08:32 - 23/12/2022
Việt Nam xuất siêu 90 tỷ USD sang Mỹ: cẩn trọng với rủi ro ‘mượn xuất xứ’
Hàng hóa của Việt Nam xuất sang Mỹ đang tăng kỷ lục với kim ngạch chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu đi các nước. Nhưng đó cũng là lý do số vụ điều tra xuất xứ và các dấu hiệu lẩn tránh thuế của nước thứ ba “mượn xuất xứ” của Việt Nam gia tăng liên tục thời gian gần đây.
Tại cuộc tọa đàm về hạn chế nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi Việt Nam tăng tốc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/12 ở Hà Nội, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại thuộc Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho biết, trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ, nổi bật trong thời gian qua là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên nhanh chóng.
Ông Hưng dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu 11 tháng của Việt Nam sang Mỹ đã đạt 101,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới.
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt mốc xuất khẩu sang một thị trường trên 100 tỷ USD như vậy, tăng xấp xỉ 18% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu lại giảm, chỉ đạt 13,5 tỷ USD, giảm 4,7%. Do vậy, cán cân thương mại hiện nay là Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ gần 90 tỷ USD”, ông Hưng cho biết trong nhóm các nước có quan hệ thương mại với Mỹ thì Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico. Trong đó có những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD hoặc đạt xấp xỉ 20 tỷ USD.
Tuy nhiên theo ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cùng với những kỳ tích về xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lại đang đối mặt với nguy cơ bị điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại do cơ quan chức năng của Mỹ khởi xướng ngày càng gia tăng nhanh.
“Mỹ đang là một trong những nước tiến hành điều tra và áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, ông Trung nói. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số vụ Mỹ khởi xướng đối với hàng hóa Việt Nam là 51 vụ (chiếm 1/4 tổng số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam).
Trong tổng số 51 vụ có tới 22 vụ việc là điều tra dấu hiệu lẩn tránh thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp của chính phủ các nước mà Mỹ đang áp dụng mức thuế nhập khẩu rất cao với những nước đó.
“Chúng ta gọi là chống lẩn tránh, nhưng thực tế thì đó là một hoạt động điều tra của Bộ Thương mại Mỹ tiến hành bằng các thủ tục điều tra theo quy định của pháp luật Mỹ cho phép mở rộng biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đã áp dụng với một nước thứ ba sang áp dụng với Việt Nam nếu đáp ứng những điều kiện cần thiết”, ông Trung giải thích.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại thuộc Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng cảnh báo, sau khi áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá với một quốc gia mà nhận thấy tốc độ tăng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đối với mặt hàng tương tự (nhất là những nước có giáp đường biên giới với nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại) thì sản phẩm tương tự đó cũng bị điều tra, theo dõi.
Khẳng định thép là một trong mặt hàng đang bị “soi” nhiều nhất hiện nay, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, từ năm 2004 đến nay, thép Việt Nam đã bị các nước điều tra 68 vụ. Trong đó có 38 vụ điều tra chống bán phá giá, 8 vụ điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, còn lại là các điều tra về chống trợ cấp, chống các biện pháp tự vệ.
Đối với thị trường Mỹ, gần đây có 4 vụ việc. Thứ nhất là năm 2018, Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với mặt hàng thép ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ mặt hàng này lẩn tránh thuế từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Vụ thứ hai là năm 2020, Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế và chống trợ cấp đối với thép tấm không gỉ dạng dải và dạng đai nhập khẩu từ Việt Nam. Vụ thứ ba là năm 2021, Mỹ đã nhận đơn của ngành hàng sản xuất trong nước để điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép chống ăn mòn, nhưng sau đó Mỹ có phán quyết là không khởi xướng. Vụ thứ tư là mới đây nhất vào tháng 8/2022, Mỹ lại khởi xướng điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm thép ống nhập khẩu từ Việt Nam.
Đề cập nguyên nhân của các đợt điều tra, ông Đinh Quốc Thái cho biết, chủ yếu vẫn là do gia tăng sản lượng thép của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ. “Như vụ việc khởi xướng vào tháng 8-2022 thì do kim ngạch xuất khẩu thép ống của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2020 chỉ khoảng 40 triệu USD, nhưng năm 2021 tăng thêm hơn 40%, lên khoảng 57 triệu USD”, ông Thái nói.
Theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, xu hướng chung của các nước là muốn bảo hộ và có chủ trương phát triển ngành sản xuất thép nội địa của họ. Trong khi ngành sản xuất thép của Việt Nam có lợi thế là chi phí nguyên vật liệu đầu vào khi sản xuất tại Việt Nam cũng như chi phí nhân công của chúng ta đang còn thấp, nên giá của chúng ta luôn rẻ hơn so với giá sản xuất ở các thị trường có nền kinh tế phát triển giống như Mỹ. Và đây chính là nguyên nhân thép Việt Nam liên tục đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại.
Theo Văn Phúc/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này