
16:55 - 31/12/2015
10 nguyên tắc dọn bếp ăn Tết
Hãy cùng chuyên gia Bùi Thị Sương, giám khảo chuyên môn chính của Chiếc thìa vàng chuẩn bị dọn dẹp cho gian bếp của mỗi gia đình để đón tết với thật nhiều năng lượng tích cực.
2. Nhưng nếu bây giờ cần chuẩn bị lại gian bếp, chúng ta có thể tham khảo các yếu tố sau: bếp của mình có được thiết kế “đúng chiều” hay không. Nguyên tắc quan trọng và hiệu quả nhất của một gian bếp gia đình là phải tính toán được “dòng chảy” công việc.
Từ khi đi chợ về, sơ chế, tẩm ướp, cắt rửa, nấu nướng và dọn món ăn ra bàn là một chuỗi quy trình đi liền mạch với nhau, qua từng khu vực một trong gian bếp. Và không quay đảo lại trong bất kỳ công đoạn nào.
Không khí có thông thoáng hay không. Có ba yếu tố “ghê rợn” thường xảy ra mà ít người quan tâm: bếp quá kín nên không khí bị dồn ứ; bếp quá thiếu ánh sáng nên cảm giác nấu ăn bị tối tăm và gian bếp gây ra tình trạng “ô nhiễm mùi” cho cả căn nhà.
3. Kinh nghiệm được thống nhất cao giữa những người nấu bếp, là cần có một gian bếp tạo cảm hứng và cảm giác thoải mái, vui vẻ khi nấu. Khi đó, người ta sẽ nấu những món ăn ngon hơn, nhiều niềm vui hơn, và những thành viên trong gia đình khi ăn sẽ một cách nào đó hấp thụ luồng năng lượng tích cực có trong món ăn.
Ngược lại, gian bếp chật hẹp, nóng bức, sẽ làm tâm lý và tinh thần người nấu trở nên mệt mỏi, tất nhiên kết quả không thể nào mỹ mãn được. Do đó, sau này, nhiều gia đình có điều kiện đều chọn bếp mở cho thoáng, có không gian để trò chuyện cùng nhau khi nấu bếp.
4. Nhiều người chọn mua loại máy hút mùi, tuy nhiên tác dụng chỉ là tương đối. Muốn khử mùi gian bếp, cần sự nỗ lực và ý thức mỗi khi nấu của người nội trợ. Chẳng hạn, việc đậy hay mở nắp nồi khi nấu sẽ quyết định lượng mùi toả ra trong gian bếp.
Một ví dụ là trước đây, nấu món bún bò Huế, người ta sẽ cho mắm ruốc vào nồi, thỉnh thoảng khuấy lên. Ai ở nhà cao tầng sẽ thấy đây là một thảm hoạ, vì mùi sẽ len lỏi đi “ám” toàn bộ căn nhà. Nên có một cải tiến nho nhỏ: cho mắm ruốc vào giấy bạc hoặc giấy nhôm, nướng sơ qua để mắm khô lại.
Như vậy khi nêm thì chỉ còn vị ngon thơm mà không um sùm mùi mắm ruốc cả nhà. Những phương pháp như vậy càng ngày càng có nhiều, chỉ cần chú ý là sẽ học được.
5. Người nấu bếp cũng cần ý thức bảo vệ… mùi vị cơ thể khi nấu. Mới gội đầu xong thì phải quấn tóc bằng khăn, mang tạp dề… Những phụ kiện nấu bếp này chính là để tạo ra hình ảnh một người nội trợ tuy bận rộn nhưng vẫn thơm tho, tươm tất trong gia đình.
6. Có một kinh nghiệm quan trọng khác, là vấn đề rác. Chỉ cần chăm chút một xíu, là gian bếp sẽ khác hẳn. Đầu tôm ruột cá không được bỏ thẳng vào thùng rác mà nên cho vào cái túi cột chặt miệng.
Thùng rác cần có túi bên trong, được đem đổ mỗi ngày và thỉnh thoảng phải chùi rửa cho sạch sẽ, khô ráo. Ngoài ra, còn một loại rác ít người quan tâm nhưng rất nguy hiểm: các loại dầu chiên thì không được đổ xuống ống cống, vì lâu ngày sẽ gây tắc nghẽn và trào ngược, rất phiền toái.
7. Những ngày gần cuối năm, nên chịu khó chăm sóc gian bếp sớm một xíu, vì đừng chờ tới lúc cận tết thì… không kịp. Về cơ bản, gian bếp cũng ít nhiều liên quan đến phong thuỷ, nên cũng không cần xê dịch gì nhiều.
Ông bà nói, có kiêng có lành, nên thường bếp nấu và bồn rửa, tức là thuỷ và hoả thì không được liền kề nhau. Sau đó ta xem lại có cần phải sơn phết, thay mới vật dụng gì đã quá cũ hoặc “sứt càng gãy gọng” không.
8. Ngày tết, thì nên cho gian bếp thêm một vài màu sắc tươi vui, mới mẻ. Một bình hoa mới trong bếp, hoặc vài món trang trí treo đâu đó không chỉ làm gian bếp mới hơn, mà còn làm cho tinh thần người nấu ăn vui hơn.
9. Chuyện cần làm nhất, là phải tổng vệ sinh cái tủ lạnh. Và sau đó chuẩn bị “cấu trúc” chứa thức ăn cho những ngày tết. Rau thì để ngăn dưới cùng, trái cây gần đó. Món cần lạnh thì để trên cùng, các loại nước thì để bên hông… Những điều này, nghe thì cơ bản, nhưng vẫn cứ nhiều người quên để ý, nhất là mấy ngày tết, đồ ăn luôn nhiều hẳn lên.
10. Điều cuối cùng, là nhiều người hay hỏi có nên cúng ông Táo không. Chuyện này thật ra không phải mê tín dị đoan, vì chẳng có hại gì cho ai, mà là một truyền thống rất thú vị.
Cảm giác có một vị thần cai quản gian bếp. Ông Táo sẽ làm cho gian bếp ấm áp hơn, nhìn ngắm, đánh giá những việc mà người nội trợ làm mỗi ngày, sẽ cho mình thêm động lực và niềm vui để nấu ăn, để ươm những yêu thương
vào trong từng món ăn cho cả gia đình…
K.Chinh
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này