10:06 - 29/05/2024
Mua nhà để ở làm ‘nóng’ ngân hàng
Trong khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh còn yếu, ngay cả khi mặt bằng lãi suất giảm thì tín dụng bất động sản, đặc biệt là cho vay mua nhà ở đã khởi sắc.
Đẩy mạnh cho vay nhu cầu thật
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều chỉ đạo thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ tín dụng bất động sản (BĐS), trong đó có cho vay BĐS với khách hàng cá nhân. Do đó, không chỉ lĩnh vực kinh doanh BĐS, nhiều ngân hàng cũng mạnh tay giảm lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân. Hiện nhiều ngân hàng có mức lãi suất từ 5%-7%/năm trong thời gian ưu đãi 2-5 năm.
Chị Lê Huyền (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, với 2 tỷ đồng tiết kiệm vừa đáo hạn ở mức lãi suất 3,5%/năm, chị quyết định rút ra để mua căn hộ 52m2 tại đường Nguyễn Thanh Sơn (TP Thủ Đức) với giá 3,8 tỷ đồng, đang có hợp đồng thuê 15 triệu đồng/tháng. Chị Huyền vay 1,8 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6,9%/năm trong 2 năm đầu tiên, sau đó cộng biên độ lãi suất tăng thêm 2,8%-3%. “Chi phí trả lãi thời gian đầu khoảng 12 triệu đồng/tháng. Như vậy, tiền cho thuê nhà có thể trang trải được lãi vay. Mỗi tháng tôi bù khoảng 15 triệu đồng để trả thêm tiền gốc nên cũng nhẹ nhàng”, chị Huyền nói.
Trong khi đó, anh Hưng Vượng (đang thuê nhà tại quận 7, TP.HCM) cho biết, vợ chồng anh quyết định mua căn hộ 60m2 tại dự án ở đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) giá khoảng 3,1 tỷ đồng. Mặc dù được vay đến 70% nhưng anh chỉ vay khoảng 1 tỷ đồng, được 2 năm đầu không trả gốc mà chỉ trả cố định 1%/năm. “Do mua nhanh nên được chiết khấu khoảng 200 triệu đồng, tính ra căn hộ còn khoảng 2,9 tỷ đồng. Đến tháng 6/2024 nhận nhà, tiết kiệm được 12 triệu đồng/tháng tiền thuê, gom đó dành trả lãi và trả tiền nhà sau này. Ngân hàng cho biết, sau 2 năm ân hạn, lãi suất thả nổi khoảng 10%/năm so với năm trước ở mức 11%-12%/năm thì vợ chồng vẫn kham được”, anh Vượng chia sẻ.
Dữ liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, trong quý I/2024 có khoảng 6.200 giao dịch, tăng 8% so với quý IV/2023 và gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhiều giao dịch ở phân khúc chung cư, nhà phố. Còn tại đại hội cổ đông mới đây, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết, hiện dư nợ BĐS của Sacombank khoảng 100.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ cho vay, nhưng phần lớn là cho vay BĐS cá nhân, còn dư nợ cho vay BĐS dự án chỉ có 9.000 tỷ đồng. Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, cũng cho biết, ngân hàng không tập trung cho vay các nhà phát triển BĐS mà chỉ cho cá nhân vay tiền mua nhà – đất. Cho vay mua nhà ở mức dưới 22% trên tổng dư nợ của ACB và nợ xấu chỉ ở mức khoảng 1%…
Cao hơn tín dụng toàn ngành
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, thông tin, trong 4 tháng đầu năm 2024, tín dụng cho vay BĐS với mục đích để sử dụng như: mua nhà để ở, xây và sửa chữa nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở… chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 68% trong tổng dư nợ BĐS trên địa bàn. “Tín dụng BĐS tại TP.HCM tăng tích cực ngoài gắn liền với diễn biến và sự phát triển của thị trường còn do chính sách tín dụng và lãi suất thấp đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn trong lĩnh vực này”, ông Nguyễn Đức Lệnh đánh giá.
Tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 0,75% so với cuối năm 2023, tương ứng mức thu hẹp gần 101.393 tỷ đồng nhưng tín dụng BĐS tăng 0,23%. Số liệu của NHNN cũng cho biết, tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt gần 1,114 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20.700 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tăng tương đương 1,86%). Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS cao hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, tín dụng BĐS tại nhiều ngân hàng thương mại tăng tích cực dù thị trường chung vẫn còn nhiều khó khăn. Báo cáo tài chính quý I/2024 từ 11 ngân hàng thương mại có thuyết minh vay theo ngành, dư nợ cho vay BĐS đạt khoảng 630.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023.
Theo Hạnh Nhung/SGGP
Ngày đăng: 29/5/2-24
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này