10:22 - 01/01/2022
Thị trường vàng sẽ ra sao vào năm 2022?
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng vẫn còn khi tin rằng vàng giúp chống lạm phát và biến động tiền tệ, giúp nhà đầu tư an tâm về lâu dài.
Đặc biệt, nếu biến thể Omicron cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng như các biến thể trước đó, giới đầu tư có thể sẽ một lần nữa tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Nhìn lại năm 2021, thị trường vàng có thời gian dài giao dịch lình xình xung quanh mức 56-57 triệu đồng/lượng từ đầu năm.
Đến tháng 11, giá vàng bắt đầu có xu hướng đi lên và có thời điểm ghi nhận tương đương ngưỡng kỷ lục năm 2020, ở mức hơn 62 triệu đồng/lượng khi số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng lên đến 6,2% trong tháng 10/2021, mức cao nhất trong 31 năm, khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một biện pháp phòng trừ rủi ro lạm phát.
Chốt phiên giao dịch cuối năm 2021 (31/12), tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 60,95-61,67 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Với giá bán này, giá vàng trong nước tăng 5,3 triệu đồng/lượng, tương đương tăng trưởng 9,4% so với thời điểm đầu năm (4/1).
Quan sát thị trường cho thấy, giá vàng trong nước được các doanh nghiệp theo sát giá vàng thế giới. Những tháng cuối năm, giá vàng bắt nhịp tăng theo thị trường thế giới trước thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc kết thúc chương trình mua trái phiếu hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch vào tháng 3/2022 và 3 đợt tăng lãi suất dự kiến trong năm 2022.
Tuy nhiên, về phía các chuyên gia cho rằng giá vàng trong nước thời gian qua vẫn cao hơn thế giới, nhưng với mức chênh khoảng 12 triệu đồng/lượng, xấp xỉ 20% sau khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng là chưa từng có. Trước đó, ở thời điểm năm 2020, giá vàng trong nước so với thế giới cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Đại diện cửa hàng vàng Đức Hùng, phố Trần Nhân Tông, Hà Nội, cho biết sở dĩ giá vàng trong nước tăng nhanh hơn giá vàng thế giới là do các công ty vàng luôn niêm yết giá cao để hạn chế rủi ro giá vàng thế giới quay đầu giảm giá đột ngột.
Cũng để phòng ngừa rủi ro nên các doanh nghiệp vàng cũng thường xuyên nới rộng khoảng cách giữa giá bán và giá mua mỗi khi giá vàng biến động. Thực tế mức giá hiện tại cũng không phản ánh hết được diễn biến của thị trường là cầu mua cao hơn lực bán sẽ đẩy giá tăng mạnh.
Tại thời điểm giá vàng tăng mạnh, không khí mua bán sản phẩm này tại những “phố vàng” vẫn trầm lắng, chủ yếu vẫn là khách lẻ, đến xem và mua một số đồ trang sức. Điều này giống như diễn biến trên thị trường vào năm ngoái và trái ngược hẳn với nhiều năm trước đây người dân thường rồng rắn, đổ xô mua bán vàng mỗi khi giá kim loại quý này biến động mạnh.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu tiêu dùng vàng cá nhân tại Việt Nam trong quý 3/2021 đạt 3 tấn, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số lượng vàng được ước tính dựa trên khối lượng đồ trang sức bằng vàng và vàng miếng nhỏ dưới 1kg, được các nhà đầu tư cá nhân mua vào.
Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại WGC, cho biết: “Nguyên nhân nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam giảm chủ yếu là do việc giãn cách xã hội kéo dài nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, khiến nhu cầu mua bán trang sức, vàng miếng và tiền xu bị ảnh hưởng đáng kể.”
“Nhìn chung, nhu cầu vàng của người tiêu dùng khu vực ASEAN đang bắt đầu tăng lên khi nhiều thị trường được nới lỏng các hạn chế. Tuy nhiên, mức tiêu thụ vẫn chưa thể quay trở lại như trước đại dịch. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ vàng sẽ tăng lên trong cuối năm, khi vàng được xem là vật bảo vệ của cải và là tài sản trú ẩn an toàn,” ông Andrew Naylor cho biết thêm.
Trước đó, năm 2021 là năm đầu tiên WGC ban hành báo cáo về đầu tư vàng cá nhân tai thị trường Việt Nam. Báo cáo đã chỉ ra rằng, vàng là lựa chọn đầu tiên của 68% nhà đầu tư, hơn bất kỳ sản phẩm nào khác. 81% những người đã mua vàng trong quá khứ đang cân nhắc mua thêm vàng khi cho rằng đây là sản phẩm đầu tư an toàn, phòng ngừa các rủi ro về kinh tế và chính trị, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 45%. Bên cạnh đó, vàng chiếm 4/10 sản phẩm đầu tư được mua trong thời gian khảo sát từ năm 2020.
Cũng theo báo cáo này, vàng vật chất vẫn chiếm lĩnh thị trường theo khảo sát của WGC, 29% đã mua vàng lượng hoặc vàng chỉ và vàng trang sức 24K, 25% đã mua vàng miếng.
Về phía các doanh nghiệp cũng đã cho ra mắt hình thức mới trong giao dịch vàng trên nền tảng số như áp dụng công nghệ kinh doanh và giữ vàng online, giúp người dân có thể dễ dàng mua bán hàng hoá này mà không cần đến cửa hàng, hạn chế tiếp xúc nhằm thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Mới nhất, qua Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, các nhà đầu tư có thể tăng cơ hội đầu tư, sinh lời bằng hình thức mua bán vàng vật chất trực tuyến thông qua ứng dụng eGold, nhằm rút ngắn thời gian và quy trình so với giao dịch truyền thống, cũng như giúp nhà đầu tư có thể giao dịch thuận tiện, an toàn, khi mọi giao dịch qua hình thức này đều là giao dịch thực, với tiền thực và vàng thực.
Hay như Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) mở rộng thêm tính năng dịch vụ mua bán vàng miếng SJC trực tuyến, cho phép khách hàng có thể gửi giữ hộ vàng trực tuyến song song dịch vụ gửi giữ hộ vàng truyền thống tại quầy, với hệ thống kho quỹ, két sắt an toàn, bảo mật đạt tiêu chuẩn quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ở góc độ cố vấn đầu tư và quản lý tài sản, anh Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành của Công ty AFA Capital, vàng đóng vai trò quan trọng tạo ra sự an toàn lâu dài. Đây là tài sản tài chính, có ở lớp tài sản bảo vệ cho khối tài sản của cá nhân, nhà đầu tư, không phải là lớp tăng trưởng.
Điều này có nghĩa là, khi phân bổ tài sản, đầu tư vào các hạng mục khác nhau như chứng khoán, khi thị trường rủi ro biến động với chứng khoán thì vàng là tài sản có tính bền vững.
Theo ông Trương Vi Tuấn, nhà quản trị website giavang.net, với tâm lý không bỏ trứng vào một rổ, vàng vẫn là kênh đầu tư không thể thiếu, kênh đầu tư đa tài sản. Mặc dù vàng đang bị cạnh tranh rất khốc liệt bởi thị trường bất động sản tăng mạnh và thanh khoản ở thị trường chứng khoán đạt mức kỉ lục. Vàng cũng bị cạnh tranh bởi thị trường tiền số, với cú bứt phá ấn tượng nhất gọi tên bitcoin.
Về triển vọng thị trường vàng khi bước sang năm 2022, ông Trương Vi Tuấn nhận định, tiềm năng đầu tư vào vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới; trong đó lạm phát là một yếu tố không thể không nhắc tới khi đầu tư sản phẩm này.
Lạm phát đang xuất hiện trên toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ khi lượng lớn tiền bơm ra trong giai đoạn dịch bệnh. Lúc này, vàng chính là tài sản phòng thủ mà nhà đầu tư dùng để phòng ngừa giá hàng hóa tăng và bảo toàn tài sản.
Giới phân tích còn cho rằng, triển vọng đối với dòng sản phẩm này còn phụ thuộc vào sự chuyển động của chính sách tiền tệ và tác động đối với đồng USD cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới.
Theo đó, sự bất ổn liên quan đến biến thể Omicron có thể khiến ngân hàng trung ương các nước ủng hộ chính sách nới lỏng tiền tệ hơn trong năm 2022, từ đó hỗ trợ cho giá vàng.
Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của Công ty RJO Futures nhận định, năm 2022 chắc chắn sẽ có lợi cho giá vàng, đặc biệt khi lạm phát cao có khả năng tiếp diễn.
Dù vậy, một số chuyên gia cảnh báo danh tiếng của vàng như một hàng rào đáng tin cậy trong việc chống lại lạm phát đang gặp rủi ro, khi các nhà đầu tư tìm thấy các lĩnh vực khác của thị trường có thể giúp họ tránh tác động từ giá tăng.
Theo TTXVN/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này