09:13 - 24/03/2017
Việt Nam chưa gặp sức ép tăng tỷ giá trong vòng 3 tháng tới
Với đợt điều chỉnh tăng lãi suất USD của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây, tỷ giá VND/ USD chưa gặp áp lực ngắn hạn.
Về lý thuyết, với mọi quốc gia, đa số hàng hóa giao dịch trên thị trường đều neo theo giá USD như: vàng, cà phê, dầu… Do vậy, việc biến động giá trị đồng USD sẽ tác động lên hầu hết đồng tiền và nền kinh tế các quốc gia khác, trong đó có VN, cho dù VN đã có bước tiến mới trong điều hành tỷ giá.
Cụ thể đồng USD giảm giá thì nhiều quốc gia lo ngại việc xuất khẩu sẽ gặp khó do hàng hóa quy đổi qua USD sẽ tăng giá và ngược lại.
Tỷ giá ổn định, DN vừa mừng, vừa lo
Với cơ chế điều hành tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm VND/USD trong thời gian qua đã được xác định trên cơ sở diễn biến của 3 yếu tố chính: Thứ nhất, diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng ngày hôm trước. Thứ hai, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của 8 đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với VN (gồm USD, EUR, CNY, Bath, JPY, SGD, KRW, TWD). Thứ ba, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, qua đó giúp tỷ giá ổn định hơn và đảm bảo tính linh hoạt của chính sách tối ưu hơn. Đây cũng là bước tiến để thúc đẩy nghiệp vụ phái sinh trên thị trường phái sinh mà các ngân hàng thương mại nói chung còn đang “bỏ lững”.
Thực tế, kể từ khi thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vẫn đang chưa “chăm sóc” ổn thỏa nghiệp vụ phái sinh ngoại hối và hướng dẫn DN vay ngoại tệ áp dụng các quyền bảo hiểm rủi ro tỷ giá như quyền chọn hay tương lai. Nhưng, kể cả khi tỷ giá ổn định, thì bất lợi đối với nhiều DN VN vẫn xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng đồng USD tăng giá, DN xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ hưởng lợi. Đây là thị trường chiếm thị phần xuất khẩu của VN với đóng góp cho tổng kim ngạch xuất khẩu 22%. Với lĩnh vực xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, VN chỉ được hưởng phần ngọn từ giá trị gia công. Với dệt may da giày, có đến 70-80% giá trị xuất đi thuộc về nguyên vật liệu nhập khẩu. Đồ gỗ tỷ trọng nhập khẩu nguyên vật liệu khá cao, thủy sản có chi phí nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chiếm 2/3 chi phí nguyên liệu thủy sản thu mua…
Như vậy, giá trị đồng USD tăng lên có nghĩa nhập khẩu hàng hóa cũng đắt đỏ hơn, DN phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa mua về. Nói cách khác là FED tăng lãi suất, đẩy giá trị đồng USD lên cao, nhiều nền kinh tế trong đó có VN và cả DN xuất khẩu của VN có tỷ trọng nhập khẩu lớn, không hề “dễ chịu”.
Gây sức ép tăng tỷ giá VNĐ/USD về trung hạn
Về trung hạn, động thái tăng lãi suất lần 3 của FED sẽ giúp chỉ số USD Index được giữ vững và xu thế tăng. Đối với các nước phát triển, một khi chỉ số USD index tăng thì hầu như tỷ giá của đồng tiền nước đó với USD sẽ điều chỉnh tăng theo tức thì. Tuy nhiên, do đồng tiền VN vẫn chưa tự do chuyển đổi nên chỉ số USD Index không gây tác động ngay đến tỷ giá VNĐ/USD. Bên cạnh đó, tác động tỷ giá VND/USD còn phụ thuộc mạnh bởi các yếu tố quan trọng khác như chính sách cung tiền của Chính phủ, cán cân XNK và những yếu tố thu hút ngoại tệ khác như TTCK, kiều hối…
Mặc dù không gây ảnh hưởng trực tiếp, nhưng đồng USD mạnh lên từ động thái của FED nhận định kinh tế Mỹ đang tăng trưởng sẽ tạo áp lực khiến tỷ giá đồng nội tệ các quốc gia phải tăng, mà VN không là ngoại lệ. Nếu VN cố giữ tỷ giá để ổn định tiền tệ, nhưng giao dịch XNK đa số sử dụng USD sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu như đã nói ở trên, đồng thời các nhà đầu tư quốc tế cũng thấy đầu tư vào VN đắt đỏ hơn. Tăng trưởng FDI đang dần hạ nhiệt cho thấy tác động của chính quyền Trump và đồng USD mạnh sẽ tác động tới toàn cảnh FDI vào VN trong năm nay. Những yếu tố này theo đó có thể làm giảm nguồn cung USD, gây sức ép rất lớn lên tỷ giá.
Ở một góc độ khác, VN lại cũng cần động lực để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, mà yếu tố đầu tiên là phải cung tiền để cấp vốn cho nền kinh tế. Việc cung tiền tất yếu làm tăng lạm phát trong khi chờ đợi phát huy hiệu quả (nếu sử dụng vốn hiệu quả), điều này sẽ dẫn đến tỷ giá VND/USD tăng theo mối tương quan lạm phát và nguồn cung tiền của nền kinh tế 2 nước. Ngoài ra còn có một nguy cơ là nền kinh tế bị suy yếu do các khó khăn vĩ mô chưa khắc phục được cũng gây sức ép tăng tỷ giá.
Tóm lại, trong vòng 3 tháng trước mắt, VN chưa gặp sức ép tăng tỷ giá VND/USD do kinh tế Mỹ và đồng USD mạnh lên. Nhưng dự báo trong trung hạn, VN sẽ cần điều chỉnh tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu và tránh sức nén tỷ giá quá mức cần thiết so với tình hình thị trường và kinh tế thế giới.
Trong một diễn biến tưởng không có liên quan đến FED tăng lãi suất đồng USD, trong mấy ngày gần đây, thị trường tài chính VN xuất hiện sản phẩm huy động ngắn hạn có lãi suất “siêu cao” với sự tham gia của nhiều ngân hàng. Đây có thể xem là bước khởi động chạy đua lãi suất huy động vốn để cân bằng tỷ lệ vốn trung và dài hạn đáp ứng quy định với tỷ lệ 50% mà NHNN đề ra từ ngày 1/1/2017. Về mặt tương quan, thị trường cũng thường có tâm lý lãi suất đồng USD tăng, giá trị đồng đô la Mỹ tăng, tức VN sẽ chịu áp lực điều chỉnh tỷ giá và gia tăng lạm phát. Khi lạm phát tăng, lãi suất điều chỉnh có thể xảy ra phổ biến.
TS Đinh Thế Hiển
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này