09:25 - 07/09/2020
Lãi suất tiếp tục đi xuống
Kết thúc cuộc họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc định hướng ngành ngân hàng (NH) tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có.
Thủ tướng yêu cầu NH Nhà nước phải sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến.
Thực tế, mặt bằng lãi suất trên thị trường thời gian gần đây tiếp tục giảm nhẹ. Từ đầu tháng 9, NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã giảm lãi suất huy động tiền đồng từ 0,2 – 0,5%/năm, cụ thể kỳ hạn 2 – 5 tháng còn 2,9%/năm; 6 tháng còn 4,4%/năm; từ 7 – 11 tháng còn 4%/năm; 12 tháng là 4,6%/năm.
Mức lãi suất này thấp hơn cả 4 nhà băng lớn (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) vừa giảm trước đó, cụ thể kỳ hạn 1 tháng ở 3,5%/năm, 3 tháng ở 3,8%/năm, 6 tháng 4,4%/năm, 12 tháng là 6%/năm… Theo NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lãi suất huy động tiền đồng của các NH trên địa bàn tháng 8 giảm ở các kỳ hạn, trong đó khối NH thương mại nhà nước giảm từ 0,15 – 0,55%/năm, còn NH thương mại cổ phần giảm từ 0,11 – 0,48%/năm, khối NH liên doanh và nước ngoài giảm khoảng 0,1 – 0,61%/năm. Lãi suất huy động tiền đồng phổ biến ở 3,8 – 4,11%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng, từ 6 – 12 tháng từ 4,35 – 6,99%/năm; từ 12 tháng trở lên từ 6 – 7,1%/năm.
Mặc dù lãi suất giảm nhưng tốc độ huy động vốn của các NH vẫn tăng 0,38% so với tháng trước, đạt hơn 2,663 triệu tỉ đồng, tăng 4,55% so với cuối năm 2019 và tăng 11,66% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân chiếm tỷ trọng 51,3% tổng huy động, tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 6,27% so với cuối năm 2019; phần còn lại hơn 1,1 triệu tỷ đồng là tiền gửi tiết kiệm dân cư, chiếm tỷ trọng 41,4% tổng vốn huy động, tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 0,35% so với cuối năm 2019.
Lãi suất giao dịch của các NH trên thị trường liên NH đầu tháng 9 giảm 0,1 – 0,9%/năm tùy kỳ hạn và ở mức sát 0%/năm. Cụ thể, lãi suất giao dịch của các NH ngày 3.9 kỳ hạn qua đêm ở mức 0,16%/năm, 1 tuần 0,26%/năm, 2 tuần 0,3%/năm, 1 tháng 0,47%/năm, 3 tháng 1,53%/năm, 6 tháng 3,44%/năm… Điều này cho thấy thanh khoản của các NH hiện nay khá dồi dào.
Lãi vay giảm, tín dụng vẫn tăng chậm
Lãi suất huy động giảm đã giúp các nhà băng điều chỉnh giảm lãi đầu ra. Các NH thương mại cổ phần giảm lãi suất phổ biến khoảng 0,23%/năm đối với những khoản vay ngắn, nhưng lại tăng nhẹ 0,14%/năm các khoản vay trung dài hạn. NH liên doanh và nước ngoài giảm lãi suất cho vay từ 0,58 – 0,74%/năm đối với những khoản vay sản xuất kinh doanh thông thường. Mức lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh từ 8 – 8,81%/năm kỳ hạn ngắn và 9,87 – 10,34%/năm ở trung dài hạn. Riêng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất vay tối đa 5%/năm; còn những khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản được áp dụng ở mức cao 12%/năm.
Dù vậy, tăng trưởng tín dụng của các NH trên địa bàn TP.HCM tính đến cuối tháng 8 vào khoảng 3,68% so với đầu năm, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (năm 2019 là 8,62%, năm 2018 là 10,92% và năm 2017 là 12,41%), đạt khoảng 2,38 triệu tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết các NH vẫn đang tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến cuối tháng 7, các NH đã hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp đến hơn 240.000 khách hàng lên hơn 583.157 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn của Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận xét dư địa giảm lãi suất huy động hiện nay rất thấp, phụ thuộc vào mức lạm phát đặt ra. Lạm phát năm nay dự kiến 4%, lãi suất huy động vào khoảng 6%/năm là hợp lý vì đạt mức kỳ vọng của người gửi tiền; nếu thấp quá, dòng tiền có thể chảy qua các kênh như vàng, chứng khoán. Các NH phải chi phí cho vận hành, quản trị rủi ro… vào khoảng 3% nữa nên mức lãi suất cho vay như hiện nay đã hợp lý. Tuy nhiên, đó là công thức chung, mỗi NH có thể điều chỉnh được chi phí vốn đầu vào của mình hay không phụ thuộc vào cơ cấu nguồn tiền huy động, NH huy động vốn nhiều với mức lãi suất thấp thì có thể điều chỉnh mức lãi huy động giảm.
Vừa qua, NH Nhà nước đã gia hạn thời gian thực hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn kéo dài thêm 1 năm, các NH được phép giữ tỷ lệ này ở mức 40% thay vì 37% theo quy định cũ. Điều này, theo ông Nguyễn Trí Hiếu là giúp NH “dễ thở” hơn trong việc huy động vốn cũng như sử dụng vốn rẻ, tránh được việc các NH tăng lãi suất trung dài hạn để đảm bảo tỷ lệ này trong bối cảnh tín dụng đầu ra tăng chậm. Việc điều chỉnh gia hạn thực hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tác động gián tiếp đến việc giảm lãi suất cho vay. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp như hiện nay, các NH không những giảm lãi cho vay mới mà những khoản cũ cũng cần tính toán giảm hỗ trợ khách hàng vượt qua dịch Covid-19.
Có thể bạn quan tâm
GS Đặng Hùng Võ: Người nhiều tiền ở Việt Nam thích cái gì độc nhất vô nhị
Chưa cải cách chính sách tiền lương trong năm 2022
Chính phủ xin lùi thời hạn sửa Luật Đất đai
Bán tháo hoảng loạn, chứng khoán lao dốc
Cổ phiếu ngân hàng hụt hơi
Tags:lãi suất
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này