
09:06 - 09/07/2019
Bất động sản nghỉ dưỡng: nguồn cung tăng mạnh
Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang quay lại thời kỳ tăng trưởng mạnh.

Dự báo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ có thêm 45.650 phòng trong giai đoạn 2019 – 2022.
Thực tế, thị trường không còn gói gọn tại những nơi truyền thống như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…, giới đầu tư đã bắt đầu dịch chuyển đến các khu vực mới nổi như Quy Nhơn, Mũi Né, Phan Thiết, Hồ Tràm, Phú Yên.
Theo nghiên cứu của Savills, năm 2018, chỉ ghi nhận dự án 4 và 5 sao tại tám khu vực TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà, Phú Quốc, Hạ Long, Quy Nhơn, đã có đến 16.800 phòng đi vào hoạt động. Nếu tính cả các dự án nghỉ dưỡng 3 sao trở xuống, nguồn cung có khả năng cao hơn rất nhiều, trong đó chiếm 90% tỷ trọng là các dự án tại Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam và Phú Quốc.
Đặc biệt, Việt Nam đang dẫn đầu nguồn cung sản phẩm nghỉ dưỡng giai đoạn 2019 – 2020 với “rổ hàng” vượt trội so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc. Dự báo, Việt Nam sẽ có khoảng 45.650 phòng sắp gia nhập thị trường trong giai đoạn 2019 – 2022, trung bình khai thác đến 11.400 phòng mỗi năm, chiếm 69% tổng nguồn cung hiện tại.
Có bốn xu hướng chính đang thay đổi ngành du lịch nghỉ dưỡng tại thị trường Việt Nam, bao gồm: (i) công nghệ, (ii) cơ sở hạ tầng, phương tiện di chuyển và sự bùng nổ của ngành hàng không, (iii) thay đổi trong hành vi tiêu dùng, và (iv) sự thay đổi nhân khẩu học.
Trong đó, thị trường đang dần đa dạng thể loại bất động sản nghỉ dưỡng, theo chiều cao cấp hoá. Ghi nhận tại báo cáo mới đây của MBKE, tỷ lệ phòng khách sạn thương hiệu quốc tế của Việt Nam chỉ 1,4%; tương đối thấp so với Thái Lan là 6,6%, Indonesia 6,5%, Malaysia 10,2% và Singapore 54,8%. Làm rõ tính chất trên, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhận định, bất động sản Việt Nam đang có nhiều tập đoàn hàng đầu lựa chọn đẳng cấp quốc tế, chẳng kém gì các nước hiện đại trên thế giới.
“Chúng ta nên xem xét lại không nên dùng từ “bất động sản nghỉ dưỡng”, vì nó khiến ta nghĩ ngay đến một cái gì đó an dưỡng thời bao cấp, êm đềm, không đúng với bất động sản cao cấp mà nhiều doanh nghiệp đang làm như C.E.O làm tại Phú Quốc, Vân Đồn, Hà Nam…; mà phải dùng từ bất động sản du lịch cao cấp mới đúng bản chất”, vị này nhấn mạnh.
Có rất nhiều dẫn chứng cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản du lịch cao cấp có tiềm năng tốt, ông Ánh nói, nổi trội là trong suốt ba năm 2016 – 2018, Việt Nam đã đón 15,5 triệu khách quốc tế, gấp đôi so hàng chục năm trước đó (theo tổng cục Du lịch). Chưa kể, Chính phủ cũng xác định biến Việt Nam thành một trong những
trung tâm du lịch toàn cầu.
Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình lượt khách quốc tế (CAGR) tại Việt Nam trong một thập niên qua (2008 – 2018) đạt 13,8%, đầy ấn tượng khi lần lượt cao hơn khu vực Đông Nam Á (7,7%), châu Á – Thái Bình Dương (6,4%) và thế giới (4,4%). Ngoài ra, nếu so với các thị trường du lịch phát triển khác, chỉ số CAGR của Việt Nam cũng cao hơn Campuchia (10,9%), Thái Lan (10,1%), Indonesia (9,7%), Philippines (8,5%) và Singapore (6,1%).
Quay lại với thực tiễn thị trường, bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối năm 2019 đang dần lộ rõ tín hiệu tích cực, khi nhiều chủ đầu tư lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Vietpearl Group, Sunshine Group, Gia Hưng Land, C.E.O… cùng lúc “chào sân” các dự án quy mô.
Tập đoàn Novaland hiện đã ra mắt hai siêu dự án là NovaWorld Phan Thiết và NovaWorld Hồ Tràm, với quy mô cả ngàn hecta. Đây là những thị trường nghỉ dưỡng trong chiến lược phát triển giai đoạn 2 tại các thành phố có tiềm năng về du lịch lớn, như Phú Quốc, Cần Thơ, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết – Bình Thuận, Ninh Thuận, Cam Ranh – Khánh Hoà… Mới đây, công ty cổ phần Gia Hưng Land cũng chính thức ký kết với tập đoàn Vietpearl, để phân phối độc quyền dự án Enda Resort Mũi Né – Phan Thiết. Hay tập đoàn Hưng Thịnh ráo riết bung hàng dự án tổ hợp căn hộ du lịch Quy Nhơn Melody (Bình Định), với quy mô hơn 7.105m2. Đại gia bất động sản Phát Đạt năm 2019 không ngoài lề khi công bố kế hoạch chuyển hướng về Quảng Nam, Quy Nhơn để phát triển dự án nghỉ dưỡng biển.
Trong khi đó, tập đoàn C.E.O đang tập trung nguồn vốn vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, kỳ vọng sớm hoàn thành kế hoạch cung ứng ra thị trường 3.000 – 5.000 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao quốc tế và đạt 1 triệu m2 sàn xây dựng vào năm 2021.
Không chỉ “ông lớn”, tân binh Netland bên cạnh đẩy mạnh M&A nhằm tạo quỹ đất với tốc độ tăng trưởng mục tiêu ít nhất 20%/năm, công ty cũng “chạy đua” phát triển dòng sản phẩm nghĩ dưỡng, căn hộ cao cấp tại các tỉnh, thành. Trả lời về quyết định “táo bạo” này, đại diện Netland cho biết: “Hiện tốc độ tăng trưởng du lịch Việt Nam đang rất tốt, trung bình đạt 20%/năm, trong khi dự báo cho năm 2019 là nguồn cung sẽ bị hạn chế. Kết quả, nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng mở rộng ra khu vực xung quanh TP.HCM, như Long An, Bình Dương… đó là xu hướng chung”.
V. Hiếu (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này