09:47 - 22/11/2024
Ổn định thị trường vàng, con đường còn dài?
Câu chuyện về thị trường vàng và quản lý thị trường vàng một lần nữa lại được hâm nóng tại nghị trường Quốc hội, rất nhiều đại biểu đã chất vấn khá cặn kẽ và Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng đã trả lời rất cụ thể.
Không khuyến khích người dân giữ vàng
Trong Chương trình Kỳ họp thứ 8, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể là NHNN đã thực hiện giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng để người dân từ bỏ tâm lý tích trữ vàng như thế nào? Tại sao NHNN chỉ bán vàng mà không mua? Tại sao chỉ triển khai bán vàng miếng tại Hà Nội và TPHCM mà không bán ở nơi khác để thuận lợi cho dân? Hiện tại đã là thời điểm thích hợp để thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng hay chưa? Cần làm gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế? Quan điểm của NHNN về việc nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng? Có nên để các doanh nghiệp làm trang sức mỹ nghệ được nhập vàng để phục vụ cho người dân, phục vụ cho nền kinh tế?
Đối với từng chất vấn, NHNN cũng đã có phần trả lời chi tiết. Điểm đáng chú ý của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, là để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế ở mức cao theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN đã chuyển sang phương án bán vàng SJC trực tiếp qua 4 NHTM Nhà nước.
Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu đồng/lượng. Cũng theo Thống đốc, nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế.
Vì vậy, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng. Trong quá trình quản lý thị trường vàng, NHNN đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an.
Từ năm 2014 đến nay, NHNN không cung vàng miếng ra thị trường, vì NHNN không sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh nhu cầu gia tăng, NHNN bán vàng và chưa đặt vấn đề mua lại. Còn đối với các NHTM khi bán vàng trong giai đoạn này, NHNN chỉ cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc ở địa điểm nào. Bản thân các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá nhu cầu của các tỉnh thành và mở các địa điểm mua bán vàng miếng.
Việc thành lập sàn vàng cũng có mặt tích cực là các giao dịch sẽ minh bạch; nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thành lập sàn vàng cũng cần đầu tư về cơ sở hạ tầng.
Quan điểm của NHNN để chống vàng hóa, NHNN không khuyến khích người dân nắm giữ vàng, và thực hiện các giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ. Nguồn đó nếu chuyển hóa sang Việt Nam đồng sẽ có cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hoặc gửi tiền vào ngân hàng để cho vay sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, tinh thần NHNN là không khuyến khích người dân trữ vàng, đặc biệt là vàng miếng. Vàng miếng có giá trị cao, nên Nhà nước có chính sách độc quyền để xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, kinh doanh vàng miếng.
Nhưng vẫn chưa ổn định
Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia kinh tế nói rằng, NHNN không mặn mà trong vấn đề người dân đầu tư vào vàng, vì đầu tư vào vàng làm mất nguồn vốn lẽ ra phải đi vào sản xuất kinh doanh, gây lãng phí nguồn lực.
Do vậy, NHNN cho phép các NH chỉ bán chứ không mua, khi có mua có bán sẽ tạo sự nhộn nhịp cho thị trường, từ đó có thể tiếp tục tạo ra sự bất ổn. Nói cách khác, NHNN cũng có lý khi tránh một cơn sốt vàng có thể ảnh hưởng tới các cân đối vĩ mô.
Tuy nhiên nhìn từ góc độ thị trường, việc người dân mua vàng hay giữ vàng cũng là nhu cầu chính đáng và hợp lý. Đặc biệt với những người không quen đầu tư vào các kênh khác như bất động sản, chứng khoán, thì vàng là phương thức tiết kiệm cho tương lai. Vì vậy về dài hạn NHNN nên đi tìm sự ổn định thật sự.
Hiện tại, thị trường vàng nhìn có vẻ ổn định, nhưng thật sự vẫn chưa có sự ổn định. Các giải pháp mà NHNN đang triển khai có hiệu quả trong vấn đề quản lý, nhưng lại đang bóp nghẹt thị trường, cụ thể là có sự tắc nghẽn trong câu chuyện cung – cầu.
Cụ thể, nhu cầu vàng miếng của người dân đang được 4 NHTM có vốn nhà nước và công ty SJC đáp ứng. Phương pháp bán vàng có nhiều cải tiến, từ xếp hàng bốc số trực tiếp đến đăng ký trực tuyến để giải tán đám đông tụ tập. Thế nhưng trên thực tế, việc đăng ký lúc được lúc không, dẫn đến xu hướng mua bán, trao đổi suất mua vàng miếng bình ổn nhộn nhịp trên các chợ mạng.
Và khi nhu cầu vàng không được đáp ứng trên thị trường chính thức, người dân đã chuyển sang giao dịch trên thị trường tự do, chấp nhận mua với giá cao hơn giá niêm yết tại SJC và các ngân hàng, cũng gây bất ổn trên thị trường.
Minh chứng là vàng miếng bị siết, nhà đầu tư và người dân tìm đến vàng nhẫn và làm dậy sóng thị trường này, giá vàng nhẫn có nhiều phiên vượt mặt giá vàng miếng trong bối cảnh giá thế giới tăng mạnh. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng nắm đằng chuôi, đẩy rủi ro về phía người mua khi có hiện tượng khi giá vàng giảm mạnh sẽ găm hàng không bán ra, khi vàng tăng mạnh lại hạn chế mua vào.
Thời điểm các cửa hàng vàng đẩy mạnh lực bán ra, chênh lệch giá mua – bán vàng cũng được nới rộng 3-4 triệu đồng. Bên cạnh đó, do hoạt động thanh kiểm tra, hàng loạt cửa hàng vàng đóng cửa gây khó khăn cho hoạt động mua bán vàng của người dân.
Hay với các quy định hiện hành, những sản phẩm vàng không có giấy tờ, hóa đơn dễ bị quy vào “vàng lậu” do không có nguồn gốc rõ ràng, trong khi tập quán mua bán vàng những năm trước đây lại không dùng hóa đơn, nên nhiều trường hợp muốn bán vàng cũng hết sức gian nan.
Theo Cát Tường/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 22/11/2024
Có thể bạn quan tâm
Đã đến lúc trả lại vàng cho thị trường
Tâm lý tiêu cực, thị trường đối mặt bán tháo
Tỷ giá USD hạ nhiệt sau tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp của NHNN
Hoa Sen Group sắp trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50%
Ông Trầm Bê: ‘Tôi vẫn ổn’
Tags:thị trường vàng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này