
12:24 - 23/11/2022
Nhà đầu tư ‘rót’ gần 3.300 tỷ đồng bắt đáy cổ phiếu Novaland
Cùng chịu áp lực bán giải chấp, nhưng phiên 22/11, cổ phiếu NVL (Novaland) đã nhận được lực cầu bắt đáy, trong khi cổ phiếu PDR (Phát Đạt) vẫn chưa thể “giải tỏa” được sức ép giải chấp kinh hoàng từ các công ty chứng khoán.
Trước phiên sáng 22/11, 2 mã CP bất động sản lớn này ghi nhận chuỗi lao dốc “không phanh” trước áp lực bán giải chấp từ các CTCK. Cụ thể, NVL có 13 phiên sàn, từ mức 70.000 đồng xuống còn 27.250 đồng (tương đương 61%); còn PDR có 12 phiên giảm sàn, từ 40.300 đồng xuống 17.100 đồng (tương đương 58%).
Trong các phiên lao dốc này, thanh khoản của 2 mã CP này xuống rất thấp, từ đó kéo theo áp lực bán giải chấp ngày càng tăng cao. Ở đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa sáng nay, tổng khối lượng CP đặt bán giá sàn và ATO của 2 mã CP này vượt mốc 200 triệu CP.
Lệnh bán khủng này khiến cho NVL nối dài mạch giảm sàn lên con số 14 phiên, còn PDR là 13 phiên. Khi giới đầu tư tiếp tục nghĩ đến viễn cảnh xấu nhất cho 2 mã CP này thì lực cầu bắt đáy bất ngờ “đổ ập” vào mã NVL. Chỉ trong một thời gian ngắn của phiên sáng, toàn bộ lệnh bán giá sàn hơn 100 triệu đơn vị của NVL đã được bên mua “quét sạch”.
Việc NVL nhận được dòng tiền bắt đáy khủng đã tạo nên “cơn địa chấn” với giới đầu tư. Thậm chí, bên cầm tiền còn tranh nhau mua vào với kỳ vọng NVL chính thức bước vào sóng phục hồi. Sự kỳ vọng này giúp cho NVL đảo chiều từ mức giá sàn 25.300 đồng lên giá xanh 28.300 đồng, tương đương biên độ 10%.
Không chỉ giúp cho NVL “giải tỏa” được sức giải chấp, lực cầu bắt đáy còn tạo sự phấn chấn lên thị trường chung. Cụ thể, sau khi NVL thoát sàn và chuyển xanh, VN Index cũng bật tăng mạnh lên chạm mốc 985 điểm, thanh khoản trong phiên sáng tăng vọt lên 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay trước khi kết thúc phiên sáng 22/11, mã NVL bất ngờ quay về mức giá sàn khi bên nắm giữ tung hàng loạt lệnh bán giá rẻ. Do vậy, dù kết phiên 22/11 với mức giá sàn nhưng NVL thiết lập được kỷ lục hơn 128,5 triệu CP được chuyển nhượng, tương đương 3.300 tỷ đồng.
Phiên 22/11, dòng tiền bắt đáy cũng xuất hiện ở mã PDR, nhưng không thể tạo nên sự “quật khởi” như NVL. Kết phiên 22/11, PDR tiếp tục giảm sàn xuống dưới mốc 16.000 đồng với 34,9 triệu CP khớp lệnh.
Thanh khoản của HoSE được hưởng lợi đáng kể nhờ dòng tiền bắt đáy NVL. Cụ thể, có hơn 1,05 tỷ CP được khớp lệnh thành công trong phiên 22/11, tương đương giá trị giao dịch đạt 16.672 tỷ đồng. Tính trên cả 3 sàn, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 18.200 tỷ đồng.
Chứng kiến cảnh NVL “quay xe” sau khi nhận được lực cầu bắt đáy, từ trạng thái hưng phấn, NĐT không còn giữ được bình tĩnh và đua lệnh bán do lo sợ hiện tượng Bulltrap. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho VN Index quay đầu giảm mạnh ở phiên chiều.
Chốt phiên 22/11, VN Index giảm 8,53 điểm (0,89%) xuống còn 952,12 điểm. Dù giảm điểm nhưng số mã tăng lại nhỉnh hơn với 251 mã xanh, so với 182 mã đỏ và 81 mã vàng.
Đóng góp tiêu cực vào phiên giảm điểm ngày 22/11 đến từ các mã trong rổ VN30 với 18/30 mã giảm, so với 11 mã tăng và 1 mã đi ngang. Cụ thể, nhóm CP khiến chỉ số chung mất điểm gồm: MSN, VIC, GAS, VCB, VHM, VJC, TCB, MWG, GVR.
Phía ngược lại, VN Index nhận được lực đỡ từ các mã lớn như: VNM, BID, BVH, FPT, PLX, SSI, STB, MBB.
Theo Hải Hồ/SGGP-ĐTTC
Có thể bạn quan tâm
Lãi suất cho vay cao nhất 11%/năm
Phía sau sự tăng trưởng tín dụng đột biến
Thị trường địa ốc ‘lành ít dữ nhiều’
[Báo cáo] Savills: Nhà đất Hà Nội và TP.HCM ‘cùng ế’
VN Index lùi về mốc 1.000 điểm
Tags:cổ phiếu novaland
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này