11:48 - 21/01/2022
Ngân hàng chạy đua huy động vốn
Đường đua lãi suất huy động tiết kiệm những tháng đầu năm 2022 trở nên sôi động hơn khi có thêm nhiều nhà băng công bố tăng lãi suất.
Mức cao nhất trên thị trường hiện nay là 11,6%/năm thuộc về Ngân hàng (NH) TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) áp dụng đối với tháng gửi đầu tiên trong kỳ hạn 15 tháng tiết kiệm Prime Savings, cao hơn mức cũ 1%/năm.
Lãi suất những tháng sau đó quay về mức 5,8%/năm. Khách hàng tham gia chương trình này có số tiền gửi tiết kiệm từ 300 triệu đồng trở lên. Đối với khoản tiết kiệm dưới 300 triệu đồng, lãi suất tiết kiệm tháng đầu tiên của kỳ hạn 15 tháng là 11,2%/năm, tháng sau là 5,6%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 10 – 10,6%/năm tháng đầu tiên, tháng sau giảm còn 5 – 5,3%/năm… Thông tin từ VPBank cho hay NH đang muốn huy động vốn từ sản phẩm này nên đã tăng lãi suất huy động tháng đầu tiên lên gấp đôi so với lãi suất của những kỳ hạn khác.
Trước đó, một số nhà băng cũng điều chỉnh tăng lãi huy động tiết kiệm tiền đồng từ 0,15 – 0,4%/năm. Chẳng hạn ngày 18/1, Techcombank tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn 36 tháng 0,3 – 0,4%/năm, lên 5,2 – 5,4%/năm tùy theo khách hàng trên hay dưới 50 tuổi.
Sacombank tăng lãi suất 0,1 – 0,2%/năm, mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng… SCB cũng vừa tăng lãi tiết kiệm thêm 0,15%/năm ở các kỳ hạn, mức lãi suất cao nhất của nhà băng này là 7%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Trường hợp khách hàng gửi tiết kiệm online, mức lãi suất cao nhất là 7,35%/năm.
Ngược lại, lãi suất giao dịch trên thị trường liên NH có chiều hướng giảm liên tục những ngày gần đây, khoảng 30 – 50% so với đầu tháng 1. NH Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên NH ngày 14/1 giảm từ 0,6 – 0,9%/năm so với đầu tháng 1.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm còn 0,98%/năm, 1 tuần còn 1,37%/năm, 2 tuần còn 1,64%/năm, 1 tháng ở mức 2,04%/năm, 3 tháng ở mức 2,18%/năm… Trong khi doanh số giao dịch tăng mạnh, ở kỳ hạn qua đêm tăng 14.000 tỷ đồng, lên 11.471 tỷ đồng; 1 tuần tăng gần 600 tỷ đồng, lên hơn 9.435 tỷ đồng; 2 tuần tăng 600 tỷ đồng, lên 1.139 tỷ đồng; 1 tháng tăng vọt gần 4.300 tỷ đồng, lên hơn 5.000 tỷ đồng; 3 tháng tăng 600 tỷ đồng, lên 3.120 tỷ đồng…
Tín dụng thêm 1,4 triệu tỷ đồng
Lý giải hiện tượng một số NH điều chỉnh lãi suất huy động hiện nay, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NH Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho rằng đó là nhằm đáp ứng kế hoạch khai thác vốn cũng như cơ cấu nguồn vốn giữa các kỳ hạn cho phù hợp.
Huy động vốn năm 2021 trên địa bàn TP tăng trưởng 8,5%, tương đương khoảng 3 triệu tỷ đồng nhưng không đồng đều giữa các quý. Quý 3/2021, tín dụng tăng trưởng thấp do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Qua quý 4/2021, khi mở cửa kinh tế, tăng trưởng mạnh hơn kéo tín dụng cả năm tăng 11,85%, đạt 2,8 triệu tỷ đồng. Đà này sẽ được kéo qua tháng 1 năm 2022 nhằm đáp ứng vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cá nhân tiêu dùng thời điểm cuối năm. “Hiện tại các NH đã bắt đầu nguồn vốn để chuẩn bị tham gia 2 chương trình lớn trong năm, đó là chương trình của NHNN về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm lãi, cơ cấu nợ… Đặc biệt, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2%, tối đa 40.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ ban hành Nghị quyết. Sau khi NHNN có văn bản hướng dẫn điều kiện, đối tượng cho vay, các NH sẽ triển khai nhanh để dòng vốn giá rẻ đi vào cuộc sống”, ông Lệnh cho hay.
Theo Nghị quyết 43 của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình hồi phục kinh tế – xã hội, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các NH thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua; cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng… Dư nợ tín dụng của gói hỗ trợ lãi suất này tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Năm 2021, với tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành NH là 13,53% so với cuối năm 2020, tương ứng lượng vốn bơm ra thêm hơn 1,243 triệu tỷ đồng, lên hơn 10,4 triệu tỷ đồng. Như vậy qua năm 2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành NH dự kiến 14% so với năm 2021, tương ứng lượng vốn đưa ra thị trường khoảng 1,46 triệu tỷ đồng, lên hơn 11,86 triệu tỷ đồng. Chính vì vậy mà các NH đã phải chạy nước rút trong việc huy động nguồn vốn cho vay.
Có thể bạn quan tâm
Vietcombank tiếp tục điều chỉnh phí dịch vụ ngân hàng
Khoảng 285.000 tỷ đồng trái phiếu tới kỳ đáo hạn trong năm 2023
Sắp có thẻ ATM gắn chip đầu tiên ở Việt Nam
Những doanh nghiệp chứng khoán minh bạch thông tin tốt nhất năm 2018
Các ngân hàng tiếp tục lãi lớn
Tags:lãi suất huy động
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này