10:21 - 13/05/2022
Không đóng sập cánh cửa vốn cho bất động sản
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện tín dụng vào BĐS đã được kiểm soát chặt chẽ, và thời gian tới sẽ kiểm soát chặt hơn nữa nhưng chỉ tập trung vào các dự án lớn có tính rủi ro cao. Riêng tín dụng phục vụ nhu cầu chính đáng cho người dân mua nhà, đất để ở thì vẫn được ưu tiên.
Không cào bằng
Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại (NHTM) ngưng giải ngân cho vay BĐS vì hạn mức tín dụng trong quý 1/2022 gần như đã kín, ưu tiên dành cho các lĩnh vực khác. Nhiều NHTM cũng cho biết, sẽ kiểm soát chặt hơn tín dụng đối với những dự án BĐS biệt thự, khu nhà nghỉ dưỡng… vì thanh khoản của phân khúc này trong tương lai thấp.
Chị Thùy Tiên (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, chị có mua căn hộ khách sạn (condotel) của một dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. Theo tiến độ, chị đã đóng 30% tổng giá trị tài sản, tháng 6 này đến hạn tiếp tục trả thêm 30%. Tuy nhiên, do NHNN yêu cầu các NHTM kiểm soát chặt tín dụng đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS nên NHTM vừa cho biết sẽ chưa giải ngân cho nhà đầu tư vay.
“Nếu NHTM không cho vay thì tôi không biết xoay tiền đâu để đóng theo tiến độ. Nếu không đóng thì vi phạm hợp đồng và sẽ bị trả tiền phạt đóng chậm cộng lãi suất trả chậm. Mà bây giờ hủy hợp đồng thì tôi sẽ bị mất cọc nên chưa biết phải xử lý thế nào”, chị Thùy Tiên lo lắng.
Trong khi đó, một số NHTM vẫn đảm bảo giải ngân các khoản vay đối với BĐS tiêu dùng vì phân khúc này nhu cầu lớn và tính thanh khoản cao. Thậm chí có ngân hàng vẫn “cởi mở” cho vay đối với các dự án BĐS cao cấp.
Cụ thể, tại dự án Grand Marina SaiGon (quận 1, TP.HCM) có giá bán khoảng 35 tỷ đồng/căn hộ 84m², được Techcombank cho vay đến 100% giá trị căn hộ. Đồng thời, nếu khách hàng có tài sản BĐS thế chấp tương đương 40% giá trị căn hộ thì được miễn lãi suất trong 24 tháng.
Nhiều NHTM cũng cho biết, vẫn cho vay BĐS nhưng không cào bằng. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, tín dụng BĐS tại OCB có cả cho vay kinh doanh lẫn tiêu dùng. Tuy nhiên, những dự án BĐS mà OCB cho vay phần lớn là của đối tác, tạo nguồn hàng tiếp tục cho khách hàng cá nhân vay mua nhà thông qua liên kết với chủ đầu tư.
“Dù chính sách chung là hạn chế cho vay BĐS, nhưng chủ yếu là siết về giải ngân đầu tư, kinh doanh nhà đất, còn nhu cầu vay mua, xây – sửa nhà ở của người dân vẫn được khuyến khích”, ông Tùng cho biết.
Là ngân hàng có dư nợ tín dụng BĐS khá cao trong ngành, nhưng ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank, cho biết, 5 năm qua, Techcombank chưa gặp vấn đề nào về các khoản vay BĐS nên sẽ tiếp tục duy trì cho vay.
“BĐS hiện là lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế, nguồn cung nhà ở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hiện “siết” tín dụng BĐS nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, còn trong dài hạn, chúng tôi kỳ vọng có những cơ hội đầu tư tốt cho người dân Việt Nam”, ông Jens Lottner nói.
Đa dạng nguồn vốn
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nếu kiểm soát cả nguồn vốn tín dụng lẫn nguồn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường BĐS, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả ngân hàng… đều có thể gặp khó khăn. Bởi lẽ, tín dụng hiện là nguồn vốn mồi quan trọng và chủ yếu của các doanh nghiệp BĐS trong bối cảnh thị trường vốn của Việt Nam đang rất hạn chế. Việc “đóng sập cửa” ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến các dự án đang triển khai dang dở, từ đó khiến nguồn cung khan hiếm.
Mới đây, trong văn bản báo cáo Chính phủ, bên cạnh việc đưa ra cảnh báo nhiều doanh nghiệp BĐS huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu với quy mô lớn, lãi suất cao sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị một góc nhìn khác. Đó là cần đánh giá lại Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo hướng phân rõ đối tượng phát hành, cần có sự ưu tiên hoặc hạn chế khác nhau.
Trên thực tế, nhằm thích nghi với dòng vốn tín dụng dành cho BĐS eo hẹp hơn trước, nhiều doanh nghiệp BĐS đã linh hoạt tìm cách để thực hiện dự án. Đại diện TTC Land cho biết, các dự án khả thi, có đủ điều kiện về pháp lý hoàn toàn có thể thuyết phục các tổ chức tín dụng cũng như đối tác hỗ trợ vốn.
Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Nam Long cũng cho biết, với dự án đầy đủ pháp lý, quy hoạch và được cấp phép bán thì các ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện với chính sách cho vay không thay đổi. Để đa dạng nguồn vốn thực hiện dự án, doanh nghiệp này vừa hợp tác với các đối tác Nhật Bản, tổ chức tài chính quốc tế để cùng phát triển dự án, hỗ trợ tài chính. Một số doanh nghiệp BĐS khác cũng đã huy động, khai thác được nguồn vốn nước ngoài. Bằng chứng là qua thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2022, BĐS đứng thứ 2 trong số các lĩnh vực thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư gần 2,7 tỷ USD, chiếm khoảng 30,3% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.
Theo Nhung Nguyễn/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này