
10:08 - 26/08/2015
Rối bời trước chính sách tỷ giá giật cục
Nhiều doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên trước tình trạng tỷ giá “nhảy múa” trong vòng hai tuần trở lại đây. Và câu chuyện này rất rõ nét trong ngành thức ăn chăn nuôi.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát đi cam kết “không tăng tỷ giá thêm nữa” mà giữ ổn định đến cuối năm. Ngoài thị trường, tỷ giá USD/VND tăng kịch trần. Chiều mua, bán là ngang nhau. Là người phụ trách lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, ông Chamnan, phó tổng giám đốc công ty chăn nuôi C.P Việt Nam nhẩm tính không riêng gì C.P, các đồng nghiệp khác trong ngành đang gồng mình chịu trận trước sự tăng nóng của đồng USD. Bởi theo ông, so với đầu năm nay, doanh nghiệp nhập nguyên liệu thức ăn phải chi thêm hơn 1.000 đồng để mua 1 USD thanh toán hàng nhập khẩu. Điều này khiến họ không thể ngồi yên vì không phải lúc nào giá bán cũng có thể cân bằng giá nhập.
Theo khảo sát, doanh nghiệp thức ăn “mắc kẹt” với tỷ giá thể hiện rõ nhất qua cung cách tính giá thành và kế hoạch bán hàng. Ngay từ đầu năm, họ phải tính được chi phí sản xuất cho 1kg thức ăn thành phẩm để định hướng giá bán ít nhất là sáu tháng. Giá thành được định lượng trên giá mua nguyên liệu và các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu thường chốt sản lượng và chốt giá dài hạn. Nếu như hồi đầu năm, giá bánh dầu đậu nành là 300 USD/tấn, doanh nghiệp trả trước 10% khi ký hợp đồng. Ba tháng hoặc sáu tháng sau, hàng về cảng doanh nghiệp trả nốt phần còn lại cho khách hàng. “Doanh nghiệp sản xuất lớn chết ở chỗ này”, ông Chamnan nói và phân tích: “Đầu năm 2015 tỷ giá khoảng 21.400 đồng/USD thì bây giờ hàng về phải trả thêm hơn 1.000 đồng nữa!”, trong khi đó, giá thức ăn bán đến các trang trại đã được “chốt” trước, giờ không thể điều chỉnh được nữa.
Mặt bằng giá thức ăn, thành phần quyết định đến 75% chi phí sản xuất thực phẩm tuy chưa có biến động, nhưng việc tỷ giá tăng chóng mặt vài tuần gần đây tiềm ẩn nguy cơ “bùng nổ” giá bất cứ lúc nào. Doanh nghiệp lớn tuy chốt giá bán đến nông dân, nhưng họ khó lòng cầm cự nổi nếu thua lỗ cứ kéo dài. 1kg bánh dầu đậu nành vẫn giao dịch ở mức 9.000 đồng tại cảng như thời tỷ giá chưa tăng. Không phân biệt mới, cũ, người bán đang gánh lỗ 450 đồng từ chính sách thay đổi tỷ giá. Cách nay đúng sáu tháng, ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc công ty thuỷ sản Thuận Phước (Đà Nẵng) trả lời trên Thế Giới Tiếp Thị rằng “chính sách tỷ giá ở Việt Nam gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Ở thời điểm đó, ông Lĩnh và nhiều doanh nghiệp khác có chung quan điểm là Việt Nam nên tăng tỷ giá cho phù hợp với tình hình thị trường thế giới bởi từ cuối năm 2014, hàng loạt quốc giá đã phá giá rất sâu đồng nội tệ. Có quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia hay đồng yen Nhật, đồng euro mất giá tới 15 – 20%. Ấy vậy mà, trong nước ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm “cố thủ” tỷ giá năm 2015 ở mức tăng không quá… 2%.
“Là những người chòi đạp với thị trường nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu rất rõ khả năng cạnh tranh của mình đến đâu. Ngay từ cuối năm ngoái, Ấn Độ, Indonesia, hai đối thủ cạnh tranh xuất khẩu tôm với Việt Nam đã phá giá đồng nội tệ 15 – 21%. Điều này giúp tôm của họ bán rẻ hơn chúng ta tới 3 USD/kg trong suốt thời gian qua. Nay, chúng ta mới vội vàng phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu thì thị trường đã rơi hết vào tay họ rồi”, ông Lĩnh cay đắng nói.
Rõ ràng, chính sách điều hành tỷ giá của ngân hàng Nhà nước đang tạo ra áp lực ghê gớm lên cộng đồng doanh nghiệp. Cả doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu đều chịu áp lực bởi trong tất cả chi phí, họ đều phải lường định kế hoạch cho nửa năm đến một năm. Chưa kể, nền nông nghiệp ở Việt Nam lâu nay vẫn duy trì tiền lệ là cứ thu được 1 USD từ hoạt động xuất khẩu thì chí ít, doanh nghiệp cũng phải bỏ ra 0,7 – 0,8 USD nhập nguyên liệu. Theo ông Chamnan, tại thời điểm này, các đồng nghiệp trong ngành thức ăn không thể tăng giá bán vì nội lực thị trường còn quá yếu. Những khoản thua lỗ vì tỷ giá đã có thể thống kê ra các con số, nhưng chưa ai biết được số liệu đó có phải là điểm dừng hay chưa vì tỷ giá có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
“Hôm nay thì ngân hàng nói vậy, nhưng ngày mai, tháng sau nếu Trung Quốc hay các nước tiếp tục phá giá tiếp đồng nội tệ thì VND liệu có giữ được không”, ông Chamnan đặt câu hỏi. Đó là suy nghĩ của doanh nghiệp phụ thuộc USD, còn doanh nghiệp có khoản thu USD nhờ xuất khẩu thì cũng có tâm trạng rối bời. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cho biết, giá bán cá philê cho khách hàng từ nay đến cuối năm đã “chốt” dựa trên cơ sở chi phí nuôi cá nguyên liệu 21.500 đồng/kg. Tuy nhiên, việc đồng USD tăng giá chắc chắn sẽ tác động đến các chi phí, như thức ăn chăn nuôi khó có thể “kìm” được trong thời gian tới. Ngoài ra, tỷ giá tăng thì lãi suất cũng phải tăng là lẽ thường. Như vậy là doanh nghiệp lãnh “cú đúp” khó khăn từ chính sách điều hành giật cục của Nhà nước. “Nếu ngay từ đầu năm, chúng ta mạnh dạn điều chỉnh tỷ giá thì doanh nghiệp có cơ sở tính toán các khoản. Bây giờ mới điều chỉnh thì lợi thế chưa thấy đâu nhưng chi phí tăng thêm là chắc chắn rồi”, ông này phân tích.
Minh Khoa
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này