09:20 - 10/05/2022
Có nên ‘giải cứu’ thị trường chứng khoán?
Hơn 2,5 triệu nhà đầu tư (NĐT) mới nhảy vào thị trường chứng khoán (TTCK) từ tháng 4/2020 – thời điểm TTCK chạm đáy Covid, thì đây là lần đầu tiên được nếm trải cảm giác giảm sốc như trong tháng 4 vừa qua.
Cổ phiếu (CP) lao dốc không phanh, thậm chí là giảm hết biên độ liên tục nhiều ngày, có thể đã tước sạch những lời lãi trước đây kiếm được một cách dễ dãi. Cùng với cảm giác thất vọng và sợ hãi, hàng loạt NĐT đã lên tiếng kêu cứu trên các diễn đàn, hội nhóm chứng khoán, yêu cầu một sự “giải cứu”…
Cú sốc “đầu đời”
Bất kể tuổi tác, trải nghiệm trên TTCK vẫn có nét đặc trưng riêng là phải lăn lộn thực tế mới hiểu được. Đó là cảm giác đi từ chiến thắng vinh quang, thấy mình tài giỏi và đứng trên đỉnh, tới cảm giác tiếc nuối, hối hận, thậm chí là hoảng loạn sợ hãi.
Thống kê từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, làn sóng bùng nổ của TTCK từ đầu tháng 4/2020 đã lôi kéo hơn 2,5 triệu tài khoản mới gia nhập (tính đến tháng 3/2022).
Hẳn sẽ có cả những NĐT “cũ” quay lại thị trường, nhưng chắc chắn phần lớn số tài khoản này là của những NĐT “mới toanh”. Vì thế, trải nghiệm cú sốc đầu đời chỉ trong vòng hơn 2 năm thực ra rất tốt, vì cái gì cuối cùng cũng phải nếm trải, nhưng càng sớm càng có lợi.
Ở chiều đứng trên đỉnh, thời điểm không phải quá xa (tháng 1/2022). Nếu tính đơn thuần dựa trên chỉ số VNSmallcap đại diện các CP nhỏ sàn HoSE, thì tăng trưởng từ đáy vào tháng 3/2020 tới đỉnh đầu tháng 1/2022 là hơn 4,1 lần hay 412%. Đây là mức tăng trưởng có thể giúp nhiều NĐT “tay mơ” trở thành tỷ phú.
Ở chiều thất bại và hoảng loạn, tức chỉ 1 tháng qua, chỉ số này sụt giảm khoảng 30% giá trị. Nhưng điều cay đắng với nhiều NĐT mới là mức sụt giảm ở CP lớn hơn rất nhiều. Sơ bộ chỉ trong tháng 4, sàn HoSE có 208 CP bốc hơi trên 30% giá trị (chênh lệch giá cao nhất, thấp nhất), sàn HNX khoảng 173 CP giảm tương tự.
Song con số thống kê này cũng chỉ bộc lộ phần nào, vì tùy vào quy mô danh mục, tùy mã CP mà NĐT có thể thua lỗ lớn gấp nhiều lần. Thí dụ với CP FLC, mức lỗ từ đỉnh khoảng -76,1%, ROS là -79,5%, NBB -73,2%, VRC -70,8%, FTM -70,8%, LCM -70,3%…
Việc thiếu kinh nghiệm quản lý danh mục cũng có thể khiến NĐT “tất tay” toàn bộ lời lãi có được trong suốt chu kỳ tăng trưởng 2020-2021 vào một hay vài CP đầu cơ. Mức sụt giảm 30% của khoản vốn 100 triệu đồng “khởi nghiệp đầu tư” ít cay đắng hơn nhiều so với cảm giác thua lỗ 30% của 400 triệu (giả sử giữ được toàn bộ số lãi gấp 4 lần).
Đó là chưa kể men say chiến thắng kéo dài quá lâu có thể xúi giục NĐT “cầm sổ đỏ” để có thêm vốn, hay vay mượn margin gấp đôi để “đánh quả lớn”. Khi đó mức lỗ 30% có thể là với 800 triệu hay cả tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn.
Thị trường không cần giải cứu
Sự vỡ mộng trong việc làm giàu nhanh từ đầu tư chứng khoán có thể cảm nhận ở rất nhiều nơi, từ bạn bè tới đồng nghiệp trong văn phòng, hay cả bên quán trà đá. Đã có thời điểm những người lái taxi, bán hàng chợ cũng mở bảng giá trên điện thoại để bàn tán về CP, còn việc khoe lãi thì quá thường xuyên. Đó chính là mặt trái của mục tiêu 5% dân số tham gia TTCK, mà lẽ ra nên là mục tiêu 5% dân số trở thành NĐT chuyên nghiệp.
Sự khác biệt rõ nhất của những NĐT “tay mơ” với NĐT chuyên nghiệp, là luôn tìm cách đổ lỗi thất bại của mình cho một lý do nào đó không phải do bản thân, hay đòi hỏi một sự hỗ trợ, cứu giúp từ “cơ quan quản lý”. Những ngày qua trên các diễn đàn chứng khoán dày đặc các chủ đề cầu cứu, đòi hỏi “ai đó” phải cứu thị trường.
Những đại hội cổ đông đầy căng thẳng khi NĐT chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp tại sao để CP giảm giá. Thậm chí đến mức một vị chủ tịch còn khuyên các nhà đầu cơ nên thoái vốn khỏi công ty, để dành cho các NĐT đi đường dài. Dữ dội hơn, một vị chủ tịch khác còn ví các nhà đầu cơ CP là loại “ký sinh trùng” và không chào đón.
Thực tế lần duy nhất TTCK Việt Nam được “giải cứu” là năm 2009, khi Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước SCIC thực hiện mua CP để kìm đà giảm do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay TTCK Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều, đạt đến quy mô của một thị trường mới nổi, với dòng vốn đầu tư nước ngoài hàng trăm tỷ USD, không có một quỹ quốc gia nào có thể “giải cứu” được và cũng không cần phải tiêu tốn nguồn lực cho mục đích đó.
Một thị trường đủ phát triển không cần giải cứu, vì các lực lượng thị trường tự cân bằng lẫn nhau. Mức sụt giảm 30-70% như mới thống kê ở trên có thể là thua lỗ của người này, nhưng sẽ là cơ hội của người khác.
Những ngày vừa qua, thị trường đã xuất hiện dòng tiền mua vào giá rẻ, từ cả NĐT trong nước lẫn NĐT nước ngoài. Lý do đơn giản là doanh nghiệp vẫn làm ăn có lãi, kinh tế vẫn tăng trưởng, xã hội ổn định, không có lý do gì để từ chối một CP mà giá đã rẻ đi hàng chục phần trăm trong vài tháng chỉ do sự hoảng loạn sợ hãi của một nhóm NĐT mất phương hướng. Tổng nguồn lực trên thị trường vẫn vậy, vì lượng tiền mất đi từ túi những NĐT thua lỗ sẽ chảy vào túi các NĐT giỏi hơn. Chính những đồng tiền đó sẽ lại quay lại “cứu” thị trường.
Nếu coi việc bước chân vào TTCK giống như một thương vụ khởi nghiệp, thì NĐT cũng cần biết rằng trên 90% các startup thất bại, phá sản trong 2 năm đầu tiên. Vì thế thua lỗ trên TTCK là hoàn toàn bình thường. Điểm khác biệt ở đây là: Phải biết chấp nhận đó là điều không tránh được với bất kỳ ai và lỗi là do bản thân để giữ tinh thần lạc quan, tiếp tục chiến đấu với thị trường.
Mặt khác, nếu đã coi thất bại là học phí, thì bài học “mua được” phải thật đáng giá và không bao giờ lặp lại nữa. Đầu tư chứng khoán thực sự giống như một quá trình rèn luyện và đào thải, mà chỉ những người xuất sắc mới có thể “sống sót”. Vì thế đầu tư chỉ như một cuộc dạo chơi vui vẻ đối với những người “nhiều tiền không biết làm gì”. Nếu đồng vốn đầu tư là “đồng tiền xương máu” thì cần phải gìn giữ và bảo vệ nó như mạng sống của người lính trên chiến trường.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này