08:38 - 04/09/2024
Liệu có ‘vỡ nợ’ trái phiếu doanh nghiệp?
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có dấu hiệu hồi phục sau khi các bộ, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sửa đổi quy định pháp luật, tăng cường quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động trên thị trường.
Tuy nhiên khó khăn vẫn còn ở phía trước, từ việc đáo hạn phiếu doanh nghiệp nghiệp (TPDN) cũ cho đến TPDN mới cũng chỉ nằm ở ngân hàng (NH) là chính, nên dòng tiền chưa thực sự đưa vào nền kinh tế.
Chỉ mới khai thông phần nổi
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, lũy kế 7 tháng đầu năm có 174 đợt phát hành TPDN riêng lẻ thành công với khối lượng 161.500 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổ chức tín dụng phát hành hơn 109.000 tỷ đồng, chiếm 67,5% khối lượng phát hành; DN bất động sản (BĐS) phát hành gần 38.700 tỷ đồng, chiếm 24%; các DN lĩnh vực còn lại phát hành 13.800 tỷ đồng, chiếm 8,5%.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Thị trường TP Việt Nam, lũy kế từ đầu năm đến ngày 9/8, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận 196.542 tỷ đồng, trong đó có 11 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.773 tỷ đồng, chiếm 6% tổng giá trị phát hành; và 187 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 184.769 tỷ đồng, chiếm 94% tổng số.
Phát biểu tại hội thảo “Phát triển thị trường TPDN hướng tới chuyên nghiệp, bền vững” mới đây, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đánh giá sau những “biến cố” nay thị trường TPDN đã phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn thách thức. Lượng phát hành mới tăng so với mức nền thấp của 2 năm trước, và tăng do chủ yếu NH phát hành, còn DN sản xuất vẫn phát hành rất ít (dưới 1%).
Nói cách khác, việc phục hồi diễn ra không đồng đều. Bên cạnh đó, phát hành riêng lẻ vẫn chiếm số đông, nguyên nhân đến từ 2 yếu tố là thủ tục phát hành ra công chúng khá phức tạp, và nhiều DN không muốn công khai minh bạch. Niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) cũng chưa thật sự phục hồi sau những sai phạm nghiêm trọng trên thị trường. Đồng thời, TPDN chậm thanh toán còn cao.
Theo thống kê, TPDN chậm thanh toán đến tháng 7 ước khoảng 209.800 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ TPDN toàn thị trường, trong đó nhóm ngành BĐS chiếm 68%.
Ở góc độ quản lý, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), cũng nêu ra nhiều hạn chế của thị trường. Chẳng hạn, cơ cấu NĐT chưa đa dạng, số lượng tài khoản NĐT cá nhân hiện chiếm 99,73% tổng số tài khoản đăng ký.
Bên cạnh đó, chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn hạn chế, có hiện tượng lách quy định NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, không cung cấp đầy đủ thông tin về TPDN, mời chào NĐT chuyển tiền gửi tiết kiệm sang mua TPDN, sản phẩm tiết kiệm linh hoạt; thiếu các tổ chức trung gian, độc lập đủ uy tín tham gia vào quá trình xếp hạng tín nhiệm DN, định giá TPDN.
Đặc biệt, nhiều DN phát hành TPDN có tình hình tài chính không ổn định, thiếu minh bạch về thông tin tài chính hay gặp khó khăn về dòng tiền, và sản xuất kinh doanh không trả được nợ khi đến hạn, gây thiệt hại cho các NĐT.
Lo nhất là BĐS
Theo giới phân tích, thị trường TPDN thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với khá nhiều thách thức. Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị TP sẽ đến hạn là 128.333 tỷ đồng, và có đến 41,6% giá trị TP sắp đáo hạn thuộc nhóm BĐS với khoảng 53.370 tỷ đồng, theo sau là nhóm NH với gần 19.098 tỷ đồng (chiếm 14,9%).
Với nhóm NH cơ bản khá an toàn, vì mục đích sử dụng vốn rõ ràng, dùng tăng vốn cấp 2 để đảm bảo an toàn vốn theo Basel II, và được quản lý chặt chẽ bởi các hệ số an toàn của NHNN, được kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, với nhóm BĐS, câu chuyện về khả năng trả nợ vẫn là vấn đề lớn. Trước đó trong năm 2023, đã có 139 DN chậm thanh toán gốc, lãi TP với tổng giá trị khoảng 83.600 tỷ đồng. Phần lớn các DN này hoạt động trong lĩnh vực BĐS (chiếm 50,7%).
Báo cáo mới đây của Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), trong tháng 8, khoảng 7.300 tỷ đồng trong số 18.600 tỷ đồng TP đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn, chủ yếu từ các ngành BĐS dân cư và năng lượng. Trong 12 tháng tới, khoảng 20% trong tổng giá trị 259.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn có rủi ro cao bị chậm trả; 90% trong số đó đã từng chậm trả lãi ít nhất một lần và đang có tỷ lệ đòn bẩy rất cao, nguồn tiền mặt thấp.
Trước câu chuyện áp lực đáo hạn đối với TP BĐS, giải pháp khắc phục cơ bản nhất là DN nào không thể trả được nợ, tình trạng quá tệ thì cho phá sản, và NĐT cần học cách chấp nhận rủi ro, thiệt hại.
Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, câu chuyện đáo hạn TP BĐS đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất vào giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8/2023, thị trường chưa có Nghị định 08, cho phép đàm phán giãn, hoãn nợ. Còn hiện tại đã vượt qua nhờ có Nghị định 08. Năm 2024, lượng TPDN đáo hạn khoảng 213.000 tỷ đồng, trong đó nhóm BĐS chiếm 37% (hơn 70.000 tỷ đồng), nhưng về cơ bản do có Nghị định 08 nên các DN đã đàm phán với trái chủ, 60% DN đã gia hạn được 2 năm. Nếu gia hạn giữa năm ngoái, điểm rơi trả nợ sẽ vào giữa năm 2025.
Khả năng vỡ nợ TPDN thấp
Thời gian vừa qua DN cũng chủ động mua lại một phần TP theo hợp đồng, nên lượng phải mua lại cũng giảm dần và cũng đã phát hành trở lại, từ đó họ sẽ có tiền để đảo nợ. Nhiều DN cũng đã bán tài sản để trả nợ, và NĐT cũng hợp tác trong việc giãn, hoãn nợ, nên áp lực sẽ tiếp tục được hóa giải.
Vì vậy, TS Cấn Văn Lực khẳng định, hiện tượng để vỡ nợ TPDN sẽ rất ít khả năng xảy ra. Trường hợp quá khó khăn, DN mới buộc phải phá sản, thế nhưng nếu DN có nợ TP, việc phá sản sẽ vô cùng phức tạp. Vấn đề đặt ra hiện nay là Nghị định 08 đã hết hiệu lực, quay lại thực hiện Nghị định 65 thì có cho phép giãn, hoãn nợ hay không là vấn đề cơ quan quản lý phải làm rõ. Như đã nói, điểm rơi của các hợp đồng đàm phán sẽ vào khoảng giữa năm 2025.
Trong bối cảnh Nghị định 08 hết hiệu lực, giải pháp tháo gỡ được TS Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings, đề xuất là phải tháo gỡ pháp lý BĐS. Khi tháo gỡ được vấn đề này, cục nợ TPDN có thể xử lý trong khoảng 2-3 năm. Vì nguồn tiền lớn nhất của DN BĐS không phải là tiền vay NH hay TPDN, mà là tiền từ khách hàng. Từ quan điểm này, ông Thuân cho rằng, ngoài việc hỗ trợ giải cứu TPDN, giải pháp phục hồi thị trường BĐS cũng rất quan trọng.
Chủ trương của Chính phủ là khuyến khích phân khúc nhà cấp trung và thấp. Vì vậy chúng ta cần ưu tiên tháo gỡ, phát triển phân khúc này, từ đó khơi dòng vốn để DN hồi phục lại. Đây là cách gián tiếp gỡ, để thị trường vốn hạ cánh mềm và bắt đầu đi vào chiều sâu.
Theo Thiên Minh/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 4/9/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này