
11:49 - 30/08/2022
157 năm từ tàu bệnh viện USS Red Rover đến tàu USNS Mercy
Ngày 3/7/2022, tàu Bệnh viện USNS Mercy (T-AH-19) thuộc Bộ tư lệnh Hải vận Quân sự Mỹ rời Vũng Rô, tỉnh Phú Yên thực hiện chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2022 (PP 2022).
Con tàu này có nhiều chuyện đáng kể, vì trên hành lang tàu đặt 1 tấm ảnh giới thiệu chiếc USS đầu tiên hạ thủy cách đây 157 năm.
Những con số ngẫu nhiên
Ngày 19/6/2022, báo chí và truyền thông ở Việt Nam đưa đậm tin về sự trở lại của chiếc tàu bệnh viện ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và Việt Nam là điểm đến đầu tiên (năm thứ 17 của chương trình Đối tác Thái Bình Dương). Chiếc tàu sơn màu trắng, dài 272 mét, chở theo 700 thủy thủ và y bác sĩ. Những bài viết trên trang facebook của USNS Mercy về chuyến sang châu Á nhận được lượt like và comment nhiều nhất lại là tin dừng tại đảo Guam, quần đảo Mariana để tiếp nhiên liệu, nhưng đội ngũ y tế trên tàu đã kịp thời chữa bệnh cho một chú chó cưng bị ốm.
Chi tiết này nếu không được mổ xẻ sâu thì có thể sẽ bị bạn đọc suy diễn giữa người và chó. Đó là ở Mỹ, nuôi chó là một thú vui và Hiệp hội súc vật nuôi (APPA) ở Mỹ thông kê có tới 46% số hộ nuôi chó, với gần 80 triệu con.
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2022, Việt Nam là điểm dừng đầu tiên và tàu USNS Mercy. Trong đại dịch Covid 19, Mỹ là quốc gia đã viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam, với gần 40 triệu liều vắc xin. Vì vậy khi chiếc tàu màu trắng, trên thân tàu có in hình thập tự xuất hiện trên báo chí, một số người dân Phú Yên đã nhắc lại sự kiện này và cho rằng, những liều thuốc đó đã cứu biết bao nhiêu người dân, nhất là người Sài Gòn giữa chồng chất đau thương.
Tàu bệnh viện USNS Mercy thả neo tại Vũng Rô, tỉnh Phú Yên – một địa danh mà nhắc đến là nhiều người ngay lập tức liên tưởng đến tàu không số. Vũng Rô là nơi 3 chiếc tàu không số từ miền Bắc đã bí mật chở vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam trong 2 năm 1964 và 1965 (cách đây 56 và 57 năm). Con tàu USNS đến Vũng Rô cũng tròn 47 năm ngày Việt Nam hoàn toàn được giải phóng. Trên hành lang tàu giới thiệu con tàu USNS đầu tiên được khai sinh cách đây 157 năm.
Viết đề tài về quan hệ Việt – Mỹ, tôi thường lấy những con số ra để đối chiếu, so sánh. Vì đây là “mối tình” trải qua nhiều thăng trầm, từ kẻ thù, chuyển sang cựu thù và giờ đây 2 quốc gia đã có mối “quan hệ đối tác toàn diện”; trên diễn đàn ngoại giao, cụm từ “đối tác chiến lược” bắt đầu được nhắc tới.
Ngày 24/3/2015, đoàn Thiên Thần Thái Bình Dương của không lực Hoa Kỳ lần đầu tiên đặt chân tới tỉnh Quảng Ngãi để tổ chức các hoạt động từ thiện đúng vào dịp tròn 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Ngãi.

Bộ đội biên phòng tiếp đón những thủy thủ và y bác sĩ rời tàu vào thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên để thăm quan và tham gia hoạt động xã hội. Ảnh: Văn Chương.
Tàu nhân từ
Khi giới thiệu với khách xuống thăm quan tàu bệnh viện USNS Mercy, cô S. Greer giới thiệu vài chi tiết thú vị về một chiếc tàu được cải hoán và cho biết, USNS Mercy không phải được đóng mới từ một quốc gia có nền tài chính dồi dào, mà được nâng cấp từ chiếc tàu chở dầu lớp San Clemente 1976. Năm 1986 con tàu USNS Mercy ra đời. Tên Mercy, dịch nghĩa là lòng thương người, sự nhân từ.
Chúng tôi lên tham quan con tàu nhân từ vào thời điểm các hoạt động điều trị nội trú cho bệnh nhân trên tàu đã kết thúc. Nơi mà tôi dừng lại khá lâu, chụp vài tấm ảnh, đó là tấm ảnh tàu bệnh viện US Red Rover được hạ thủy và bắt đầu hoạt động từ năm 1865, tức cách đây 157 năm. Cách hơn 1,5 thế kỷ, nhưng hình dáng con tàu bệnh viện được đóng vào thời đó lại đẹp và lãng mạn hơn con tàu hiện tại. Điểm khác biệt và tôi cho là lãng mạn là ống khói cao ngút, xả khói đen sì giống như tàu Titanic.
Từ tàu khách bước qua một chiếc pông tông có phao giảm va đập thì đến một cánh cửa khoét bên hông trái gần mép nước để vào trong con tàu. Ô cửa khá nhỏ so với thân tàu đồ sộ và được đóng – mở bằng các ống thủy lực. Từ đây vào khoang trong sẽ đi theo một máng trượt dài. Sở dĩ con tàu được thiết kế lối vào một cách lạ lùng như vậy để xe đẩy đưa các bệnh nhân nặng vào phòng cấp cứu. Cô Nguyễn Thị Thủy, làm nghề thợ may ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, một trong số 20 người dân nằm trong danh sách đưa người nhà lên tàu USNS Mercy để tiểu phẫu, sau đó lưu trú trên tàu đã thốt – “trời ơi, bác sĩ ai cũng tội nghiệp!”.
Sứ mệnh nhân từ của con tàu này được giới thiệu gần đây nhất là tháng 3 năm 2020, giữa lúc nước Mỹ chìm trong chết chóc của đại dịch Covid – 19, USNS Mercy đã được điều từ San Chicago tới Los Angeles để hỗ trợ cho lực lượng y tế. Sau một thời gian chiến đấu với đại dịch, có 48 nhân viên y tế trên tàu đã bị nhiễm bệnh covid.
Trước đó, vào tháng 1 năm 2005, tàu USNS Mercy rời San Diego di chuyển về khu vực Ấn Độ Dương sau thảm họa sóng thần, hỗ trợ cho 107.000 nạn nhân các quốc gia bị thiệt hại. Đây cũng chính là dấu mốc bắt đầu ra đời chương trình Đối tác Thái Bình Dương.
1.000 người đi bờ
157 năm trước, tàu USS Red Rover ra đời trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ và được xem là tàu bệnh viện đầu tiên, phục vụ Hải đội Mississippi, thường chạy dọc theo bờ sông. Lực lượng y tá trên tàu đến từ Dòng Công giáo Sisters of the Holy Cross. Bên cạnh nhiệm vụ vận chuyển, cứu chữa thương binh, con tàu này còn được trưng dụng vào cuộc chiến chống dịch sốt thương hàn, phát ban, kiết lỵ, tiêu chảy, dịch tả, sởi…
157 năm sau, tàu USNS Mercy thả neo ở cảng Vũng Rô, tỉnh Phú Yên, Việt Nam và chở theo 1033 thủy thủ và y bác sĩ đến từ nhiều quốc gia: Úc, Nhật Bản, Anh, Mỹ. Ngay trong ngày đầu tiên, có tới 1.000 thủy thủ và nhân viên y tế trên tàu làm thủ tục xin giấy đi bờ, xin lưu trú tại các khách sạn Rosa Alba, Sala Grand, Jen Hotel, Apec Madala. Con số đi bờ ở một góc độ nào đó cũng nói lên sự hào hứng, mối thiện cảm, thích thú của người đến. Trước đó, vào tháng 3 năm 2018, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson lần đầu tiên tới thăm thành phố Đà Nẵng, có ngày số thủy thủ đi bờ cao nhất là 3.969 (trong tổng số 6.026). Họ trở thành du khách lang thang khắp thành phố Đà Nẵng và phố cổ Hội An.
Những người bán hàng lưu niệm ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên chia sẻ, các nam thủy thủ và y bác sĩ trên tàu USNS Mercy thường mua các bức tượng phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, đội nón lá. Còn những phụ nữ trên tàu thì thích mua những chiếc khăn, nón bài thơ.
Có rất nhiều đoàn lên thăm quan tàu USNS Mercy, gồm công chức của nhiều cơ quan ở tỉnh Phú Yên, cựu chiến binh, công an, các y bác sĩ…Căn phòng cuối cùng trước khi rời tàu USNS Mercy là căn tin. Nhiều người mỉm cười vì 2 chàng lính trẻ cần mẫn bán bật lửa Zippo, trong khi công việc này thường dành cho phụ nữ và trên tàu có hàng trăm phụ nữ xinh đẹp.
Chương trình Đối tác Thái Bình Dương tổ chức tại tỉnh Phú Yên, các quân nhân và y bác sĩ trên tàu USNS Mercy đã tham gia các hoạt động đá bóng với đội tuyển Sông Cầu, nhặt rác bãi biển, xây dựng nhà, giao lưu văn hóa; chương trình hoạt động nhiều nhất là trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về y tế. Chuẩn đô đốc Mark Melson trả lời báo chí: “chương trình Đối tác Thái Bình Dương tại tỉnh Phú Yên, Việt Nam đã rất thành công, từ đó góp phần nâng cao khả năng phối hợp trong trường hợp ở Việt Nam có xảy ra thiên tai, hỗ trợ nhân đạo”.
Lê Văn Chương (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này