16:38 - 03/06/2020
Thúc đẩy chuyển đổi số
Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, các doanh nghiệp thường tính toán việc chuyển đổi số, khiến quá trình này diễn ra rất lâu.
Nhưng theo các chuyên gia, từ khi dịch Covid-19 diễn ra khoảng ba tháng, nhất là khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 16, cách ly xã hội, nhiều doanh nghiệp tìm đến với chuyển đổi số như một cứu cánh giúp họ tồn tại.
Nhiều gói giải pháp
Thực tế, nhiều đơn vị bán lẻ như Big C, Bách hoá Xanh, Co.op, trước tác động của Covid-19 đã đẩy mạnh hơn việc số hoá các dịch vụ, từ giao hàng online, dịch vụ đi chợ hộ, họ kết hợp với các ứng dụng giao hàng Grab, Be… Hay chuỗi nhà hàng F&B Foods Center đã nhanh chóng chuyển sang hoạt động ở “chế độ online”, phục vụ khách trực tuyến. Hoặc như Golden Gate – một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực F&B – đã mở dịch vụ đặt hàng qua mạng với một vài thương hiệu lớn như: GoGi, Ashima, Kichi Kichi, Hutong và Manwah…
Một trong những yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số là sự quyết tâm của lãnh đạo, TS Ngô Công Trường, sáng lập và giám đốc chuyên môn công ty cổ phần tư vấn và giáo dục John & Partners, cho biết. Theo ông, nhờ Covid-19 mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy việc chuyển đổi số lên mức khẩn cấp, gần như tập trung 100% vào việc này để kịp thời tiến độ các công việc.
Ông Trần Văn Viển, đồng sáng lập kiêm giám đốc chi nhánh miền Nam công ty cổ phần Base Enterprise (Base), một đơn vị chuyên tư vấn và cung cấp giải pháp nền tảng thống nhất quản trị và điều hành doanh nghiệp, cho biết, trước đây khi làm việc mọi người phải đến văn phòng, gặp trực tiếp… trong mùa dịch Covid-19, khi nhiều doanh nghiệp hạn chế tập trung đông người, nhân viên làm việc ở nhà, và Base đã đưa ra những giải pháp giúp mọi người làm việc từ xa, không phụ thuộc vào không gian và thời làm việc.
Ông Viển cho hay, chúng tôi tạo ra những phần mềm mà trong đó mọi người có thể thiết lập được về mặt hệ thống, quy trình, biểu mẫu và cả văn hoá doanh nghiệp trong đó. Để làm sao doanh nghiệp thiết lập được một bộ khung trên môi trường số.
“Trong mùa dịch vừa qua và cho đến thời điểm này, sản phẩm Base Work+ bao gồm: phần mềm quản lý công việc Base Wework, phần mềm quản lý quy trình Base Workflow, phần mềm xử lý yêu cầu, đề xuất Base Request, được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam quan tâm. Sản phẩm trên liên quan đến công việc, giao việc, các biểu mẫu, phê duyệt… và tất cả đều được số hoá”, ông Viển nói.
Bên cạnh đó, một ứng dụng nữa là Base inside, cũng được các doanh nghiệp chọn trong giai đoạn này. Ứng dụng này thiết lập một mạng nội bộ của doanh nghiệp giúp giao tiếp với nhau dễ dàng hơn…
Về mặt tài chính, theo ông Viển, chi phí ban đầu chỉ khoảng vài ngàn USD là có thể vận hành được công cuộc chuyển đổi số hiện tại.
Cũng hoạt động liên quan đến việc giúp doanh nghiệp làm về hạ tầng, online, tổ chức các sự kiện trực tuyến trong mùa dịch, ông Nguyễn Thân, CEO công ty Apex Multimedia cho hay, tháng 3, 4 và 5 nhiều doanh nghiệp đã tìm đến Apex Multimedia để đại hội cổ đông (ĐHCĐ) trực tuyến, thông qua ứng dụng mang tên BVOTE, đây là ứng dụng do Apex hợp tác cùng Bytesoft tạo nên. Tất cả những thông tin trong đại hội đều được lập trình trên nền tảng của Blockchain để đảm bảo tính bảo mật.
Từ thực tế việc họp trực tuyến có những hạn chế về đường truyền, cảm xúc, gương mặt, lời nói, ngôn ngữ hình thể… dẫn đến thông tin truyền đạt bị hạn chế. “Chúng tôi nghĩ đến giải pháp kết hợp nhiều công nghệ với nhau. Sử dụng camera 360, làm live stream, khiến mọi người đều có cảm giác như mình đang hiện diện trực tiếp nơi đó. Đây là cách phổ biến trên thế giới”, ông Nguyễn Thân chia sẻ.
Thực hiện các chương trình trên thương mại điện tử
Từ những ngày đầu tháng 2/2020, trên kênh thương mại điện tử www.flexoffice.com, công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long cùng các nhãn hàng Điểm 10, Colokit, Elmer’s chung tay triển khai chương trình “Ở nhà làm gì vui?”, với mục đích trấn an và mang đến niềm vui được mua hàng giảm giá tại nhà cho người tiêu dùng.
Chương trình mang đến hiệu quả tốt bởi các thông điệp ngộ nghĩnh, giải quyết được tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh ở thời điểm dịch mới bùng phát. Không dừng lại đó, Thiên Long còn xây dựng thành công “Học kỳ đặc biệt” cùng với thần tượng của các bạn nhỏ. Chương trình “Học kỳ đặc biệt” với tám lớp học thông qua hình thức live stream trực tiếp trên mạng xã hội Facebook. Với các nội dung sinh động, hấp dẫn như: “Hướng dẫn cách tô màu, phối màu theo những phong cách thật ấn tượng; chia sẻ bí quyết để có nét viết thanh mảnh đẹp lung linh…” Các nội dung này đã giúp các bé duy trì được hứng thú học tập, chủ động ôn luyện chữ đẹp,
vẽ hay trong đợt nghỉ.
Hình thành văn hoá Digital
Bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch của PNJ mới đây, chia sẻ với các doanh nghiệp trong hội Nữ doanh nhân TP.HCM rằng, dịch Covid-19 cho thấy, doanh nghiệp cần chuyển qua những hình thức làm về Digital marketing để giảm chi phí. Bà Dung cho rằng, có những thách thức, khó khăn khi chuyển sang Digital là chi phí đầu tư cho các nền tảng công nghệ, nhưng đây không phải là khó khăn lớn, hiện nay có nhiều platform để đầu tư làm mà không phải bỏ ra chi phí lớn.
Theo bà Dung, khó lớn nhất là con người và văn hoá doanh nghiệp. “Nếu không có một văn hoá về Digital, đừng mong có một tổ chức biết và vận hành nó. Cho nên doanh nghiệp phải bổ sung những kiến thức, thông tin về văn hoá Digital mới đi tiếp được trong xu thế hiện nay”, bà Dung khẳng định.
Bài và ảnh Trí Dũng (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này