09:56 - 26/09/2022
Giá USD tăng mạnh, sức chống chọi của VNĐ đến đâu?
Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định nâng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp trong năm 2022 vào ngày 21/9, chỉ số Dollar Index (DXY) đã chạm mức cao mới trong 20 năm.
Điều này tiếp tục gây áp lực lên VNĐ và đưa chính sách tiền tệ của Việt Nam vào một thế đứng khó khăn.
VNĐ tiếp tục chịu áp lực
Sau lần thứ ba liên tiếp Fed nâng lãi suất, hiện mức lãi suất điều hành lên 3-3,25%, cao nhất kể từ đầu năm 2008. Vậy nhưng các quan chức Fed cho biết lãi suất sẽ cao hơn nữa trong thời gian tới, đi kèm với tốc độ tăng trưởng kinh tế kém đi. Dự báo lãi suất sẽ đạt đỉnh khoảng 4,4% vào cuối năm nay, cao hơn dự báo của thị trường và cao hơn 1% so với dự tính của Fed đưa ra cách đây 3 tháng.
Ngay sau đó, chỉ số DXY đã chạm mức cao mới trong 20 năm qua là 111,63. Ngược lại, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm, chạm mức 1 euro đổi 0,981USD. Đồng bảng Anh chạm mức thấp nhất trong 37 năm và đồng đô la Australia, Canada và Singapore chạm mức thấp nhất trong 2 năm. Đồng NDT của Trung Quốc cũng chạm mức thấp nhất trong 2 năm và đồng Yen dao động gần mức thấp nhất trong 24 năm khi các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của NH TW Nhật Bản.
Việt Nam tính đến ngày 16-9, VNĐ đã mất giá 3,62% so với đồng USD kể từ đầu năm và đang tiếp đà giảm sau khi Fed tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3. Tỷ giá trung tâm USD/VNĐ được NHNN công bố trong phiên 22-9 bật tăng lên mức 23.316 đồng/USD. Cùng ngày, tỷ giá niêm yết tại các NHTM tăng mạnh. Giá mua vào dao động trong khoảng 23.515 – 23.600 đồng/USD.
Ở chiều bán ra, giá thấp nhất là 23.820 đồng/USD, giá bán cao nhất ở mức 23.950 đồng/USD. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay và gần tiệm cận mức 24.000 đồng/USD. Trên thị trường tự do, đồng USD giao dịch ở mức 24.060 – 24.130 đồng/USD.
Mặc dù không đứng ngoài xu thế giảm giá so với USD trước động thái tăng lãi suất quyết liệt của Fed, song hiện VNĐ vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Có được kết quả này là nhờ NHNN thực hiện điều tiết cung tiền qua thị trường mở trong thời gian qua, nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Đổi lại, chi phí ổn định tỷ giá cũng gia tăng, lãi suất phát hành tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày tăng từ mức 2,6%/năm lên 4%/năm trong tháng 8.
Thời thời gian qua, NHNN cũng đã bán một lượng ngoại tệ tương đối lớn. Theo ước tính, từ đầu năm đến cuối tháng 6-2022, NHNN đã bán ra tới 15 tỷ USD. Kể từ tháng 7-2022, ước tính thêm 5,7 tỷ USD đã được bán ra, dẫn đến dự trữ ngoại hối giảm xuống còn khoảng 90 tỷ USD. Dẫu vậy, áp lực vẫn chưa dừng lại.
Đã đến thời điểm lựa chọn giữa lãi suất và tỷ giá?
Theo số liệu mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng năm 2022 đạt 499,71 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 252,6 tỷ USD và nhập khẩu đạt 247,11 tỷ USD, thặng dư thương mại đã lên tới 5,49 tỷ USD.
Còn theo số liệu Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm nguồn kiều hối cũng sẽ chảy về Việt Nam tích cực hơn. Đồng thời, chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và thị trường chính thức hiện đã được thu hẹp lại. Đây là các yếu tố hỗ trợ tích cực cho VNĐ.
Song ở chiều ngược lại, Fed và các NHTW lớn đều dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2022. Cùng lúc, Fed dự kiến sẽ thu hẹp khoảng 400 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán của mình vào cuối năm 2022. NHTW Anh (BOE), NHTW châu Âu (ECB) cũng có kế hoạch thắt chặt định lượng.
Morgan Stanley ước tính, bảng cân đối kế toán của các NHTW sẽ giảm khoảng 4.000 tỷ USD vào cuối năm 2023. Đồng thời, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa bớt căng thẳng làm gia tăng chi phí vận chuyển có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Một yếu tố nữa là đồng NDT đã giảm 8,5%, tiệm cận mức tâm lý quan trọng 7 NDT/USD (mức thấp nhất trong 2 năm). Tất cả các yếu tố này có thể ảnh hưởng giá trị VNĐ trong những tháng tới.
Sự cầu kéo đó đòi hỏi NHNN vẫn phải tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến để điều hành tỷ giá, vì điều này còn liên quan đến câu chuyện kiểm soát lạm phát. TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, NHNN đã làm tốt việc để tỷ giá trung tâm chỉ tăng khoảng 0,6% từ đầu năm đến nay và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Điều này giúp cho sự lan truyền của lạm phát vào Việt Nam đã bị ngừng lại bởi phòng tuyến tỷ giá.
2 tháng qua, NHNN phải liên tục sử dụng các biện pháp từ các nghiệp vụ cho vay qua đêm hoặc thu hút tiền về hoặc bán ngoại tệ kỳ hạn… hỗ trợ để giữ chênh lệch dương giữa lãi suất VNĐ và USD trên thị trường liên NH, đảm bảo giá trị của VNĐ tương đối ổn định đối với đồng USD. Ở chiều ngược lại, điều này khiến cho thanh khoản VNĐ rơi vào căng thẳng, lãi suất leo dốc ở cả thị trường 2 và thị trường 1.
Song theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Việt Nam phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái, khả năng còn tiếp tục mất giá rất đáng kể. Vì vậy, câu chuyện đặt ra là thời gian tới NHNN có nên tăng lãi suất không, và nếu không tăng đồng nghĩa với việc phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái.
Còn theo TS. Phước, hiện lãi suất thực dương của Việt Nam vẫn rất cao. Nếu Mỹ tăng lãi suất, NHNN vẫn để trần lãi suất huy động 6 tháng ở mức 4%/năm là không ổn, và ông đề xuất NHNN nên tăng trần lãi suất huy động để tạo nên một điểm hoán đổi tiền tệ giữa đồng USD và VNĐ.
Vì sao câu chuyện tăng lãi suất được nhắc đến vào thời điểm này? Một chuyên gia tài chính chia sẻ với ĐTTC, NHNN đã phải can thiệp vào thị trường ngoại hối liên tục và bán ra một lượng lớn ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối, song đồng USD vẫn đang tiếp tục mạnh lên. Và khi dự trữ ngoại hối đã mỏng đi, nguồn lực để nhà điều hành can thiệp thị trường cũng ít hơn.
Thế nên, tăng lãi suất điều hành trở thành điều lựa chọn để hỗ trợ VNĐ. Việc tăng lãi suất đồng nội tệ sẽ đẩy giá trị đồng nội tệ tăng lên, điều đó sẽ giữ cho VNĐ không mất giá quá mạnh. Lãi suất VNĐ tăng lên cũng giữ chân được dòng vốn nước ngoài cũng như hấp dẫn dòng tiền bên ngoài vào.
Theo Cát Tường/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này