10:33 - 24/02/2018
NHNN yêu cầu các ngân hàng rà soát quy trình sau vụ Eximbank
Văn bản được phát đi sau khi xảy ra việc sổ tiết kiệm của bà Chu Thị Bình bị bốc hơi 245 tỷ đồng tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TP.HCM.
Sau khi xảy ra sự việc sổ tiết kiệm của bà Chu Thị Bình bị bốc hơi 245 tỷ đồng tại Ngân hàng Xuất khập khẩu Việt Nam (Eximbank), tối 23/2, Ngân hàng Nhà nước đã ký văn bản gửi các ngân hàng yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.
Tại văn bản này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ các quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.
Bên cạnh đó các ngân hàng phải phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị, các cán bộ nghiệp vụ để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật cho cán bộ, nhân viên.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.
Phối hợp các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra đối. Thực hiện tốt công tác truyền thông để khách hàng nắm, tuân thủ các quy định, quy trình, bảo mật thông tin khách hàng và thực hiện các giao dịch tại ngân hàng đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra.
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ.
Khi xảy ra các vụ việc sai phạm, các vi phạm quy định của pháp luật, các ngân hàng phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng.
Đồng thời triển khai các biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Trước đó, từ năm 2013 đến năm 2014 bà Chu Thị Bình mở 3 sổ tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM. Trong đó một sổ hơn 49,2 tỷ đồng, một sổ tiết kiệm 4,4 tỷ đồng và một sổ khác có giá trị lớn nhất, 247 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tháng 3/2017 sau khi ông Lê Nguyễn Hưng – phó giám đốc chi nhánh – bỏ trốn, bà Bình được Eximbank thông báo và cung cấp chứng từ cho thấy các sổ tiết kiệm đã bị rút gần hết tiền từ lâu.
Đến thời điểm phát hiện, số tiền còn lại trong sổ tiết kiệm của bà Bình chỉ còn hơn 54 tỷ đồng.
Sao kê của ngân hàng cho thấy các sổ tiết kiệm của bà đã bị ông Hưng rút nhiều lần ở nhiều thời điểm, kéo dài từ năm 2014 đến 2016. Chẳng hạn sổ mở ngày 7/2/2013 bị rút 3 lần, tổng cộng hơn 56,5 tỷ, một sổ khác bị rút hơn 198 tỷ, một thẻ bị rút hơn 5,3 tỷ.
Đáng nói, số tiền bị rút những lần sau là để bù đắp cho các sổ đã bị rút trước đó nhằm tránh bị phát hiện. Tổng số tiền bà bị mất là 245 tỷ đồng.
Bà Bình đã gửi đơn đến cơ quan điều tra.
Ngày 2/2/2018 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An (C44) đã có văn bản trả lời đơn của bà Bình, trong đó thừa nhận ông Hưng đã lập các chứng từ giả mạo chiếm đoạt của bà hơn 245 tỷ đồng.
Bà Bình yêu cầu Eximbank bồi thường ngay số tiền này. Tuy nhiên, phía Eximbank muốn đưa sự việc ra tòa.
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này