20:28 - 22/05/2018
Nhiều người vay tiêu dùng có cảm giác bị ‘lừa gạt’
Nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt.
TS Cấn Văn Lực cho rằng hiện quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện mới chiếm 17% tổng dư nợ năm 2017 (so với 20% của Trung Quốc hay 34% của ASEAN-5). Trong đó, dư nợ tín dụng của các công ty tài chính chỉ chiếm 8,2% tổng dư nợ.
Tuy nhiên, thị trường tài chính tiêu dùng lại đang tập trung vào 4 công ty lớn là FE Credit (50% thị phần), Home Credit (17%), HD Saison (13%) và Prudential Finance (8%) có thể dẫn đến rủi ro tập trung, khả năng thao túng cũng như hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng… Trong khi đó, kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao.
“Nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt. Điều này có ảnh hướng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các công ty tài chính phải liên tục gọi điện để đòi nợ. Từ đó làm mất thiện cảm đối với các công ty tài chính, cũng như gây bức xúc dư luận thời gian qua” – TS Cấn Văn Lực phân tích.
Do đó, theo vị chuyên gia này, giáo dục tài chính là điều rất quan trọng trong thời gian tới.
Một vấn đề khác theo vị chuyên gia này là thông tin mà các công ty tài chính cung cấp cho người tiêu dùng đôi khi chưa hoàn toàn minh bạch, rõ ràng. Như việc mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, đã nhận được nhiều khiếu nại của khách hàng “tố” các công ty tài chính. Phần lớn những phản ánh việc các công ty này đã không giải thích rõ ràng điều khoản của hợp đồng như lãi suất, thời hạn, mức phạt, hoặc nhân viên tư vấn cung cấp thông tin không chính xác, chưa đầy đủ… Ngoài ra còn có tình trạng người vay tiêu dùng bị đòi nợ liên tục, thái độ của một số nhân viên đòi nợ chưa đúng mực, dẫn đến mâu thuẫn, thiếu hợp tác từ phía người vay.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận đi kèm với những lợi ích của cho vay tiêu dùng là những rủi ro, mà rủi ro lớn nhất là đối với người cho vay. Trong hoạt động cho vay tiêu dùng, người cho vay chủ yếu chịu rủi ro hệ thống về vĩ mô như suy thoái kinh tế, rủi ro về lãi suất, rủi ro chính trị, môi trường kinh doanh… Các rủi ro này tác động đến khả năng chi trả của người đi vay qua đó tác động đến khả năng thu hồi nợ của người cho vay.
Chẳng hạn, rủi ro về lãi suất tăng. Các khoản vay tiêu dùng thường có lãi suất thả nổi nên nếu người tiêu dùng không có đủ kiến thức về tài chính, một khi có sự biến động lãi suất trên toàn hệ thống có thể làm cho chi phí các khoản vay tăng vọt, khiến người đi vay mất khả năng chi trả.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, trong dài hạn, hoạt động tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thiếu bền vững do tập trung nhiều vào một phân khúc khách hàng, không có tài sản thế chấp, thẩm định khách hàng chưa kỹ lưỡng… Và kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi nền kinh tế khó khăn, nợ quá hạn từ thẻ tín dụng và cho vay tiêu dùng thường tăng nhanh.
Trước những kiến nghị về hành lang pháp lý cần có những văn bản hoàn thiện hơn, ông Nguyễn Tú Anh cho biết Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình hoàn thiện hơn các văn bản pháp lý. Bởi tài chính tiêu dùng vẫn là vấn đề còn mới và không chỉ mới đối với khách hàng, cho người vay và cả cơ quan quản lý.
Theo Người Lao Động
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này