
07:58 - 25/03/2025
TS Võ Trí Thành: Doanh nghiệp cần một tâm thế vững trước biến động khó lường
Nhận định các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức từ sự bất định của kinh tế thế giới lẫn những khó khăn nội tại của nền kinh tế, nhưng Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng nếu giữ được tâm thế tốt, quản trị tốt rủi ro, biến động doanh nghiệp vẫn có thể tìm thấy các cơ hội, đặc biệt là từ các dự án đầu tư công lớn đã và đang được triển khai mạnh mẽ.
Bốn từ khóa cho kế hoạch kinh doanh
Bối cảnh thế giới năm nay, bên cạnh cơ hội thì rất nhiều điểm không thuận cho kinh tế Việt Nam. Đây là một thách thức, vì nền kinh tế của chúng ta rất mở. Đầu tiên là tăng trưởng. Thế giới có vẻ đã sống quen với chiến tranh, sống quen với bất ổn địa chính trị, mức tăng trưởng vẫn đạt 3,2-3,3%. Đây là con số không tồi, nhưng điểm không tốt từ nay cho đến 3-4 năm tới, thế giới rất khó đạt được mức tăng trường ở mức tiềm năng là 3,5%. Điểm không tốt nữa là tăng trưởng kinh tế Mỹ và Trung Quốc, dù khả quan hơn, nhưng sẽ vẫn thấp hơn năm 2024. Đây lại là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Một điều không tốt nữa là cách đây 6-7 tháng chúng ta kỳ vọng Mỹ sẽ giảm lãi suất, vì lạm phát giảm rất nhanh, nhưng bây giờ lạm phát đã giảm chậm, như vậy khả năng Fed (Cục dự trữ liên bang Mỹ) giảm lãi suất là rất thấp. Nhiều dự báo cho rằng năm nay Fed chỉ giảm lãi suất một lần, và mức lãi suất điều hành vẫn trên 4%. Đây là mức rất cao, vì mức lãi suất bình thường của Mỹ là trên dưới 3%. Như vậy áp lực lên tỷ giá, áp lực lên chính sách tiền tệ của các nước đang phát triển là rất lớn. Khi đó, việc vận dụng công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn.
Một tin không tốt nữa là tài khóa. Thế giới chưa bao giờ nợ nần như bây giờ. Chỉ vài năm nữa thôi tổng số nợ của thế giới gồm nợ quốc gia, nợ tư nhân, nợ hộ gia đình sẽ bằng GDP của thế giới, tức 100%, hiện giờ là khoảng 94%. Như vậy, chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng rất ngặt nghèo. Tuy nhiên, cần nói thêm rằng Việt Nam là một trong những nước có dư địa tài khóa tốt, thâm hụt vừa phải và nợ công chỉ khoảng 38-39% GDP, tức thấp hơn rất nhiều mức trần cho phép của Quốc hội là 60%. Tức là Chính phủ có khả năng huy động vốn đầu tư hạ tầng rất nhiều.
Một khó khăn nữa đó là Donald Trump 2.0. Để nói về Donald Trump chúng ta có thể dùng một vài từ khóa. Thứ nhất: “Mạnh mẽ và khó lường”. Thứ hai: MAGA – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Thứ ba: Tariff Man – Ngài thuế quan, tức là công cụ mà ưa thích của ông là thuế quan. Thứ tư: Dollar Man – Ngài đôla, với ông Trump kiểu gì đồng đôla cũng phải mạnh, cuộc chiến mà Mỹ thua đau đớn nhất là khi trên thế giới không sử dụng đồng đôla nữa. Thứ năm: Không thích đa phương, ông sẵn sàng rút khỏi các tổ chức đa phương.
Chính sách của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai có thể mang đến những cơ hội, nhưng khó khăn có lẽ nên được nói trước. Tác động về chính sách đối với Việt Nam sẽ gồm cả trực tiếp và gián tiếp. Trước hết, về gián tiếp khi ông Donald Trump áp thuế quan lên các nước thì các nước sẽ trả đũa, nhất là Trung Quốc, sẽ dẫn đến tăng trưởng thương mại, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ còn giảm nữa. Tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Một tác động gián tiếp khác là lạm phát ở Mỹ sẽ cao, kéo dài, Fed sẽ chậm hạ lãi suất, đó sẽ là một áp lực lên tỷ giá, lãi suất của chúng ta. Tỷ giá từ đầu năm đến giờ đã rất lớn. Đó là các tác động gián tiếp, tác động làm giảm khả năng sử dụng các công cụ vĩ mô để hỗ trợ cho phục hồi phát triển.
Về tác động trực tiếp, khi Mỹ – Trung căng thẳng thì tăng trưởng giảm, thương mại ảnh hưởng. Việt Nam có thể được lợi đôi chút với tác động gọi là “chệch hướng thương mại”. Khi người ta vẫn cần “nhập con gà” mà không nhập được của nhau thì sẽ nhập từ các nước khác, ví dụ như Việt Nam. Nhưng đó không phải là cơ hội lớn. Ông Donald Trump có thể đánh thuế đối đẳng với Việt Nam. Thứ hai, câu chuyện thương chiến không chỉ là câu chuyện của hai quốc gia mà họ có thể đánh vào cả các công ty mang lá cờ quốc gia kia, mà các công ty này hoàn toàn có thể năm trong chuỗi cung ứng của chúng ta. Đó là vấn đề sẽ rất phức tạp. Một khía cạnh nữa không chỉ ở chuỗi cung ứng mà còn ở đầu tư. Chúng ta có thể được hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhưng do bất định, do thương chiến, một số nhà đầu tư ở Mỹ có nói với chúng tôi rằng họ còn cần phải nghe ngóng ít nhất trong vòng 6 tháng để xem rõ cuộc chơi như thế nào. Đây cũng là rào cản khiến cho việc thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta gập ghềnh hơn.
Đó là những tác động về ngắn hạn, về dài hạn sẽ là sự phân mảnh, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nói đến các cơ hội như dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Một thứ khác vừa là thách thức vừa là cơ hội đó là dịch chuyển dân cư và cấu trúc dân số. Đó là tất cả những vấn đề mà doanh nghiệp cần phải lưu ý khi xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh.
Khi xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh từ cấp nhà nước, địa phương hay doanh nghiệp nhất quyết không thể quên được bốn từ khóa. Thứ nhất: “Địa chính trị và an ninh”. Chưa bao giờ thế giới chứng kiến việc chính trị nhúng sâu vào kinh tế như bây giờ, kể cả ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển. Thứ hai là “Công nghệ”. Công nghệ không đơn thuần chỉ là AI, Blockchain… mà phải tìm hiểu xem công nghệ ấy đang nằm trong chuỗi cung ứng nào, người ta có coi là lõi không… Từ khóa thứ ba là “Thương mại – Đầu tư”, mình chơi gì trong trò chơi được thua này, năm đồng trừ ba đồng được hai đồng. Từ khóa thứ tư cần nhờ là “Rủi ro”. Phải xác định và nhận diện rõ được những rủi ro mà chúng ta có thể phải đối mặt.
Thách thức với mục tiêu tăng trưởng
Với riêng Việt Nam, kể cả nếu chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 8% thì vẫn chưa hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, đây cũng là một mục tiêu vô cùng thách thức. Tất cả các dự báo của các tổ chức thế giới không có tổ chức nào dự báo chúng ta tăng trưởng 8%. Phần lớn đều dự báo trên dưới 7%. Có một số tổ chức của Việt Nam có đưa ra 3 kịch bản, với kịch bản tốt nhất là 8%. Đó là thách thức thứ nhất. Thách thức thứ hai lớn hơn đó là mục tiêu tăng trưởng hai con số trong nhiều năm tiếp theo. Tức là hàng năm đều tăng trưởng hai con số trên nền rất cao của năm trước. Cần nhớ khi chúng ta đạt tăng trưởng 8% năm 2022, dù có nhiều cú sốc tài chính, thì là vì tăng trưởng năm trước đó chỉ có 2% (do Covid-19).
Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là cái khó nhất. Cái khó nhất là ở chỗ, năm 2024 chúng ta tăng trưởng cao được, cái trọng số lớn lại nằm ở chữ “ngoại”, không phải nội lực. Chúng ta tăng trưởng nhờ tăng xuất khẩu gần 15% thì 73% do đóng góp của FDI. Nội lực chúng ta có phục hồi, nhưng không phải là trọng số lớn để tạo ra đột phá về tăng trưởng xuất khẩu của năm ngoái. Khó khăn thứ hai là đầu tư. Về đầu tư công, với tất cả nỗ lực của Chính phủ vẫn không thể giải ngân hết tiền đầu tư công, không đạt mức 95% Thủ tướng giao. Còn về đầu tư tư nhân, năm ngoái tăng khoảng 8%, nhưng mức này chỉ bằng một nửa so với điều kiện bình thường của tăng đầu tư tư nhân. Đầu tư tốt nhất năm ngoái lại là giải ngân đầu tư FDI, 25 tỷ USD, tăng 9,4%. Khó khăn thứ ba là về tiêu dùng. Tiêu dùng thường tăng 9% sau khi trừ đi giá cả thì năm trước tôi mua 1 con gà thì năm sau tôi mua 1,2 con gà (không phải do giá tăng), cao hơn tăng trưởng và là động lực của tăng trưởng. Nhưng năm ngoái tiêu dùng chỉ tăng 5,8-5,9%, thấp hơn tăng trưởng, không phải là động lực của tăng trưởng. Tiêu dùng nội địa rất yếu. 5,9% đó là còn nhờ gần 17,6 triệu khách nước ngoài. Hai tháng đầu năm 2025 tăng khoảng 6% cũng phần rất lớn nhờ 4 triệu khách nước ngoài.
Ngoài chuyện thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng tín dụng thì điều quan trọng nhất là vực dậy lòng tin của thị trường của khu vực tư nhân. Nghị quyết của Bộ Chính trị về khu vực tư nhân là muốn thúc đẩy cho lòng tin này. Một điều quan trọng hiện nay là ở địa phương việc thực thi chính sách và giải tỏa những dự án đang ách tắc. Hiện cả nước có khoảng 1.100 dự án đang bị ách tắc. Các dự án này khi giải tỏa được sẽ kéo theo một nguồn vốn rất lớn. Đây là bài toán không chỉ dự án, không chỉ bất động sản mà là bài toán về lòng tin về cách làm.
Với doanh nghiệp thì đầu tiên là tâm thức. Doanh nghiệp cần thấy hết khó khăn, thế giới bây giờ là vậy, thích hay không thích thì chúng ta vẫn phải thích ứng. Chúng ta là nền kinh tế nhỏ, không thể điều khiển được thế giới. Tức là phải quản trị được rủi ro, quản trị sự bất định. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấu tỏ được cơ hội. Trong bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen nhau như vậy, làm sao chúng ta vẫn tìm thấy cơ hội đó là điều doanh nghiệp phải làm được. Chẳng hạn, với đầu tư công, khi cả nước thành đại công trường thì đó là cơ hội. Riêng năm nay Nhà nước dự kiến đầu tư 860 nghìn tỷ đồng, tăng 84 nghìn tỷ đồng so với năm 2024.
Duy Thường ghi (theo Kỷ yếu HVNCLC 2025)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này