10:19 - 29/03/2021
Tiền chứng khoán chảy vào đất?
Đã có những lo ngại về việc dòng tiền trên thị trường rút ra dịch chuyển vào kênh bất động sản (BĐS) khi cơn sốt đất bùng phát bất ngờ gần đây.
Thị trường chứng khoán (TTCK) tuần qua đã lại gây thất vọng một lần nữa, khi thay vì đáp ứng niềm mong mỏi “vượt đỉnh” của số đông nhà đầu tư (NĐT) thì lại quay đầu giảm, thậm chí xuất hiện bán tháo.
TTCK bùng nổ suốt cả năm 2020 và bắt đầu chững lại kể từ sau Tết Nguyên đán. Song chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, chỉ số VN Index đại diện cho TTCK Việt Nam có tới 3 lần không vượt qua được đỉnh cao lịch sử quanh ngưỡng 1.200 điểm.
Trong khi đó hầu hết các thị trường khác đều có mức tăng trưởng tốt hơn nhiều. Hiện tượng chững lại của kênh đầu tư chứng khoán tháng 3 lại trùng hợp với hiện tượng bùng nổ của thị trường BĐS, đặc biệt là đất nền.
Cơn sốt đất lan tràn khắp các địa phương, đặc biệt với những nơi có thông tin quy hoạch hoặc cấp phép dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp…
Đối với đa số người dân, kênh đầu tư chứng khoán vẫn chỉ được coi là kênh đầu cơ ngắn hạn chứ không phải là kênh tích trữ tài sản. Tài sản thật sự lâu dài phải là BĐS hoặc vàng. Chính vì vậy luôn có sự giao thoa giữa các kênh đầu tư này.
Lịch sử cũng đã cho thấy sau khi TTCK bùng nổ và đạt đỉnh, thị trường BĐS cũng trở nên nóng. Hiện tượng điều chuyển dòng tiền từ kênh chứng khoán sang BĐS là có thực.
Lợi nhuận trên TTCK dù sao vẫn chỉ là “lợi nhuận trên giấy”, chỉ khi bán đi mới là lợi nhuận thực, và nếu rủi ro lợi nhuận có thể bốc hơi. Trong khi đó một miếng đất hay một căn hộ vẫn sẽ là một tài sản nhìn thấy được và có giá theo thời gian.
Trong một cuộc hội thảo về BĐS hồi đầu tháng 1/2021, một cựu chủ tịch ngân hàng đã niêm yết nhận xét: Nếu mua đất, giá có hạ thấp thế nào thì nó vẫn là đất. Người đẻ ra thì đất lại lên giá. Còn chứng khoán, đã bong bóng rồi thì chỉ còn giấy!
Vị này còn tiên đoán sau quý 1/2021, chứng khoán sẽ đi xuống, BĐS lên ngôi. Điều này dường như đã thành hiện thực, khi TTCK suốt cả tháng 3 không thể tăng trưởng cao hơn được đỉnh tháng 1, trong khi thị trường BĐS lại nổi sóng.
Dòng tiền thoát ly khỏi TTCK có thể được minh chứng bằng ngưỡng thanh khoản đang suy yếu khá rõ kể từ đầu năm đến nay. Thời điểm thị trường đạt đỉnh lịch sử 1.200 điểm hồi tháng 1/2021, tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE và sàn HNX đạt ngưỡng 21.600 tỷ đồng.
Trong 3 tuần đầu tháng 3 này, giá trị khớp trung bình chưa tới 16.300 tỷ đồng/phiên, tương đương sụt giảm khoảng 24%. Ngoài ra số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của NĐT cá nhân trong tháng 2/2021 chỉ là 57.000 tài khoản, khá thấp so với con số kỷ lục 86.100 tài khoảng hồi tháng 1, thậm chí là so với hơn 63.000 tài khoảng trong tháng 12/2020.
Cơn sốt chứng khoán 2021 đã nhạt đi đáng kể khi suốt 3 tháng, thị trường biến động mạnh nhưng không có tiến triển. Dòng tiền đầu cơ luân chuyển với tốc độ cao và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ trào lưu ngắn hạn. Câu chuyện đang nóng nhất thời điểm tháng 3 là đất, chứ không phải chứng khoán.
Dòng tiền có thực sự rút khỏi chứng khoán?
Hiện tượng dịch chuyển dòng tiền giữa các kênh đầu tư là hiện hữu. Ngay trong năm 2020 đã có làn sóng dịch chuyển dòng tiền khổng lồ từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán. Vì vậy, nếu lúc này dòng tiền lại dịch chuyển sang kênh BĐS hay chảy ngược về kênh tiết kiệm thì cũng là điều bình thường.
Tuy nhiên cần phải nhìn nhận hiện tượng điều chỉnh dòng tiền như một biến động ngắn hạn hay một xu hướng. Các NĐT chứng khoán “thời vụ” chỉ là một phần của dòng tiền thường trực trong kênh đầu tư này. Dòng tiền chuyên nghiệp mới là yếu tố duy trì và tạo nên sức sống cho TTCK.
Thanh khoản hàng ngày có thể co dãn, thị trường có thể sụt giảm giao dịch do NĐT chuyển đổi cổ phiếu thành tiền mặt, nhưng dòng tiền chuyên nghiệp không rút khỏi kênh đầu tư này.
Một bằng chứng cụ thể là con số thanh khoản hàng ngày không thật sự phản ánh hoàn toàn dòng tiền thường trực trên thị trường. Khối lượng giao dịch được báo cáo mỗi cuối ngày chỉ là con số được giao dịch thành công, chứ không phải tổng khối lượng mà NĐT đặt mua hay phản ánh tổng năng lực của lượng tiền.
Cụ thể, thống kê từ đầu năm 2021 đến tuần cuối tháng 3, sàn HoSE chỉ ghi nhận tỷ lệ khối lượng giao dịch thành công cao nhất chiếm 81,3% tổng khối lượng đặt mua trong ngày 28/1. Phiên thanh khoản kỷ lục lịch sử ngày 19/1/2021 với giá trị khớp lệnh hơn 21.600 tỷ đồng thì tỷ lệ giao dịch thành công cũng chỉ chiếm 77,7% tổng khối lượng mua hôm đó. Trung bình trong tháng 3-2021, tỷ lệ khớp lệnh thành công chỉ đạt 56,7% tổng lượng đặt mua.
Khối lượng đặt mua không được khớp gọi là dư mua, cũng là một phần trong tổng sức cầu của thị trường hàng ngày. Đây cũng chưa phải là tận cùng dòng tiền trên thị trường, vì có thể NĐT có tiền nhưng vẫn chờ đợi không đặt lệnh. Như vậy khi đánh giá về thanh khoản, đó chỉ là phần nổi của tảng băng.
Giá trị thông tin chính của thanh khoản hàng ngày là sự chấp nhận rủi ro để giao dịch thành công. Nói cách khác, đó là lượng tiền mà NĐT thật sự muốn mua. Một khi NĐT đặt giá quá thấp và không khớp lệnh được, nghĩa là NĐT đó vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Một yếu tố quan trọng nữa là dòng tiền trên TTCK không cố định mà lưu thông, tức là có chảy ra và cũng có bổ sung vào. Nếu lượng vốn trên thị trường là cố định thì TTCK chỉ là nơi tiền từ túi người này chảy vào túi người khác, là một cuộc chơi có tổng bằng 0.
Trên thực tế, TTCK là kênh huy động vốn, nghĩa là các doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để huy động tiền mặt thì phải có sự bổ sung liên tục lượng tiền mới, nếu không nguồn tiền sẽ nhanh chóng cạn kiệt.
Các quỹ đầu tư liên tục huy động được vốn mới, các NĐT tái đầu tư lợi nhuận, các NĐT/tổ chức đầu tư mới liên tục gia nhập thay thế những người rút đi chính là yếu tố giúp mở rộng quy mô TTCK theo thời gian.
Theo Nguyên Hà/ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này