09:27 - 13/09/2024
Big 4 ‘gian nan’ tăng vốn điều lệ
Trong báo cáo về ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết 2 ngân hàng lớn là Vietcombank và BIDV sẽ hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn trong năm nay.
Vấn đề này một lần nữa dấy lên câu chuyện khó khăn trên con đường tăng vốn điều lệ (VĐL) của nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV), dù đây là nhóm NH đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Kế hoạch vẫn chỉ là kế hoạch
Vào tháng 1/2019, Vietcombank đã phát hành riêng lẻ hơn 94,4 triệu cổ phần (tương ứng 2,55% VĐL) cho Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC Private Limited (GIC), và hơn 16,6 triệu cổ phần (tương ứng 0,4% VĐL) cho Mizuho Bank (Nhật Bản). Hoạt động phát hành này giúp NH thu về tổng cộng khoảng 6.200 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2019, Vietcombank tiếp tục đưa ra kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần, cụ thể là phát hành 307,6 triệu cổ phiếu, trong đó gồm 46,1 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank và 261,4 triệu cổ phiếu các nhà đầu tư khác.
Đến năm 2023, Vietcombank cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn, và sẽ thực hiện trong giai đoạn 2023-2024.
Tuy nhiên, diễn biến mới nhất cho thấy công tác này tiếp tục bị dời thời gian thực hiện. Cụ thể, ngày 28/6/2024, HĐQT Vietcombank ban hành Nghị quyết 318 về việc dự kiến họp thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng VĐL. Nhưng đến ngày 13/8, Vietcombank thông báo rút nội dung này, không đưa vào chương trình họp.
Tương tự, BIDV trước đây cũng đã phát hành riêng lẻ thành công cho KEB Hana Bank với mức 15% VĐL vào năm 2019, tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng, tương đương với mức giá 33.640 đồng/cổ phiếu. Sau đó tại Nghị quyết ĐHCĐ năm 2022, nhà băng này có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần.
Theo các tính toán của giới phân tích đưa ra tại thời điểm đó, BIDV có thể thu về hơn 27.000 tỷ đồng nếu phát hành thành công kế hoạch này, củng cố bộ đệm vốn cũng như tỷ lệ an toàn vốn, qua đó có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Đến nay kế hoạch này chưa thực hiện thành công, dù năm 2023 NH cho biết đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư và có một số nhà đầu tư tiềm năng.
Trong phương án tăng vốn năm 2024, BIDV đề xuất phát hành tổng cộng hơn 1,36 tỷ cổ phiếu mới để tăng VĐL từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng thông qua hai phương án. Một là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với số lượng gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 21%.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024-2025. Hai là chào bán gần 164,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng tỷ lệ 2,89% cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính hoặc cổ đông hiện hữu.
Chờ duyệt, tiếp tục chờ… duyệt
Với VietinBank từ đầu năm nay cho biết, đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép NH được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng. Song đến nay, VĐL vẫn chưa được bổ sung.
Áp lực tăng vốn rất lớn, nhưng các nhà băng không thể tự quyết phương án chia cổ tức. Muốn tăng vốn cần phải trình NHNN, Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội và chờ phê duyệt, việc này phải xin từng năm, theo trình tự và mất nhiều thời gian.
Còn tại Agribank, năm 2023 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung VĐL tối đa 17.100 tỷ đồng cho Agribank giai đoạn 2021-2023. Trong đó năm 2023 là 6.753 tỷ đồng và năm 2024 là 10.347 tỷ đồng. Và đây là NH duy nhất trong Big 4 được tăng vốn trong năm nay, tăng từ 34.210 tỷ đồng lên 40.963 tỷ đồng. Song xét về quy mô, mức vốn này đã bị nhiều NH vượt mặt.
Trái ngược với diễn biến đó, phong trào tăng VĐL lại rất sôi động ở nhóm NHTMCP, điều này khiến nhóm Big 4 ngày càng rời xa các vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng VĐL của hệ thống NH.
VPBank đã tăng vốn mạnh từ năm 2022 lên hơn 67.434 tỷ đồng, vượt qua 3 ông lớn trong nhóm Big4 là BIDV (57.004 tỷ đồng), Vietcombank (55.891 tỷ đồng) và VietinBank (53.700 tỷ đồng) để giữ vị trí thứ nhất, và hiện vẫn duy trì ngôi quán quân khi VĐL đã tăng lên mức 79.339 tỷ đồng.
Techcombank năm nay đã hoàn tất tăng VĐL thêm 35.225 tỷ đồng lên mức 70.450 tỷ đồng. Theo đó, thứ hạng đã nhảy vọt từ vị trí thứ 9 lên lên vị trí thứ 2 về quy mô VĐL.
Hiện MB bám sát VietinBank với mức VĐL lên đến 52.870 tỷ đồng, và cũng đang có kế hoạch nâng vốn lên 61.643 tỷ đồng. ACB đã hoàn tất tăng vốn lên 44.667 tỷ đồng, vượt qua Agribank. Đồng thời, nhiều NH ở phía sau của bảng xếp hạng cũng đang rầm rộ chuẩn bị triển khai việc chia cổ tức để làm dày bộ đệm vốn.
Nếu tiếp tục chậm chân trong việc tăng vốn, Big 4 có thể tiếp tục bị đẩy sâu xuống vị trí phía sau. Tuy nhiên, vấn đề chính không phải là thứ hạng, mà việc chậm tăng vốn có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các NH này.
Theo số liệu của NHNN, đến hết tháng 6/2024, hệ số an toàn vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,96%. Trong đó nhóm NHTM nhà nước chỉ đạt 9,99%, nhóm NHTM cổ phần đạt 11,86%, còn nhóm NH nước ngoài đạt 21,96%.
Mặt khác, theo Luật Các TCTD năm 2024, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm dần từ 15% xuống 10% vốn tự có; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan giảm dần từ 25% xuống 15% vốn tự có. Nếu không tăng được VĐL, quy mô tín dụng cấp cho một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan của các NH này cũng sẽ giảm xuống.
Hiện các nhà băng đang giải quyết vấn đề này bằng cách tăng cường phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, bổ sung vốn tự có. Song các NH vẫn chịu áp lực nợ xấu, nên việc có một bộ đệm vốn thật dày sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp các nhà băng đứng vững trước thách thức. Vì vậy, tăng VĐL vẫn là yêu cầu bức thiết để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cũng như có dư địa cho vay đối với nhóm này.
Theo Thiên Minh/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này