15:49 - 08/09/2017
Nhiều rủi ro từ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 22%
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay được Chính phủ đề ra là 20-22%, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại mức tăng này sẽ khiến lạm phát và nợ xấu tăng cao.
Tại tọa đàm về triển vọng kinh tế Việt Nam do Ngân hàng HSBC Việt Nam tổ chức hôm 7/9, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết Thủ tướng đề nghị đưa mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay lên 20-22% (từ mức 18% được đề ra trước đó). Đây là mức tăng cao chưa từng có trong 5-7 năm qua.
Theo ông Trần Đình Thiên, không khó để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng này, nhưng câu hỏi đặt ra là “tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu gì?”.
Tăng trưởng tín dụng với mục tiêu 20-22% được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc cố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2017 sẽ không tác động đến tăng trưởng GDP năm 2017, mà tác động đến năm 2018. Trong khi đó, bài toán kinh tế đặt ra trong năm 2018 lại khác năm nay, ông Thiên cho biết.
Tiếp đến, khả năng hấp thụ tín dụng hiện nay không tốt, vì doanh nghiệp rất yếu nên năng lực chuyển hóa tín dụng thành tăng trưởng khá thấp, ông Thiên nói thêm và đưa ra dẫn chứng: đó là, đến nay số doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn 33%, giảm một nửa so với mấy năm trước.
“Phải cải thiện những thứ khác để tăng năng lực cho doanh nghiệp, khi ấy tăng trưởng tín dụng mới có ý nghĩa”, ông Thiên cho biết.
Về hiệu ứng của tăng trưởng tín dụng cao đối với toàn bộ nền kinh tế, các tính toán cho thấy 1% tăng trưởng tín dụng tác động đến tăng trưởng chỉ bằng 1/5 tác động lên lạm phát.
“Khả năng tác động lạm phát cao hơn rất nhiều, dẫn đến nguy cơ như cách đây 5 năm – thời điểm chúng ta bơm tiền cho tăng trưởng tín dụng quá nhiều nên tác động quá lớn đến lạm phát… Chúng tôi đề xuất với Thủ tướng là chỉ nên duy trì mức tăng trưởng tín dụng 18% trở xuống, nếu cao quá thì gây nguy hiểm cho lạm phát”, ông Thiên nói thêm.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế này cũng lo ngại về nguy cơ dòng vốn sẽ chệch hướng sang bất động sản khi tín dụng tăng trưởng nhanh. Bởi vì, năng lực đầu cơ tại Việt Nam khá cao, dễ dẫn đến tình trạng vốn chảy nhiều vào chứng khoán và bất động sản, khiến năng lực doanh nghiệp không tăng mà tăng rủi ro.
Cũng tại buổi tọa đàm, theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc khối dịch vụ ngoại hối và thị trường vốn tại ngân hàng HSBC Việt Nam, để đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 20-22%, đòi hỏi khoảng 600.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế trong 4 tháng cuối năm.
“Liệu nguồn tín dụng này có đi vào ngành nghề đang khuyến khích phát triển, hay vào lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản?”, ông Khoa nêu lo ngại.
Theo ông Khoa, hiện thanh khoản tiền đồng khá lớn, nhưng chủ yếu nhờ 160.000 tỉ đồng của Kho bạc Nhà nước đang gửi tại các ngân hàng. Từ nay đến cuối năm, Kho bạc Nhà nước sẽ đẩy nhanh giải ngân nên thanh khoản sẽ giảm đi.
“Vậy nguồn vốn từ đâu ra để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng? Nếu huy động từ dân cư thì sẽ đẩy lãi suất tăng lên. Không thể đánh đổi tăng trưởng ngắn hạn với tăng trưởng bền vững trong tương lai”, ông Khoa cho biết thêm.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, lãi suất trong năm nay tương đối ổn định do chính sách cắt giảm lãi suất của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ duy trì lãi suất như hiện nay trong những tháng còn lại của năm 2017. Hiện tiền đồng Việt Nam ổn định nhất trong khu vực ASEAN.
Nhìn chung năm nay không có áp lực đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhưng năm sau cần phải quan tâm (trước các diễn biến về lạm phát, nợ xấu – NV). Sẽ không có chuyện NHNN mua ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng như trước đây, mà sẵn sàng cho phá sản những ngân hàng như thế, ông Hải cho biết.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này