
15:04 - 17/07/2017
HSBC ‘tháo chạy’ khỏi Techcombank?
Ước tính HSBC lãi khoảng 700 tỷ đồng, khoảng 15,6%, cho khoản đầu tư 12 năm vào Techcombank, nhiều chuyên gia cho rằng đây thực sự là khoản đầu tư tồi.
Tháng 12/2005, HSBC đầu tư vào Techcombank bằng cách mua 10% vốn cổ phần của ngân hàng này. Đến tháng 7/2007, HSBC tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu tại Techcombank lên 15% và đến năm 2008 nâng tỷ lệ sở hữu lên 19,4%.
Với giá trị hiện nay khoảng 5.170 tỷ đồng (theo thị giá của Techcombank hiện tại khoảng 30.000 đồng/cổ phần). Nếu đạt được con số này, HSBC sẽ có lãi 700 tỷ đồng cho khoản đầu tư 12 năm.
Mất dần quyền kiểm soát
Trong giai đoạn đầu HSBC đã cử nhiều quản lý cao cấp sang ngân hàng này nhằm hỗ trợ chuyển giao kiến thức chuyên môn về quy trình hoạt động. Những quản lý này cũng tham gia sâu vào nhiều hoạt động hàng ngày của Techcombank.
Với thế mạnh về hoạt động trên toàn cầu, HSBC đã đóng góp vào quá trình chuyển đổi Techcombank từ một ngân hàng nội địa truyền thống trở thành một trong những ngân hàng cổ phần năng động nhất về mảng bán lẻ.
Tuy nhiên, kể từ năm 2012, vai trò của HSBC dần giảm thiểu và thông báo thoái vốn khỏi Techcombank khi ngân hàng này đang có lãi. Năm 2016, Techcombank thu về gần 3.150 tỷ đồng lãi ròng, lãi lũy kế lên tới 5.489 tỷ đồng.
Bình luận về quyết định thoái vốn của HSBC tại Techcombank, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội cho biết, có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân lớn nhất là do HSBC thực sự không kiểm soát được đồng vốn của mình.
Với những thoả thuận sẽ thay đổi cũng như cùng nhau quản trị Techcombank để trở thành 1 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, dù HSBC đã điều rất nhiều nhân sự cao cấp vào giữ những vị trí then chốt của Techcombank sau khi tăng vốn lên 20%, nhưng việc thay đổi và kiểm soát đồng vốn của mình gần như là không thể.
“Ví dụ như việc đầu tư mua toà nhà trụ sở Vincom Bà Triệu, HSBC là cổ đông lớn và đầu tiên phản đối, nhưng việc mua bán vẫn diễn ra rất bình thường và chóng vánh tại thời điểm gần như Techcombank đang ở giai đoạn khó khăn nhất”, vị lãnh đạo ngân hàng cổ phần này cho biết.
Nguyên nhân nữa, theo một chuyên gia ngân hàng, việc một người điều hành tại ngân hàng Việt Nam là cố hữu. “Tất cả các quyết định đầu tư, quản trị, nhân sự… đều xuất phát từ chủ tịch HĐQT mà hầu như không bị tác động bởi các ý kiến khác”, vị chuyên gia này cho biết.
Không những thế, việc phối hợp giữa Techcombank và HSBC Việt Nam đã không diễn ra như cam kết khi HSBC quyết định đầu tư vào Techcombank. Đặc biệt là vấn đề phục vụ khách hàng của HSBC tại Việt Nam.
Quan trọng hơn, hoạt động của Techcombank có những thời điểm thật sự không lành mạnh. “Có thời điểm Techcombank thực sự bị phụ thuộc vào 1 – 2 khách hàng lớn, với tổng tài sản lên đến 50% tổng tài sản của Techcombank. Việc này cũng nằm ngoài sự kiểm soát của HSBC cũng như quan điểm về rủi ro hoàn toàn không phù hợp với HSBC”, vị chuyên gia này bình luận.
Ngoài ra, nhiều khoản đầu tư rất lớn tiềm tàng nhiều rủi ro cũng như những rủi ro về chính sách, thị trường… trong khi HSBC hầu như không thể kiểm soát được tại một tổ chức họ mất quyền kiểm soát hoàn toàn. “Đây chính là lý do khiến HSBC muốn thoái vốn khỏi Techcombank”, vị chuyên gia này bình luận.
HSBC lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng?
Tuy nhiên, nguyên nhân khiến “giọt nước tràn ly”, buộc HSBC phải thoái vốn khỏi Techcombank chính là quyết định không chi trả cổ tức năm 2016 và có kế hoạch tăng vốn lên 14.000 tỷ đồng.
Năm 2005, HSBC đầu tư vào Techcombank với mức giá ban đầu là 60.891 đồng/cổ phiếu (theo Thông cáo báo chí của HSBC tại thời điểm đó).
Sau đó, giá cổ phiếu Techcombank giảm xuống còn khoảng 26.000 đồng/cổ phiếu, và cổ đông chỉ được một số lần chia lợi nhuận bằng cổ phiếu thưởng và cổ phiếu trả cổ tức (năm 2008-2010).
Từ năm 2010 trở đi, Techcombank lựa chọn chiến lược không chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng như cổ tức tiền mặt, để tăng cường quy mô vốn chủ sở hữu. Đến năm 2016, Techcombank thu về gần 3.150 tỷ đồng lãi ròng, lãi lũy kế lên tới 5.489 tỷ đồng, nhưng các cổ đông vẫn không được chia cổ tức. Như vậy khoản đầu tư khổng lồ của nhà băng ngoại này gần như không sinh lời.
Cũng là một ngân hàng, nên HSBC hiểu rằng mặc dù Techcombank báo cáo có lãi, thậm chí lãi lớn nhưng trên thực tế, các khoản lãi đó là lãi dự thu trên sổ sách, không phải lãi thật, việc này HSBC nắm rất rõ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2017, khoản lãi phải thu của Techcombank là 10.709 tỷ đồng, trong đó lãi dự thu là 4.439 tỷ đồng.
“Không những thế, nhiều khoản nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn còn nhiều và đã được tái cơ cấu trên sổ sách để từ từ xử lý nên việc báo lãi chỉ để làm đẹp sổ sách và yêu lòng các cổ đông nhỏ lẻ”, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phân tích.
Không những vậy, Techcombank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8.878 tỷ đồng lên tới 14.000 tỷ đồng trong năm 2017 thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu muốn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu gần 20% tại Techcombank, HSBC sẽ phải rót thêm một khoản tiền rất lớn vào đây. Đây là điều mà HSBC không muốn.
“Nên nếu năm nay HSBC thoái vốn thành công, nhiều nhà phân tích nhận định sẽ thu về được 5.170 tỷ đồng và lãi 700 tỷ đồng. Nếu đúng là lãi trên 700 tỷ đồng, tức là khoảng 15,6% cho khoản đầu tư 12 năm, thì thực sự là một khoản đầu tư tồi. Nếu chi tiết hơn và ghi nhân rủi ro, chênh lệch tỷ giá từ lúc rót vốn vào Techcombank (bằng USD và thoái vốn bằng VND), thì khoản đầu tư này của HSBC lỗ lớn”, vị lãnh đạo ngân hàng cổ phần này phân tích.
Nói về chênh lệch tỷ giá, năm 2005, khi HSBC đầu tư vào Techcombank, tỷ giá khi đó là 15.935 đồng/USD và đến hôm nay, ngày 17/7/2017, tỷ giá là 22.437 đồng/USD. Sau 12 năm, VND đã mất giá 41,69%. Như vậy, khoản đầu tư bằng USD tương đương khoảng 4.470 tỷ đồng, nếu tính cả việc mất giá VND thì HSBC lỗ hơn 1.000 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Techcombank.
Quyết định thoái vốn của HSBC buộc Techcombank buộc phải hoãn lại kế hoạch tăng vốn lên 14.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ. Theo đó, Techcombank ra Nghị quyết về việc mua lại cổ phần từ các cổ đông hiện hữu với số lượng dự kiến 221.951.968 cổ phần, tương đương 25% tổng số cổ phần đang lưu hành. Cổ phiếu mua lại sẽ được giữ tại ngân hàng làm cổ phiếu quỹ.
Giá mua lại làm cổ phiếu quỹ dự kiến trên cơ sở không thấp hơn giá bình quân giá bình quân cổ phiếu của Techcombank được ít nhất 2 công ty chứng khoán thường xuyên yết giá trong vòng 60 ngày liền trước ngày gửi bàn đăng ký chào mua lên UBCKNN và không thấp hơn 23.445 đồng/cổ phần.
Theo Dân Việt
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này