10:06 - 19/06/2020
Tín dụng tăng trưởng chậm
Tính đến ngày 16/6, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng chỉ đạt 2,13% so với đầu năm 2020. Như vậy gần 6 tháng năm 2020, tăng trưởng tín dụng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019 (ở mức 5,7%), do ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mặc dù tăng trưởng tín dụng gần 6 tháng mới đạt 2,13%, thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng mức tăng trưởng tín dụng này vẫn được xem là phù hợp trong bối cảnh bước đầu chống dịch thành công của Việt Nam.
“Chính sách điều hành của NHNN đã bám sát diễn biến dịch Covid-19, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, bảo đảm chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), người dân tiếp cận vốn ngân hàng để khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, dưới tác động của dịch Covid-19, khả năng hấp thụ vốn của các DN chưa cao khiến tín dụng tăng thấp”, ông Hùng phân tích.
Về cơ cấu tín dụng, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 0,35%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 4,94%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng trên 10%; lĩnh vực công nghệ cao tăng 2,92% và công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%. Đáng lưu ý, tín dụng lĩnh vực DN nhỏ và vừa giảm 0,7%; lĩnh vực tiêu dùng phục vụ cho nhu cầu đời sống cũng giảm.
Như vậy có thể thấy, tăng trưởng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên tăng là chủ yếu, trong đó lĩnh vực tiêu dùng cũng như DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng rất lớn.
Riêng trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM thông tin, tín dụng tăng chậm trong 5 tháng đầu năm và tiếp tục tập trung vào 5 nhóm, lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, tín dụng tháng 1/2020 tăng 0,25%, tháng 2 tăng 0,13%, tháng 3 tăng 1,11%, tháng 4 giảm nhẹ 0,05% và tháng 5 tăng 1,7%. Đến cuối tháng 5/2020, dư nợ tín dụng mới bắt đầu tăng mạnh nhất khi tăng 1,57% so với cuối năm 2019 và dự ước đến 30-6, tín dụng trên địa bàn tăng 2,52% (giảm hơn một nửa so với 6 tháng cùng kỳ, tăng 7%).
Theo ông Minh, hoạt động tín dụng tăng trưởng chậm phản ánh đúng xu hướng thị trường, tình hình hoạt động của DN và tình hình tăng trưởng kinh tế – xã hội trong điều kiện dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh tế, nhiều ngành lĩnh vực bị suy giảm sản xuất, ngưng hoạt động thậm chí đóng cửa.
Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn, nhưng hiện nay cho vay ở tình trạng chung là khó tăng trưởng.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết, đầu năm Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 26.600 tỷ đồng trước thuế, tăng trưởng tín dụng trên 14%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên Vietcombank phải điều chỉnh mục tiêu tín dụng ở mức 10% và có khả năng đạt được.
Đến hết quý 1/2020, trong khối ngân hàng quốc doanh, cũng là khối ngân hàng lớn, chỉ có Vietcombank là tăng trưởng tín dụng dương trên 2% (3 ngân hàng còn lại là BIDV, VietinBank, Agribank đều giảm) và gần hết 5 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 3%. Theo ông Thành, tín dụng đạt mức hiện nay là do ngân hàng tập trung sang bán lẻ, dịch vụ.
Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, vốn ngân hàng dư thừa, thanh khoản dồi dào nên lãi suất huy động giảm kéo theo lãi suất cho vay giảm. Hiện, một số khoản vay của DN tại Vietcombank chỉ ở mức 4,5%/năm, trong khi đó, lãi suất cho vay thấp nhất là 5,5%/năm.
Một số DN kêu không tiếp cận được vốn nhưng do dự án, phương án kinh doanh chưa đủ chuẩn, chưa hiệu quả. Nếu DN đáp ứng được điều kiện tín dụng thì ngân hàng sẽ cung ứng vốn. Dù vậy, ông Thành cũng khẳng định, ngân hàng chỉ giảm lãi suất cho vay chứ không hạ chuẩn vay, nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng. Vì tình hình dịch bệnh, chất lượng tín dụng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới nên Vietcombank đã tăng trích lập dự phòng để bao nợ xấu.
Chưa ai được vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, tín dụng tăng trưởng thấp trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vì DN ở nhiều lĩnh vực bị tác động nặng, nhu cầu vay không lớn. Thời điểm này, khó khăn của DN và người dân là dòng tiền, do đó ưu tiên hàng đầu của ngành ngân hàng là tái cơ cấu, giãn nợ…
Tính đến ngày 8/6, sau hơn 2 tháng triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng dịch Covid-19, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 249.100 khách hàng với tổng dư nợ 172.365 tỷ đồng. Hệ thống các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi suất cho 403.177 khách hàng, dư nợ ước trên 1,2 triệu tỷ đồng.
Trong các chương trình tín dụng của Chính phủ, tính đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã gia hạn nợ cho 152.796 khách hàng, tương đương tổng dư nợ tín dụng chính sách hơn 3.856 tỷ đồng.
Cùng với đó, Ngân hàng CSXH cũng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng, tổng số dư nợ trên 1.567 tỷ đồng, cho vay mới hơn 21.149 tỷ đồng với 826.473 khách hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, thời gian đầu, nhiều DN phản ánh chưa tiếp cận được chính sách nhưng ông Hùng khẳng định, không có một khách hàng nào nợ đến hạn mà không được cơ cấu nợ.
Mặc dù vậy, gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm (cho DN vay để trả cho người lao động ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được triển khai theo Quyết định 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ), sau hơn 1 tháng triển khai, hiện chưa DN nào được vay.
Lý giải việc này, ông Hùng cho biết, NHNN đã dành sẵn 16.000 tỷ đồng để Ngân hàng CSXH giải ngân cho DN, đồng thời vào cuộc tích cực để triển khai như ban hành Thông tư 05/2020 quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng CSXH giải ngân.
Tuy nhiên, để phê duyệt cho DN đủ điều kiện vay vốn, phải có từ 20% lao động hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian từ ngày 1/4 đến hết 30/6.
DN đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Đặc biệt, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019…
“Mục đích của gói tín dụng là giúp DN vay để trả lương nhằm giữ chân người lao động, từ đó có thể quay lại sản xuất kinh doanh, nhanh chóng phục hồi sau dịch. Tuy nhiên các điều kiện tiếp cận khoản vay này không dễ nên chưa ai đáp ứng được”, ông Hùng phân tích.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc này, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ LĐTB-XH phối hợp với NHNN điều chỉnh tiêu chí để DN tiếp cận được gói hỗ trợ. Hiện, hai cơ quan trên đã trình Chính phủ sửa đổi Quyết định 15/2020 nhằm sớm giải ngân được gói tín dụng này.
Nhung Nguyễn/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này