10:49 - 15/08/2024
Nợ xấu nhà băng tăng chưa thấy điểm dừng
Qua nửa đầu năm, lợi nhuận của ngành NH vẫn có nhiều điểm sáng dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khá chông gai. Tuy nhiên, riêng vấn đề nợ xấu, ngành NH vẫn đang đối mặt xu hướng gia tăng chưa thấy hồi kết.
Tỷ lệ nợ xấu đi lên
Bức tranh nợ xấu nửa đầu năm 2024 có vẻ không như kỳ vọng của các nhà băng hồi đầu năm. Tính đến thời điểm này, 29 NH đã công bố báo cáo tài chính, nhưng chỉ có 2 NH ghi nhận số dư nợ xấu giảm là SHB và PGBank.
Còn lại 27/29 NH đều ghi nhận nợ xấu tăng. Theo các thống kê, số dư nợ xấu của 29 NH tại thời điểm 30/6/2024 là 271.461 tỷ đồng, tăng thêm tổng cộng 46.719 tỷ đồng, tương ứng tăng 20,8% so với cuối năm 2023.
Về cụ thể, ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Vietcombank đã tăng từ mức 1,05% hồi đầu năm lên mức 1,2% vào cuối quý II/2024. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nợ xấu với 10.017 tỷ đồng, tăng gần 28%. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng tăng lần lượt 75% và 17,4%.
Tương tự, tổng nợ xấu của VietinBank đến cuối quý II/2024 ở mức 24.646 tỷ đồng, tăng 48% so với mức 16.608 tỷ đồng vào đầu năm nay. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,13% vào đầu năm lên 1,57%. Tổng nợ xấu của BIDV đến cuối quý II là 28.687 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,26% lên mức 1,52%.
Ở nhóm NHTMCP tư nhân có đến 9 nhà băng có số dư nợ xấu trên 3%. Trong đó, chất lượng nợ vay của BaoVietBank tiếp tục đi lùi khi tổng nợ xấu tính đến 30/6/2024 là 2.165 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 4% đầu năm lên 4,79%.
Cũng trong nửa đầu năm, tổng nợ xấu của VIB đã lên mức 10.201 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu lên 3,67%. Trong đó, nợ nhóm 5 là 4.205 tỷ đồng, tăng 91,3% so với cuối năm 2023. Một số nhà băng cũng đã có đà tăng vượt từ dưới ngưỡng lên khỏi ngưỡng 3% trong 6 tháng qua, như tỷ lệ nợ xấu tại ABBank vọt từ mức 2,91% lên 3,55%.
Hay OCB tăng từ 2,65% lên 3,12%, MSB tăng từ 2,87% lên 3,08%. Các NHTMCP khác tuy vẫn giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới ngưỡng 3%, tuy nhiên số dư nợ xấu đều tăng khiến tỷ lệ nợ xấu cũng tăng so với cuối năm 2023. Điều đáng chú ý nữa là nợ nhóm 5 của các nhà băng đều có xu hướng tăng mạnh trong nửa năm qua.
Trong một báo cáo gần đây, CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định, tình hình nợ xấu vẫn là một “điểm trừ” trong bức tranh chung của ngành NH trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, nợ xấu tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024, hoạt động cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn mạnh mẽ.
Theo ước tính của NHNN, tính tới cuối tháng 5/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các NH ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại không thay đổi nhiều so với cuối năm 2023, duy trì ở mức 6,9%.
Về nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN và Thông tư 02/2023/TT-NHNN, VDSC cho biết con số này tăng khá mạnh, với tổng giá trị nợ gốc và lãi tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023 lên 230.400 tỷ đồng. Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt vào cuối tháng 6-2024.
Khó khăn vẫn bao trùm
Nợ xấu tăng mạnh, ngành NH cũng đã có nhiều nỗ lực để xử lý khối nợ xấu nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống NH xử lý được 96.700 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ở mức cao, chiếm 48,9% tổng nợ xấu được xử lý.
Tiếp tục ứng phó với tình hình nợ xấu tăng lên, nhiều nhà băng cũng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro. Nửa đầu năm nay, VietinBank đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 21%, lên mức 7.817 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận trước thuế của NH chỉ còn 6.750 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.
BIDV dành 5.358 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 36% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro của Techcombank cuối tháng 6 đã lên mức 2.855 tỷ đồng, tăng 112,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ về vấn đề nợ xấu, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết đây đang là vấn đề lớn, NHNN rất quan tâm. Sau giai đoạn dịch Covid-19 và tiếp tục năm 2023 doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nợ xấu trở thành câu chuyện của nền kinh tế. Mặc dù cũng có những khoản vay trở thành nợ xấu do NH chưa phân tích đánh giá, đầy đủ hoặc không dự báo được rủi ro khi cho vay, nhưng về cơ bản nợ xấu là do những khó khăn chung của nền kinh tế, khiến khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm.
Hiện có rất nhiều những khoản vay ngắn, phải vài tháng sau mới biết có trả được nợ, có chuyển nhóm hay không, hay có những khoản vay trung và dài hạn phải đợi đến hết kỳ hạn mới có thể đánh giá đầy đủ.
Lãnh đạo NHNN cho biết, trách nhiệm xử lý nợ xấu là của chủ nợ (NH cho vay), nhưng bản thân bên đi vay (người dân, doanh nghiệp) cũng phải có trách nhiệm trả nợ, vì tiền vay là tiền huy động của người dân. NHNN sẽ có biện pháp tích cực hơn để xử lý nợ xấu, nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng trong thời gian tiếp theo cũng như đảm bảo nợ xấu trong tầm kiểm soát.
Tuy vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng nợ xấu dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong vài quý tới, do thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn bởi các nút thắt chưa hoàn toàn được tháo gỡ. Cụ thể là nợ xấu có thể sẽ đạt đỉnh vào quý III, hoặc chậm hơn có thể kéo dài đến quý IV.
Bên cạnh đó, tốc độ xử lý nợ xấu của các nhà băng có thể sẽ đình trệ, do khó khăn khi quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với khách hàng vay chây ỳ tại Nghị quyết 42 không còn được kế thừa ở Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Theo Cát Tường/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 15/8/2024
Có thể bạn quan tâm
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cạnh tranh với Alipay, WeChat Pay
Lừa đảo tiền ảo nở rộ ở châu Á
Đến lượt các ngân hàng lớn tăng lãi suất tiền gửi
Sàn HoSE lại bay mất gần 5,4 tỷ USD
Thị trường vàng sẽ ra sao vào năm 2022?
Tags:nợ xấu ngân hàng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này