
15:35 - 02/03/2020
SARS-CoV-2 giáng đòn mạnh vào các nhà máy ở châu Á
Hoạt động của nhà máy Trung Quốc đã sụt giảm mạnh, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lao dốc kỷ lục còn 35,7 điểm trong tháng 2 so với mốc 50 điểm ghi nhận trong tháng 1, theo Tổng cục thống kê Trung Quốc.

Công nhân đeo khẩu trang y tế ngừa SARS-CoV-2 làm việc tại nhà máy sữa Mengniu ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/2/2020. Ảnh: Reuters.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng của Caixin (PMI Caixin) cũng cho thấy kết quả tương tự.
Tình trạng suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã giáng đòn nặng nề vào các nhà máy trên khắp châu Á, bao gồm cả ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, là bằng chứng rõ ràng nhất về tác động của SARS-CoV-2 đối với tăng trưởng và kinh doanh toàn cầu.
Nỗi lo virus tàn phá nền kinh tế toàn cầu khiến thị trường tài chính tuần qua lao đao. Hàng nghìn tỷ đô la đã bị bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán, cổ phiếu thế giới có mức giảm tính theo tuần lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
“Sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất có lẽ đã có ảnh hưởng đáng kể đến thương mại”, Capital Economics viết trong một lưu ý nghiên cứu về Caixin PMI.
“Các PMI cũng cho thấy sự tác động lớn đến việc làm, ảnh hưởng của nó sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục. Sự tăng vọt trong các trường hợp nhiễm virus ở nước ngoài (ngoài Trung Quốc), sẽ càng làm gia tăng nguy cơ của một cuộc suy thoái kéo dài”.
Các nhà đầu tư hiện chờ đợi các báo cáo PMI của các nền kinh tế lớn trong khu vực đồng euro, vốn được dự báo là cũng bị sụt giảm tương tự.
Chỉ số PMI của Nhật Bản cho thấy hoạt động tại nhà máy của nước này đã bị ảnh hưởng với sự sụt giảm kỷ lục trong hoạt động sản xuất, củng cố cho dự báo nền kinh tế Nhật Bản có thể rơi vào suy thoái.
Dữ liệu riêng biệt cho thấy các công ty Nhật Bản cắt giảm chi tiêu cho nhà máy và thiết bị trong quý cho đến tháng 12, khiến người ta nghi ngờ quan điểm của Ngân hàng Nhật Bản rằng nhu cầu nội địa mạnh mẽ sẽ bù đắp cho những yếu kém trong xuất khẩu.
“Triển vọng ngắn hạn trong khu vực công nghiệp Nhật Bản có vẻ rất ảm đạm”, Joe Hayes, chuyên gia kinh tế tại IHS Markit, tổng hợp khảo sát cho biết.
Hoạt động sản xuất của nhà máy ở Hàn Quốc cũng sụt giảm nhanh hơn trong tháng 2.
Hoạt động tại Việt Nam và Đài Loan, hai nền kinh tế quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu cũng đã bị co lại trong tháng 2.
Trong số các nền kinh tế châu Á ít phụ thuộc vào thương mại toàn cầu, tăng trưởng ở khu vực nhà máy của Ấn Độ đã giảm nhẹ từ mức tăng cao nhất gần 8 năm trong tháng 1 vừa qua. Trong khi đó khu vực nhà máy của Indonesia đã trở lại tăng trưởng.
Duy Khiêm (theo TGHN/Reuters)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này