15:20 - 19/11/2018
Trung Quốc giải cứu chứng khoán: Dòng tiền ‘nóng’ chảy vào cổ phiếu ‘rác’
Các chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán đang lâm nguy của chính phủ Trung Quốc đã mở đường cho hoạt động đầu cơ vào các cổ phiếu với rủi ro cao.
Những cổ phiếu được các sở giao dịch chứng khoán cảnh báo là có tính rủi ro cao, chẳng hạn như những công ty có vốn chủ sở hữu âm hoặc thua lỗ hai năm liên tiếp, đã tăng giá trung bình 31% trong tháng qua. Tỉ lệ tăng này cao gấp đôi nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ nói chung, trong khi đó chỉ số Shanghai Composite chỉ tăng 7,8%.
Theo một số nhà phân tích, các biện pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán Trung Quốc được công bố hồi cuối tháng 10, bao gồm nới lỏng giới hạn giao dịch, hỗ trợ thanh khoản và giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ, đã tạo điều kiện thuận lợi cho đợt tăng nóng này.
Các chính sách khuyến khích mua bán và sáp nhập (M&A) đã “lùa” nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đánh cược vào các doanh nghiệp đang lâm nguy với hi vọng các doanh nghiệp này có thể trở thành mục tiêu thâu tóm của các công ty muốn lách quy định để niêm yết cổ phiếu trên thị trường loại A.
Ông Yang Ziyi, một nhà quản lí quỹ tại Shenzhen Sinowise Investment Co. nhận định: “Sự thay đổi trong thái độ của các cơ quan quản lý đã khuyến khích nhà đầu tư đổ tiền vào những công ty vỏ bọc quy mô nhỏ và làm ăn kém hiệu quả kiểu này”.
Cổ phiếu của hai doanh nghiệp làm ăn thua lỗ là công ty Hàng không Tổng hợp DEA và công ty Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ cao Harbin Gong Da đã tăng lần lượt 71% và 70% kể từ khi chỉ số Shanghai Composite rơi xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm vào ngày 18/10.
Ông Sun Jianbo, giám đốc công ty quản lý tài sàn China Vision tại Bắc Kinh nói “Đây là một chiến lược đầu tư tốt trong thị trường giá xuống. Chỉ cần một công ty có giá trị như là một vỏ bọc tiềm năng, nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu của công ty đó”. Ông Sun Jianbo cũng nói thêm là ông đang xem xét đầu tư vào những cổ phiếu loại này.
Tăng trưởng bất thường
Khối lượng cổ phiếu giao dịch của chỉ số ChiNext Composite đạt mức kỉ lục 8,7 tỉ cp vào phiên giao dịch thứ Ba tuần trước, giá trị giao dịch đạt ngưỡng cao nhất kể từ tháng 7 năm nay. Tuy những con số này còn khá khiêm tốn so với các chỉ số chính, chúng phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Ông Xiong Qi, phó giám đốc phân tích của công ty quản lý tài sản Windsor nhận xét: “Để giải cứu thị trường chứng khoán, các nhà quản lý đang phải nới lỏng kiểm soát dòng tiền nóng. Các quỹ nhỏ và nhà đầu tư cá nhân đang đi theo chiều hướng này”.
Sự hồi phục gần đây của thị trường chung đã cho thấy thế khó của các nhà quản lý Trung Quốc, một mặt phải hỗ trợ thị trường cổ phiếu, mặt khác phải hạn chế đầu cơ quá mức. Hôm thứ Ba tuần qua, Sở giao dịch Chứng khoán Shenzhen (Thẩm Quyến) cho biết cơ quan này sẽ tăng cường giám sát sự tăng trưởng bất thường của giá cổ phiếu Tập đoàn phát triển công nghiệp Hengli. Cổ phiếu này tiếp tục tăng mạnh ngày hôm sau và trở thành cổ phiếu loại A tăng trưởng mạnh nhất tháng qua với tỉ lệ lên tới 319%.
Hôm 2/11, Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải tuyên bố sẽ cải thiện cách tiếp cận để hạn chế những rào cản “không cần thiết” trong giao dịch cổ phiếu. Trước đó, hàng loạt biện pháp đã được đưa ra để hỗ trợ thanh khoản nhằm giảm rủi ro liên quan đến cổ phiếu đang bị dùng làm tài sản thế chấp.
Ông Zhang Gang, một nhà chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán Central China Securities nói: “Sau những thay đổi gần đây, các giao dịch chỉ cần không phải là giao dịch nội bộ có thể được xử lý rất nhanh”.
Rủi ro trỗi dậy
Các nhà phân tích cảnh báo, mua các cổ phiếu ‘rác’ chỉ vì giá trị vỏ bọc cho các công ty khác lên sàn là hoạt động đầy rẫy những rủi ro. Trung Quốc gần đây đã đơn giản hóa thủ tục niêm yết cho doanh nghiệp. Ngoài ra, một thị trường giao dịch cổ phiếu mới đang được lên kế hoạch có thể sẽ kéo tụt nhu cầu thâu tóm để đưa cổ phiếu lên sàn qua “cửa sau”.
Các sàn chứng khoán của Trung Quốc đã phát đi ít nhất 10 thông báo cảnh cáo nguy cơ hủy niêm yết tới các doanh nghiệp vi phạm quy định kế toán trong năm nay, đây là con số lớn nhất trong 9 năm qua. Ông Shen Zhengyang, một nhà chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán Northeast Securities cho biết: Một khi bị hủy niêm yết, các cổ phiếu này sẽ mất giá trị và chỉ được giao dịch trên thị trường OTC với thanh khoản teo tóp”.
Ông Shen nói thêm: “Kiểu đầu tư mạo hiểm này chỉ mang lại lợi ích thực sự nếu giả định các cổ phiếu không bao giờ bị hủy niêm yết. Tuy nhiên giả định này là không thực tế”.
Theo Vietnambiz
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này