11:10 - 07/11/2024
Muốn ‘lột xác’, Big 4 cũng cần trợ lực
Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, nhu cầu tăng vốn của 4 NHTM có vốn nhà nước luôn là một vấn đề cấp thiết, và nhóm này đang cần nhiều hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc nâng vốn điều lệ.
Nhu cầu tăng vốn cao
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank với số tiền 20.695 tỷ đồng, thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông nhà nước, từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Vietcombank.
Căn cứ quy định tại Điều 17 Luật 69/2014/QH13, với mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung này, Quốc hội sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định đầu tư vốn.
Hiện vốn điều lệ của Vietcombank thấp hơn nhiều so với VPBank, Techcombank. Cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Vietcombank là 11,05%, mức đảm bảo quy định nhưng thấp hơn so với nhóm các NHTMCP và thấp hơn nhiều các NH trong khu vực châu Á và Đông Nam Á.
Trường hợp Vietcombank phải chia cổ tức bằng tiền mặt đối với toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ, không được trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, hệ số CAR sẽ giảm xuống mức 6,28%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu của NHNN. Và không chỉ thiếu vốn năm 2024, Vietcombank còn thiếu hụt tới 118.166 tỷ đồng cả giai đoạn 2024-2026, nếu muốn đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo quy định hiện hành.
Tăng vốn không chỉ là câu chuyện riêng của Vietcombank. Trong phiên thảo luận tổ sáng ngày 26/10 về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, cũng là Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Agribank, cho rằng cần có cơ chế cho phép các NHTMCP nhà nước chủ động tăng vốn.
Bởi Agribank cùng với Vietcombank, VietinBank và BIDV là 4 NHTM có vốn nhà nước với dư nợ chiếm khoảng 44,5% toàn hệ thống, có vai trò dẫn dắt, thực thi chính sách tiền tệ rất tốt, là một công cụ rất quan trọng của NHNN để điều tiết thị trường, nhưng vốn điều lệ hiện nay còn thấp hơn một số NHTMCP.
Theo quy định, nếu muốn tăng trưởng tín dụng 10%/năm, mỗi năm các NH trong nhóm này phải tăng vốn trên 10.000 tỷ đồng. Nhưng muốn bổ sung vốn nhà nước từ 10.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải trình Quốc hội thông qua.
Cần cơ chế hỗ trợ
Hơn 10 năm nay, việc xây dựng một vài NH có quy mô tầm khu vực đã được đặt ra trong các đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Gần đây, tại buổi làm việc với các NHTMCP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc lại yêu cầu ngành NH phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất từ 2-3 NHTM nằm trong nhóm 100 NH lớn mạnh nhất trong khu vực châu Á. Ở thời điểm này, 3 NH kể trên vẫn nằm trong nhóm kỳ vọng, song năng lực toàn diện nhìn chung vẫn còn khó khăn.
Trên Bảng xếp hạng 500 NH mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2023 của The Asian Banker, TPBank vượt trội hơn so với các NH trong nước với thứ hạng 165/500, còn Vietcombank xếp hạng 190, MB hạng 221, Techcombank hạng 226, ACB hạng 230, VietinBank hạng 266, BIDV hạng 275, LPBank hạng 275, Agribank hạng 288.
Bảng xếp hạng này dựa trên 6 tiêu chí cùng với 14 yếu tố cụ thể về quy mô tài sản, tốc độ tăng trưởng, quản trị rủi ro, khả năng sinh lời, chất lượng tài sản và tính thanh khoản.
Cũng theo bảng xếp hạng này, NH xếp thứ 100 của khu vực là Hua Nan Bank (Đài Loan), có mức tổng tài sản 119 tỷ USD. Trong khi đó, tổng tài sản của Vietcombank chỉ khoảng 77 tỷ USD, tương đương 65% mức tổng tài sản của Hua Nan Bank. Như vậy cho thấy quãng đường để các NHTM Việt Nam tiến đến top 100 NH lớn mạnh nhất trong khu vực vẫn còn rất xa.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank nhằm nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm các tỷ lệ an toàn và hướng tới chuẩn mực quốc tế theo Hiệp ước Basel III, mở rộng hoạt động tín dụng, trong đó có các dự án quan trọng quốc gia có nhu cầu vốn lớn; tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng uy tín trong nước và quốc tế, vươn tầm khu vực theo mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành NH đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tuy nhiên để chủ động hơn, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn đề xuất, nếu 4 NHTM nhà nước năm nào cũng phải xin ý kiến các bộ ngành trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội thông qua sẽ tốn rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian của Quốc hội, vì vậy nên xây dựng một cơ chế cho phép các NHTM nhà nước được tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại.
Dẫu vậy, theo một chuyên gia kinh tế, muốn các NH này phát triển lớn mạnh hơn, không chỉ bổ sung vốn nhà nước mà cần tính đến việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại những NH đã cổ phần hóa xuống mức 65%, để lại thị trường 35% đưa vào niêm yết trên thị trường chứng khoán, trở thành NH công cộng, công ty đại chúng để tăng vốn.
Mức này cũng phù hợp với quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.
Chuyên gia này nhấn mạnh, hiện nay Nhà nước sở hữu 74,8% vốn điều lệ tại Vietcombank, 81% tại BIDV, nên nhà nước vừa muốn lấy cổ tức vừa muốn lành mạnh hóa các NH là điều rất khó. Thậm chí cho phép giữ lại vốn, không chia cổ tức để tăng vốn cũng chưa đủ để các NH này nhanh chóng trở thành “người khổng lồ”. Vì nguồn này cũng có giới hạn và phải trải qua nhiều thủ tục để xin tăng vốn.
Thời gian qua, các nhà băng này cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng vốn tự có, đáp ứng hệ số CAR và mở rộng hoạt động mà không cần giảm tỷ lệ sở hữu qua phát hành cổ phiếu. Nhưng nguồn vốn này không cố định và phải giảm dần theo thời gian.
Theo Thiên Minh/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 7/11/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này