến sào ở Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Hong Kong, mỗi nước là một trung tâm của thị trường yến sào thế giới. Nghiên cứu được tiến hành từ 2009-2011 và công bố hồi năm ngoái trong cuốn “Yến sào, kinh doanh và sắc tộc ở Đông Nam Á”.
Trung Quốc là nước tiêu thụ yến sào lớn nhất, chiếm hơn 90% thị trường, Kasem cho biết. Thương lái Trung Quốc là những nhà buôn lớn để bán lại trong và ngoài nước. Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan là những thị trường yến sào quan trọng. Hong Kong là thị trường lớn nhất trên thế giới, với giá trị giao dịch khoảng 255,25 triệu USD mỗi năm. Ở Thái Lan, giá trị giao dịch khoảng 10 tỷ baht mỗi năm từ 400 tấn yến sào thu hoạch từ cả nguồn thiên nhiên và nông trại. Theo nghiên cứu của Kasem, Indonesia là nước sản xuất lớn nhất Đông Nam Á, xuất khẩu khoảng 2.000 tấn mỗi năm, rồi đến Malaysia 600 tấn và Thái Lan thứ 3. Philippines 5 tấn mỗi năm, là nước sản xuất ít nhất.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra các nhóm sắc tộc ở Đông Nam Á “thu hoạch và sử dụng yến sào từ nguồn tự nhiên để làm thức ăn và thảo dược cách đây hơn 500 năm.
Người ta tin rằng ăn yến sào làm tăng tuổi thọ và khả năng tình dục, cải thiện hệ miễn dịch và sức khỏe, chữa trị nhiều bệnh khác nhau.
Việc nuôi tổ yến bằng cách dụ các con chim vào nhà bắt đầu ở làng Sedaya, trên đảo Java bên Indonesia vào năm 1880 và sau đó lan rộng khắp vùng. Các ngôi nhà dụ yến về làm tổ như thế gọi là “nhà tổ yến” mọc lên nhiều giữa bối cảnh kinh tế khủng hoảng năm 1997.
Trước đây ở Đông Nam Á, 75% yến sào thu hoạch từ hang động và 25% từ các nhà yến. Nhưng xu hướng đó đã đảo ngược, với yến sào thu hoạch từ các hang động giảm chỉ còn 1/3 và yến sào từ các nhà yến tăng lên đến 70%, Kasem cho biết. Nhưng ở Thái Lan, số lượng yến sào từ các hang động vẫn còn lớn hơn – 300 tấn – so với nhà yến – 100 tấn. Tuy nhiên, sản lượng từ nhà yến bên Thái Lan đang tăng lên nhờ chủ nhà chăm sóc và bảo quản tốt hơn.
Hơn nữa, yến sào có thể thu được từ nhà yến thường xuyên hơn từ các hang động, nơi chỉ diễn ra một lần một tháng.
Kêu gọi hợp pháp hóa nhà yến sào
Giá yến sào tăng vọt từ năm 1980 dẫn đến việc thu hoạch quá mức và làm giảm đáng kể chất lượng yến sào ở Đông Nam Á. Ngược lại, ngành xây nhà yến lại bùng nổ với hơn 10.000 nhà được xây dựng ở 43 tỉnh bên Thái Lan.
Trong khi nhu cầu về loại thực phẩm quý tăng lên và giá tăng từ dần nguồn cung từ các hang động đã giảm.
Nên, các doanh nhân làm nhà yến – ngành kinh doanh “xám” và “không chính thức”, đang kêu gọi chính phủ hợp pháp hóa hoạt động chăn nuôi này. Họ cho rằng ngành kinh doanh của họ sẽ đem lợi cho nền kinh tế đất nước.
Cuộc tranh cãi về những nhà yến nhân tạo, hiện đang bất hợp pháp, kéo dài hơn một thập kỷ. Mặc dầu Thái Lan có một luật đánh thuế yến sào, nhưng không nói gì đến yến sào thu hoạch từ các nhà yến.
Doanh nhân Thái không thể xuất khẩu yến sào nhà sang Trung Quốc vì doanh nghiệp của họ cần đăng ký và yến sào cần cấp giấy chứng nhận. Những nhà xuất khẩu yến sào Đông Nam Á phải đối diện với các quy định và điều kiện khắc nghiệt hơn từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu yến sào thô vào tháng 7.2011, sau khi phát hiện một số tổ bị làm giả.
Ở các khu đô thị, nhà yến sào được coi là có vấn đề đối với hàng xóm vì phân yến và tiếng rít lớn. Khi người dân nộp đơn khiếu nại với cơ quan chức năng, hầu hết doanh nhân chập nhận trả tiền phát theo Luật kiểm soát xây dưng và Luật y tế công cộng.
Mặc dầu bất hợp pháp, ngành kinh doanh tiếp tục giàu lên ở các tỉnh duyên hải miền Nam, như ở huyện Pak Phanang của tỉnh Nakhon Si Thammarat, nơi các khối nhà yến thống trị đường chân trời.
Hầu hết những người thu yến sào đã tìm cách buôn lậu yến sào vào Trung Quốc, một đại diện công ty yến sào nói với tờ The Nation.
“Chúng tôi vận chuyển chúng với số lượng nhỏ chừng nửa ký mỗi lần thông qua các công ty logistic – họ vẫn biết làm vậy là phạm pháp. Tôi biết điều đó nguy hiểm, nhưng chúng tôi không có cách nào khác [để xuất sang bên Trung Quốc],” bà nói.
Họ cũng tránh quy định của Trung Quốc bằng cách xuất khẩu sang Việt Nam và Hong Kong, từ đó hàng được chuyển sang Trung Quốc, một nguồn thạo tin cho biết. Thông tin được xác nhận bởi Kasem, ông cho biết chỉ 10% tổ yến được nhập khẩu hợp pháp vào Trung Quốc, trong khi số còn lại nhập lậu.
“Chúng tôi đang sống trong thời đại buôn bán yến sào tăm tối ở Thái Lan. Lượng buôn bán của chúng tôi sụt xuống thứ ba sau khi bị Malaysia qua mặt,” Kamolsak Lertpaiboon, chủ công ty yến sào Kuuanmui sở hữu một nhà yến bảy tầng ở Pak Phanang.
Chỉ riêng ở Pak Phanang đã có hơn 500 nhà yến có thể tạo ra thu nhập 50 triệu baht mỗi năm. Nhưng chỉ có 20% trong số đó thành công, theo Kamolsak.
Ông kêu gọi chính phủ xem xét các luật cản trở phát triển ngành kinh doanh và thúc đẩy phát triển các tòa nhà nông trại yến.
Ông cũng kêu gọi đưa chim yến ra khỏi danh sách động vật bảo tồn trong Luật bảo tồn và bảo vệ động vật. Nên coi chúng như một loại gia cầm, ông nói.
“Các con chim không dùng tổ chúng để làm nơi nghỉ ngơi mà là để đẻ trứng. Và tổ có thể được xây lại [sau khi thu hoạch],” Kamolsak lập luận trong bối cảnh các mối quan ngại từ các đối thủ về nhà yến.
Anan Chongsakjarenkul, chủ tịch Hiệp hội các doanh nhân yến sào ở Thái Lan, cho rằng nếu các nhà yến được hợp pháp hóa, ông chắc chắn sản lượng có thể tăng ít nhất 15 tấn mỗi tháng và đủ để xuất khẩu.
Giá cũng có thể tăng lên ít nhất 50%, Anan nói. Ông là người sáng lập công ty Thai Birdnest cách đây 25 năm.
Hiện nay giá xuất khẩu tổ yến nhà khoảng 80.000 baht mỗi ký lô. Xuất sang Trung Quốc, giá bán tăng lên 160.000 baht/kg.
Nếu luật xác nhận các tòa nhà yến sào, giá ở Thái Lan có thể lên đến 100.000 baht. Giá yến sào từ hang động cao hơn, 120.000baht/kg, và xuất sang Trung Quốc có thể đạt tới 1 triệu baht. Nhưng số yến sào hang động đã suy giảm, Anan cho biết.
“Nếu được hợp pháp hóa, chúng tôi không phải kinh doanh chui,” ông nói.
Gia đình của Pichamon Akarayosapong điều hành công ty Paus One kinh doanh nhà yến đã mười năm. Bà cho rằng nhà ông nhìn thấy cơ hội làm ăn nên đã quyết định thuê một nhà tư vấn bên Malaysia.
Doanh nghiệp đã thu hoạch tốt. Đầu tư ban đầu từ 2 đến 3 triệu baht và thu hồi vốn đầu tư khá nhanh vì chủ yếu gia đình khởi đầu sớm hơn những chỗ khác.
Đó là vì con số chim yến ở trong vùng vẫn còn nhiều và doanh nghiệp của bà đã bị thúc đẩy bởi nhu cầu cao từ các du khách Trung Quốc đến nhà bà mua yến sào.
Công ty của bà thu từ 15 đến 20kg mỗi tháng và xuất từ 5 đến 10kg sang Trung Quốc.
“Làm ăn kiểu này giống như đặt một chân trong tù. Không ai muốn làm chui vì bạn có nguy cơ vào tù hoặc bị phạt,” bà nói.
Pichamon kêu gọi chính quyền đưa ra các chính sách và luật liên quan rõ ràng. Nếu không người dân Thái mất đi cơ hội làm ăn.
“Chúng tôi [các doanh nhân] sẵn sàng nộp thuế khi được hợp pháp hóa,” bà nói. Kasem ủng hộ lời kêu gọi của các thương nhân.
“Điều khiến tôi cảm thấy buồn là khi các thương nhân hỏi tôi tại sao chính phủ đối xử với họ như thể họ buôn lậu thuốc phiện, mặc dầu các doanh nghiệp của họ đem lợi cho đất nước,” ông nói.
Trần Bích (theo MTG/TGTT/The Nation)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này