09:54 - 09/02/2023
Chứng khoán lại trồi sụt thất thường
Trái với kỳ vọng thị trường chứng khoán (TTCK) đã thoát xu hướng giảm và bước vào giai đoạn hồi phục, từ sau Tết đến nay, thị trường biến động rất mạnh theo hướng tăng giảm đan xen khiến các nhà đầu tư choáng váng.
Như phiên ngày 30/1, VN-Index đột ngột giảm gần 15 điểm sau khi tăng mạnh hơn 9 điểm trong phiên đầu năm Quý Mão; chỉ một phiên sau đó, chỉ số lại phục hồi gần 9 điểm rồi lại “đổ đèo” mất hơn 35 điểm vào ngày 1/2 khiến nhà đầu tư bán tháo.
Giảm là tất yếu?
Mới đây nhất, ngày 6/2, chỉ số VN-Index tăng 12,14 điểm, sau đó rớt mạnh 23,45 điểm vào ngày 7/2. Giới đầu tư hoang mang chưa hiểu điều gì làm cho thị trường biến động bất thường đến vậy. Nhiều người quá lo sợ đã bán hết cổ phiếu để “tránh bão”, những người còn lại thua lỗ nặng vì trót mua vào ở giá cao, thậm chí có người từ lãi chuyển sang lỗ chỉ trong nháy mắt.
Chị Ngọc Hiền (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM), nhà đầu tư tham gia thị trường gần 2 năm nay, cho biết chị vẫn chưa dám mua bán gì sau đợt lỗ nặng hồi tháng 11 năm ngoái. Số cổ phiếu trong danh mục của chị tiếp tục lỗ sau những phiên trồi sụt vừa qua.
Trong khi đó, ông Võ Hải (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay trước Tết ông có tham gia “bắt đáy” một vài mã cổ phiếu và có lãi, định sau Tết sẽ chốt lời nhưng chưa kịp bán thì thị trường đột ngột lao dốc. “Danh mục của tôi từ lời chuyển thành lỗ chỉ trong 2 tuần, hiện mức lỗ đã lên tới 12%. Tôi vẫn rất kỳ vọng cổ phiếu ngành đầu tư công và bất động sản sẽ hồi phục nhưng thị trường cứ biến động mạnh thế này thật sự không dám mua thêm” – ông Hải nói.
Trao đổi với báo Người Lao Động, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC, cho rằng TTCK đã có đợt tăng mạnh trước Tết nên việc điều chỉnh là tất yếu, không quá bất thường, thậm chí có thể xem là tích cực vì có giảm mới có tăng.
Còn về cơ bản, kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022 của một số doanh nghiệp (DN) niêm yết không được tốt, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí thua lỗ khiến tâm lý nhà đầu tư hơi bi quan cũng là nguyên nhân gây ra biến động mạnh của thị trường.
Tuy vậy, giai đoạn này dù không quá tích cực nhưng cũng không còn quá xấu. Thị trường đang trong giai đoạn đan xen giữa những thông tin tích cực và tiêu cực của nền kinh tế, của từng ngành và từng DN cụ thể. Thời gian tới, nếu chính sách tín dụng được nới lỏng, lãi suất giảm, hoạt động kinh doanh của DN, đặc biệt là các công ty bất động sản, ổn định hơn…, chứng khoán sẽ khởi sắc. Điểm sáng thời gian qua là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực mua ròng góp phần tạo lực đỡ cho thị trường không giảm quá sâu.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, phân tích thị trường trong tháng 1 vừa qua đã tăng tới 10,3% so với tháng trước đó và là tháng tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu năm 2021. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch giảm dưới mức trung bình 20 tháng cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Vì vậy, chỉ cần một vài thông tin kém tích cực là thị trường sẽ điều chỉnh ngay lập tức và thực tế những ngày qua đã cho thấy điều đó.
“Trước kỳ nghỉ Tết, các cổ phiếu dòng ngân hàng và đầu tư công tăng mạnh tới 15%-20% đã kích thích nhu cầu chốt lời của nhà đầu tư. Những ngày qua, tâm lý thị trường chùng xuống khi nhà đầu tư lo ngại thông tin liên quan đến thị trường bất động sản. Dù cơ quan quản lý liên tục có những cuộc họp tháo gỡ khó khăn nhưng nhà đầu tư vẫn chờ đợi giải pháp cụ thể, hiệu quả để khơi thông dòng vốn nên chưa vội tham gia. Chưa kể trong tháng tới cũng thêm áp lực đáo hạn trái phiếu DN bất động sản nên dù bức tranh chứng khoán quốc tế tích cực, chứng khoán Việt Nam vẫn chịu tác động xấu từ vấn đề nội tại” – ông Nguyễn Thế Minh nói.
Cũng theo ông Minh, điểm tích cực hiện nay là nhiều cổ phiếu có dấu hiệu hồi phục từ vùng quá bán. Nếu chỉ số VN-Index tiếp tục hồi phục trong tháng 2, rủi ro ngắn hạn có thể giảm dần.
Dài hạn vẫn tốt
Nhìn về dài hạn, bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Phó Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán ACBS, phân tích về mặt định giá, chỉ số VN-Index của Việt Nam đang ở mức 9,8 lần, thấp hơn 26,2% so với mức trung bình các thị trường trong khu vực. Đây cũng là mức định giá thấp nhất trong 10 năm qua của TTCK Việt Nam, cho thấy cơ hội tốt để đầu tư.
Dù vậy, trong năm 2023, ACBS vẫn đưa ra một số kịch bản cho TTCK Việt Nam. Chẳng hạn, với kịch bản cơ sở, lợi nhuận các DN niêm yết trên sàn HoSE sẽ tăng trưởng 12,8% so với năm trước đến từ khả năng phục hồi của ngành ngân hàng nhờ chất lượng tài sản và biên lãi ròng (NIM) duy trì ổn định.
Nếu lạm phát trong tầm kiểm soát sẽ giúp Chính phủ có nhiều dư địa hơn để thúc đẩy chi tiêu công, thúc đẩy lĩnh vực vật liệu xây dựng, logistics và khu công nghiệp. Vốn được bơm vào nền kinh tế thông qua chi tiêu công sẽ giúp giải quyết thanh khoản của hệ thống và giúp các DN, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn. Dựa trên kịch bản này, VN-Index dự kiến sẽ giao dịch ở mức P/E (định giá) 11,3 lần và đạt mức 1.217 điểm.
Kịch bản lạc quan hơn dựa trên giả định áp lực lạm phát toàn cầu giảm bớt và nhu cầu toàn cầu tăng trở lại, thuận lợi cho dòng vốn đầu tư vào Việt Nam và lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. “Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ thúc đẩy ngành du lịch và dịch vụ của Việt Nam. Kỳ vọng lợi nhuận các DN niêm yết sẽ tăng 17,8% so với năm trước và chỉ số VN-Index sẽ vượt ngưỡng 1.400 điểm, tương đương với P/E 12,5 lần” – đại diện ACBS nói.
Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, nhận định nền kinh tế và TTCK Việt Nam sẽ thể hiện đúng với tiềm năng trong năm nay. Nền kinh tế đang quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng dài hạn khi giai đoạn bùng nổ sau dịch Covid-19 đã kết thúc. Chuyển động thị trường gần đây cho thấy giai đoạn giảm điểm đang kết thúc (VN-Index giảm 33% trong năm 2022) bất chấp tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất của Việt Nam trong 25 năm.
“Chứng khoán sẽ hồi phục mạnh mẽ vì các yếu tố trong và ngoài nước tác động lên thị trường năm ngoái đã được giải quyết. Cụ thể, áp lực lạm phát toàn cầu đang giảm bớt, kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết những lo ngại áp lực đáo hạn trái phiếu DN trong năm nay. Đây là một trong những yếu tố chính tạo áp lực lên VN-Index trong năm ngoái” – ông Michael Kokalari nói.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này