
11:11 - 25/07/2018
Ngoại tệ rung lắc, doanh nghiệp Việt ‘sụt sùi’
Từ đầu năm đến nay, giá USD tại Việt Nam tăng khoảng 1,5%. Dù mức tăng này chưa vượt khung 3%, nhưng cũng khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên, hàng hoá rục rịch tăng theo…

Nhiều hãng sữa ngoại rút lui trước đó, rồi giá ngoại tệ biến động, sữa nội bắt đầu té nước theo mưa?
Người tiêu dùng mua hàng đắt hơn
Từ cuối tháng 6, giá thép xây dựng tại thị trường phía Nam cũng được tăng thêm 200.000 đồng/tấn lên 14,2 triệu đồng/tấn (chưa có thuế giá trị gia tăng). Theo giải thích của ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc công ty Thép Việt, những đợt tăng giá bán ra vào đầu năm nay đều do giá nguyên liệu thế giới đi lên. Nhưng đợt tăng giá vào cuối tháng 6 hoàn toàn do giá USD tăng, nên doanh nghiệp phải “nhích” theo.
Hàng tháng, chỉ riêng Thép Việt phải nhập khẩu khoảng 84.000 tấn phế liệu. Với giá nhập khoảng 350 USD/tấn, mỗi tháng công ty này chi ra khoảng 29,4 triệu USD, tương đương 670 tỉ đồng. Chỉ cần giá ngoại tệ này lên thêm 1%, hiện công ty mỗi tháng phải chi thêm gần 8 – 9 tỷ đồng nữa để nhập đủ lượng phế liệu trên.Ông Thái lo ngại giá USD tăng sẽ khiến người tiêu dùng trong nước mua hàng đắt hơn, vì doanh nghiệp sẽ tăng giá bán ra. Tuy nhiên, nếu mức tăng quá cao, sức mua sẽ giảm hơn và doanh nghiệp gặp khó để bán hàng.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu đang hồi hộp ngóng chờ diễn biến thị trường ngoại tệ. Vì chắc chắn những hợp đồng nhập khẩu từ cuối tháng 7 trở đi phải chi trả theo tỷ giá USD trung bình 23.300 đồng/USD, tăng thêm 1% so với đầu tháng. Khi nguyên liệu, hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam tăng và, như hiệu ứng “domino”, kéo theo đồng loạt giá hàng hoá và dịch vụ khác trên thị trường. Đó là chưa kể, những doanh nghiệp đang vay vốn bằng ngoại tệ càng “sốt vó” khi giá USD liên tục đi lên. Thực tế này đã làm một số doanh nghiệp không những bay hết lời, mà còn rơi vào cảnh thua lỗ vì chênh lệch giá hối đoái vào cuối năm…
Theo tổng cục Thống kê, sau sáu tháng đầu năm nay cả nước xuất siêu 2,71 tỷ USD. Nhưng khối doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu tổng cộng 12,94 tỷ USD. Với mức tăng chỉ 1% của “đồng bạc xanh” từ cuối tháng 7 và nhiều chuyên gia dự đoán có thể còn biến động đến cuối năm, nếu vẫn tiếp tục nhập siêu, các doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị tâm lý đối phó chi phí đầu vào tăng nữa.
Cần chủ động dự phòng
Trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng vì giá USD tăng, hoạt động xuất khẩu sẽ được hưởng lợi. Thế nhưng, điều này chỉ áp dụng cho những đơn vị xuất đi ở các thị trường Mỹ, Canada, châu Âu… Trong khi đó, đồng nhân dân tệ (NDT) lại bị phá giá mạnh nhất.Chỉ từ tháng 6 đến nay, đồng tiền này đã giảm hơn 5% so với USD.Nhưng nếu so với tiền đồng, NDT đang tăng giá. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, điều này rõ ràng bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam, vì Trung Quốc là thị trường xuất siêu lớn nhất vào Việt Nam. Việc NDT mất giá so với tiền đồng sẽ thúc đẩy nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam nhiều hơn, khi hàng hoá rẻ hơn. Ngược lại, việc đó làm hạn chế xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt sang Trung Quốc. Những lô hàng đã chốt từ trước tháng 6 có lẽ không ảnh hưởng, nhưng từ nay đến cuối năm, chắc chắn giá sẽ thay đổi theo biến động giá trị của NDT.
Thế nhưng đó chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, theo ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc công ty thuỷ sản Cafatex, xuất khẩu vào Trung Quốc chắc chắn sẽ khó khăn hơn; vì khi NDT giảm giá, hàng hoá ở Việt Nam tự nhiên đắt hơn. Ngược lại, chưa chắc phía doanh nghiệp Việt được mua hàng giá rẻ hơn từ Trung Quốc.Hiện nay, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam lệ thuộc 60 – 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.Nếu các đối tác Trung Quốc không giảm giá bán, doanh nghiệp Việt chưa chắc tìm mua được ở chỗ khác rẻ hơn.
Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vẫn chưa có kịch bản ứng phó với biến động thị trường tiền tệ. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, chỉ số USD-Index (phản ánh biến động của đồng USD) trên thế giới từ đầu năm nay có xu hướng đi lên. Bản thân các doanh nghiệp đáng lẽ phải nhìn thấy trước và xây dựng kịch bản phù hợp.
“Nếu nhìn tích cực, hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn khi giá USD tăng, là cơ hội cho hàng trong nước. Dù vậy, hàng sản xuất trong nước bị ảnh hưởng vì giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao, bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi, gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Chúng ta gia nhập WTO hơn mười năm, muốn nền kinh tế hoạt động theo thị trường thì phải xem tỷ giá ngoại tệ biến động là điều bình thường. Doanh nghiệp Việt phải chủ động hơn để ứng phó kịp thời”, ông Hiển phân tích.
Lê Yến (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này