12:44 - 12/09/2024
Tăng trưởng tín dụng ì ạch, vốn vẫn chưa vào sản xuất
Xét về cơ cấu tín dụng, dòng vốn hiện nay vẫn chưa hỗ trợ nhiều cho các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dù đây là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Tín dụng trồi sụt
Năm nay, TTTD của hệ thống NH diễn biến khá gay cấn, tăng giảm đều bất ngờ. Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu TTTD 15%, và cũng cấp hết hạn mức tín dụng cho các NH ngay từ đầu năm để các NH rộng cửa cho vay.
Tuy nhiên 2 tháng đầu năm 2024, TTTD ghi nhận mức âm, giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Sau đó tín dụng bật tăng đáng kể và dương trở lại vào cuối tháng 3 đạt mức 1,34%. Hai tháng tiếp theo, tín dụng chỉ tăng thêm 1,07%, đến cuối tháng 5 ở mức 2,41%.
Trong bối cảnh 5 tháng đầu năm cho vay ì ạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành NH phấn đấu đến hết quý II/2024 phải đạt mức tăng trưởng 5-6%. Và thị trường đã chứng kiến tín dụng bứt tốc tăng trưởng đến 3,6% chỉ trong tháng 6, đáng chú ý riêng tuần cuối cùng của tháng 6 tín dụng tăng hơn 1,5%, hoàn thành chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 6 tháng đạt mức TTTD 6,1%.
Sự khởi sắc của tháng 6 tưởng sẽ là nền tảng để kỳ vọng tín dụng bứt tốc trong các tháng còn lại của năm nay, nhưng tháng 7 lại đi lùi, cuối tháng 7 chỉ tăng 5,66% so cuối năm 2023. Đến ngày 26/8, tín dụng đạt mức tăng 6,63%, vẫn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng 15% định hướng đầu năm cho cả năm.
Với mục tiêu TTTD định hướng 15%, dự kiến năm nay sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Tuy nhiên, thống kê từ các số liệu được công bố, tín dụng được bơm ra sau 8 tháng chưa đến 900.000 tỷ đồng và chủ yếu tập trung ở tháng 6.
Đáng chú ý, có những NH có mức TTTD thấp hơn mức TTTD chung, thậm chí tăng trưởng âm. Mới đây nhất, NHNN ra thông báo kể từ ngày 28/8, NH có tốc độ TTTD năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024, sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng.
Vốn chưa vào sản xuất kinh doanh
Vốn bơm ra vẫn còn thấp so với mục tiêu. Xét theo lĩnh vực, thống kê của NHNN tại cuối tháng 7 cho thấy, tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%; lĩnh vực công nghệ cao tăng 18,16%; tín dụng bất động sản (BĐS) tăng 4,6% so với cuối năm 2023, nhưng nếu tính giá trị tuyệt đối, cho vay lĩnh vực BĐS bao gồm cho vay phát triển dự án BĐS, vay mua nhà, thì số vốn đổ vào lĩnh vực này rất lớn, chiếm gần 1/4 lượng tín dụng bơm ra nền kinh tế các tháng đầu năm.
Cụ thể, tín dụng cho lĩnh vực BĐS đã vượt mốc hơn 3 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6/2024, chiếm tỷ lệ 21,4% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. So với cuối năm 2023, cho vay BĐS tăng gần 200.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng tăng khoảng 33.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm lượng vốn bơm vào các lĩnh vực sản xuất thấp hơn, như lĩnh vực công nghiệp hấp thụ thêm 171.850 tỷ đồng, còn lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng thêm hơn 33.500 tỷ đồng. Các báo cáo phân tích cũng chỉ ra trong 6 tháng đầu năm, những NH đẩy mạnh cho vay BĐS đều có mức TTTD vượt trội so với trung bình ngành.
Theo dự báo, cho vay BĐS vẫn sẽ còn tăng trưởng cao trong thời gian tới, đặc biệt là cho vay lĩnh vực kinh doanh BĐS. Một báo cáo của CTCP Xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) dự báo, thông thường các chủ đầu tư tận dụng dòng tiền trả trước từ khách hàng khi mở bán để tài trợ cho việc phát triển dự án.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các chủ đầu tư chưa thể mở bán dự án để tiếp cận nguồn vốn này, do đó sẽ phải sử dụng nợ vay mới. Từ đó, VIS Rating kỳ vọng dư nợ NH cho vay kinh doanh BĐS sẽ tăng 16-18% trong năm 2024.
Bên cạnh đó, phải kể đến việc năm nay các nhà băng liên tục đẩy mạnh cho vay trả nợ trước hạn đối với khoản vay tại NH khác, thông qua các chính sách lãi suất ưu đãi từ 4,6-6,2% trong vòng 18 tháng đầu, kèm theo ân hạn nợ gốc đến 2 năm. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc cho vay BĐS, hoạt động này có thể đã giúp cải thiện TTTD ở nhiều nhà băng. Song nếu vốn đi vào hướng này chỉ mới kích thích TTTD, còn tác động thực chất vào tăng trưởng kinh tế không nhiều.
Với mức tăng trưởng hiện tại, nhiều dự báo cho rằng tín dụng năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 14% trong kịch bản tăng trưởng GDP 6,5%. Đồng thời, vấn đề chất lượng tài sản của các nhà băng khi cho vay có những thời điểm tăng vọt cũng được lưu ý. Trước đó, lãnh đạo NHNN cũng nhắc nhở các NH về tín dụng tăng vọt bất ngờ và yêu cầu không TTTD bằng mọi giá, phải chú trọng chất lượng.
Đáp lại, lãnh đạo một số nhà băng cho biết tăng trưởng mạnh là do doanh nghiệp (DN) tập trung đàm phán, hợp đồng nửa đầu năm và chủ yếu ký kết từ giữa năm, phần lớn các hợp đồng tín dụng lớn cũng được giải ngân nửa cuối năm. Tuy nhiên, lo lắng về chất lượng tài sản, nợ xấu là điều vẫn chưa thể xóa bỏ được.
Trên tổng thể, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH cho biết, nửa đầu năm 2024 hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có dấu hiệu trầm lắng, các nhà băng tìm cách cho vay các lĩnh vực khác, kể cả tín dụng BĐS cũng là hiện tượng bình thường.
Điều này cũng hỗ trợ DN triển khai các công trình, dự án, từ đó vực dậy thị trường BĐS. Song tín dụng nên có tính chất hỗ trợ đồng đều hơn đối với các ngành nghề, vì DN BĐS tuy có tài sản thế chấp nhưng cũng có nhiều rủi ro. Sự thận trọng đối với lĩnh vực này sở dĩ luôn được các chuyên gia đặt ra bởi đòn bẩy tài chính của các DN BĐS cao gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu.
Một số liệu khác từ VIS Rating cũng cho thấy, trong quý I/2024, tỷ lệ đòn bẩy của các DN BĐS niêm yết có xu hướng tăng, chỉ số nợ vay/lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay tăng lên mức 3,4x từ mức dưới 2x trong giai đoạn trước năm 2022, do lợi nhuận ở mức yếu và dư nợ gia tăng.
Theo dự báo, cho vay BĐS vẫn sẽ còn tăng trưởng cao trong thời gian tới, đặc biệt là cho vay lĩnh vực kinh doanh BĐS. Bởi trước đây, thông thường các chủ đầu tư tận dụng dòng tiền trả trước từ khách hàng, nhưng hiện nay phần lớn các chủ đầu tư chưa thể mở bán dự án để tiếp cận nguồn vốn này, do đó sẽ phải sử dụng nợ vay mới.
Theo Cát Tường/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 12/9/2024
Có thể bạn quan tâm
Chuẩn bị xét xử vụ đại án kinh tế tại Ocean Bank
Chứng khoán sẽ ra sao phiên giảm sâu cuối tuần trước?
Mobile Money: Cơ hội và thách thức
Năm 2020, bỏ tiền vào vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm?
VN-Index bất ngờ mất mốc 1.200 điểm
Tags:tăng trưởng tín dụng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này