
08:05 - 08/02/2016
Vi mạch Việt Nam… rụt rè hội nhập
Đó là nhận xét của ông Ngô Đức Hoàng, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và thiết kế vi mạch – ICDREC (đại học Quốc gia TPHCM). Nghe thì mừng, nhưng nhìn lại vi mạch Việt Nam còn quá ngổn ngang.
Singapore, từ thời cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, đã có những bước đi bài bản để phát triển công nghiệp vi mạch.
Đơn độc!
Việt Nam không thiếu những tập đoàn tên tuổi trên thế giới về lĩnh vực thiết kế vi mạch đang hoạt động, như: Intel, Renesas, Microchip, Applied Micro, Arrive Technology, Silicon, Marvell , Sigma Designs, Uniquify…
Nhưng với đặc thù của ngành thiết kế vi mạch, sau khi sản phẩm được thiết kế tại Việt Nam, sẽ được chuyển về công ty mẹ để sản xuất. Điều đó có nghĩa, thành tựu về trí tuệ sẽ không được ghi cho quốc gia mà họ đến chỉ để thuê đất…
Nhìn thấy những cơ hội đóng góp của lĩnh vực công nghệ cao vào kinh tế quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực vi mạch như Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 tại các quyết định 2457/QĐ-TTg và quyết định 2441/QĐ-TTg.
Gọi là những chính sách chung cho quốc gia nhưng đến nay, chỉ có TP.HCM thực hiện bằng một “chương trình con”, đó là Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 – 2020 với mười đề án cụ thể.
Hà Nội, dù là địa phương có nhiều viện trường với hàng chục ngàn kỹ sư, tiến sĩ nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào cho ngành vi mạch. Đà Nẵng, sau khi xúc tiến thành lập trung tâm vi mạch Đà Nẵng đến nay cũng “im hơi lặng tiếng”, sau khi mở khoá đào tạo đầu tiên với 24 học viên cách đây hơn hai năm.
Một con én…Dù còn ngổn ngang trăm mối nhưng hai năm qua, không thể phủ nhận những đóng góp của TP.HCM cho ngành vi mạch Việt Nam. Không phải là cơ quan chủ quản của ICDREC, nhưng TPHCM ưu ái cấp tiền cho trung tâm này nghiên cứu và thiết kế vi mạch thông qua những đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở, cấp thành phố.
Ông Hoàng xác nhận, hơn 50 IP của ICDREC (với giá trị khoảng 40 triệu USD) có phần góp rất lớn của ngân sách TPHCM. “Nếu không có lượng IP này lấy gì cho chúng tôi thiết kế chip”, ông Hoàng nói thêm.
Khi còn đương chức phó chủ tịch UBND TPHCM, ông Lê Mạnh Hà đã chia sẻ, sẽ có một cuộc vận động nho nhỏ với các doanh nghiệp chế tạo thiết bị điện tử tại địa bàn TPHCM sử dụng chip Việt trong sản phẩm. Tiếc rằng, ông chưa kịp vận động thì đã về Hà Nội…
Với tư cách là giám đốc sở Thông tin và truyền thông TPHCM, ông Lê Thái Hỷ cũng ủng hộ chương trình vi mạch TPHCM, cũng như hỗ trợ tích cực cho các hoạt động về vi mạch địa phương, quốc gia. Nghe nhiều người kể lại, ông Hỷ cũng năng đi nước ngoài để học tập nhưng “không đi theo kiểu đi du lịch núp bóng học tập kinh nghiệm vào lúc hoàng hôn nhiệm kỳ”.
Ông chịu khó xem thiên hạ ở Bỉ, Nhật… làm gì với vi mạch để về áp dụng cho chương trình vi mạch TPHCM mà ông là người chịu trách nhiệm chỉ đạo. Ông Hỷ đã từng chia sẻ: “Trước mắt, vi mạch Việt Nam ưu tiên khai thác thị trường nội địa vì có nhiều lĩnh vực, sản phẩm cần được số hoá. Những con chip Việt Nam hiện nay đủ năng lực đáp ứng”.
Mơ về một mùa xuân
Nói đến vai trò tiên phong của TPHCM với vi mạch Việt Nam, đồng nghĩa với việc ghi nhận những đóng góp trong gần mười năm qua của ICDREC. Về danh nghĩa, ICDREC chỉ là trung tâm nghiên cứu của đại học Quốc gia TPHCM, nhưng là cơ sở duy nhất của Việt Nam chuyên nghiên cứu và thiết kế vi mạch.
Họ đã có những sản phẩm chip, những thiết bị đầu cuối sử dụng chip do chính ICDREC sản xuất như thiết bị giám sát hành trình, khoá điện tử, điện kế điện tử, giám sát bằng thẻ RFID…
ICDREC còn giữ vai trò kết nối nhiều tổ chức, công ty thiết kế vi mạch đến từ Nhật Bản, Mỹ, Bỉ… như hiệp hội Công nghiệp bán dẫn và điện tử vùng Kyushu, Radrix, trung tâm Nghiên cứu vi mạch VDEC (đại học Tokyo), công ty Soitec… không phải đến Việt Nam để thuê đất mà còn tìm kiếm các đối tác liên kết nghiên cứu, sản xuất.
Trò chuyện với Thế Giới Tiếp Thị trong những ngày cuối năm, ông Hoàng nói rằng, đến năm 2020, ICDREC đặt mục tiêu: chip và các sản phẩm đầu cuối có doanh số khoảng 3.000 tỷ đồng. Nếu tính riêng phần chip, doanh số khoảng 800 tỉ đồng/năm.
Theo ông Hoàng, nghe số tiền như vậy tưởng là lớn nhưng trên thực tế còn quá nhỏ so với nhu cầu thị trường nội địa. “Trong con số 3.000 tỷ đồng, chúng tôi khai thác nhóm sản phẩm điện kế điện tử cho ngành điện lực khoảng 1.000 tỷ đồng, lĩnh vực giao thông vận tải khoảng 1.000 tỷ đồng, phần còn lại thuộc về những lĩnh vực khác như quản lý nhân sự bằng thẻ HF/UHF RFID… và bán chip”, ông Hoàng phân tích.Ước mơ của ICDREC hôm nay là có một nhà máy sản xuất thiết bị đầu cuối vì có nhiều đối tác đòi tận mắt nhìn thấy nhà máy mới đặt bút ký hợp đồng. Nghe đâu, lãnh đạo TP.HCM đã chấp thuận đề xuất này nhưng bao giờ có thì… nhiều hồi sau sẽ rõ!
Trong khi chờ những tờ quyết định từ phía chính quyền về việc xây dựng nhà máy, ông Hoàng nói rằng, ICDREC sẽ đầu tư nhân sự tiếp cận những công nghệ thiết kế vi mạch mới như SOTB, HF theo tiêu chuẩn Mỹ để sản xuất theo nhu cầu trong nước và gia công cho các tập đoàn nước ngoài.
“Lần đầu tiên, vào giữa tháng 12/2015, tại triển lãm ngành công nghiệp vi mạch và phụ trợ – Semicon Japan tại Tokyo (Nhật Bản), chúng tôi tự tin nói về mình với các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Sony, CM Engineering, SocioNext, Jinzai Solution Inc… Qua những gì cam kết, tin trong năm tới sẽ có những hợp đồng hợp tác. Nghĩ lại, thấy mình cũng liều nhưng không sao, đi cho biết”, ông Hoàng cười.
Trong buổi làm việc gần đây với lãnh đạo TPHCM, bà Lê Bích Yến, chuyên gia về thiết kế vi mạch của Soitec (Mỹ) đã nhận xét: “Giới trẻ Việt Nam sáng dạ. Họ đã làm tôi bất ngờ. Nếu tạo điều kiện cho họ, chắc chắn sẽ có những bước tiến trong nghiên cứu vi mạch”. Bà Bích Yến còn ngỏ lời mời ICDREC tham gia cùng với Soitec và Renesas đẩy mạnh thiết kế vi mạch theo chuẩn công nghệ mới SOTB trên toàn cầu!
Trong khi chờ mùa xuân về với nhiều mong ước, ông Hoàng và nhân viên ICDREC tất tả đi tìm khách hàng để bán từng con chip nhỏ xíu. Vinh quang cũng lắm. Đắng cay cũng nhiều…
Gia Vinh
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này