
09:54 - 29/04/2022
Phí cảng biển tạo thêm sức ép với doanh nghiệp
Tính đến nay, gần một tháng kể từ khi TP.HCM triển khai thu phí cảng biển hôm 1/4, hầu hết các doanh nghiệp và ngành hàng đều cho rằng thu phí cảng biển tại thời điểm này là chưa phù hợp và mức phí áp dụng chưa công bằng, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Thành phố kỳ vọng thu về khoảng 13.000 tỷ đồng/năm và số tiền này được đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ kết nối cảng biển trên địa bàn.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết khi TP.HCM triển khai thu phí cảng biển, lúc đầu doanh nghiệp chưa kịp tính phí này vào giá thành. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp sẽ đưa vào giá thành chắc chắn sẽ có tác động gián tiếp lên giá thu mua nông sản của người nông dân. Bởi trong quá trình tính toán giá thành sản phẩm doanh nghiệp sẽ tính phí cảng biển vào trên cơ sở đó họ sẽ trừ lùi dần giá thu mua nông sản, thủy sản…
Việc TP.HCM triển khai thu phí cảng biển sẽ có hai vấn đề:
Thứ nhất, TP.HCM dự kiến sẽ sử dụng nguồn thu phí cảng biển để nâng cấp hạ tầng giao thông, duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ kết nối cảng biển trên địa bàn. Điều nghe có vẻ không thuyết phục lắm, bởi vì TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước với ngân sách lớn như vậy không lẽ không thể không cân đối được. Và việc doanh nghiệp đưa hàng lên TP.HCM cũng tạo nguồn thu cho thành phố, vì vậy Thành phố nên có những tính toán sao cho công bằng với họ.
Thứ hai, nếu nói thu phí cảng biển để hạn chế đưa hàng hóa về TP.HCM, nhưng trong điều kiện hệ thống logistics ở các địa phương chưa phát triển thì việc hạn chế này sẽ tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp xuất khẩu chứ không còn là động lực nữa. Bao nhiêu năm nay các tỉnh vẫn phụ thuộc hệ thống cảng biển ở TP.HCM.
Mỗi năm có đến 85% lượng hàng thủy sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vận chuyển lên TP.HCM để xuất khẩu, 15% còn lại là đi biên giới. Trong điều kiện như vậy TP.HCM lại triển khai thu phí cảng biển sẽ trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp và vấn đề này rất cần được xem xét lại.
Nếu nói thu phí cảng biển là “tạo động lực để cho các tỉnh phát triển hạ tầng logistics” thì vấn đề này đặt ra bây giờ còn quá sớm, vì các tỉnh hiện chưa có tiền đề để có thể phát triển hệ thống logistics, nhất là sau các đợt Covid-19. Vì vậy TP.HCM nên cho doanh nghiệp thời gian phục hồi, đặc biệt hiện nay chi phí logistics đang rất cao cũng là một khó khăn cho họ.Cùng với đó là giá xăng dầu tăng mạnh tất cả cộng hưởng vào làm đội giá thành sản phẩm, bây giờ cộng thêm phí cảng biển sẽ là một gánh nặng cho doanh nghiệp.
Sức khỏe doanh nghiệp hiện đã yếu lắm rồi, nếu thu thêm 500.000 đồng/công 20 ft, 1 triệu/công 40 ft sẽ làm tăng giá thành sản phẩm (mở tờ khai ở TP.HCM sẽ giảm 50%), làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu tạo thêm áp lực cho họ. Đối với thủy sản xuất khẩu mỗi năm sẽ có 200.000 TEU từ ĐBSCL vận chuyển lên TP.HCM, nếu đóng phí cảng biển thì tương đương 20 tỷ đồng”, tổng thư ký VASEP chia sẻ.
Theo VASEP, khi doanh nghiệp mở tờ khai tại TP.HCM hay mở tờ khai ở các tỉnh lân cận đều sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM như nhau.
Thậm chí, khi doanh nghiệp mở tờ khai tại các cục hải quan địa phương thì hàng hóa sau khi cập cảng sẽ được chuyển về nhà máy, xí nghiệp nên việc sử dụng cơ sở hạ tầng cảng biển còn ít hơn so với khi mở tờ khai tại TP.HCM.Đã có lo ngại các doanh nghiệp sẽ dồn về TP.HCM để mở tờ khai, gây ách tắc, quá tải trong khâu thông quan tại các cảng của Thành phố.
Theo tính toán, từ tỉnh Khánh Hòa vào cảng Cát Lái (TP.HCM) đã có tới 7 trạm thu phí BOT. Mỗi container (gọi tắt cont hay công) phải đóng tiền qua trạm hai lượt đi và về. Tổng mức đóng phí qua 1 trạm là là 60.000 đồng/công. Vì thế, mỗi công hàng doanh nghiệp hiện đã trả thêm phí cầu đường 2,5 triệu đồng/công…
Trung bình một doanh nghiệp thủy sản ở Khánh Hòa xuất khẩu 3.000 công/năm phải trả thêm 7,5 tỷ đồng/năm tiền phí trạm BOT. Nếu gánh thêm khoản phí mới này, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TP.HCM sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, tại các cảng biển cũng đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng như: phí cầu tàu, phí lưu công, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ công… nếu cộng thêm các phí mới sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế xảy ra bởi dịch bệnh Covid-19.
Doanh nghiệp đề nghị dời thời hạn thu phí đến hết tháng 12/2022
Trước đó, ngày từ đầu tháng 3/2022, VASEP và sáu hiệp hội ngành hàng khác gồm: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA) và Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã gửi thư kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính và HĐND và UBND TP.HCM đề nghị chưa triển khai thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND.
Theo các hiệp hội, việc thu phí này tại thời điểm từ ngày 1/4/2022 là chưa phù hợp. Mức phí áp dụng chưa công bằng, chưa phù hợp, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, ách tắc trong thực hiện.
Hơn nữa, việc sử dụng ngân sách thu được chưa được công khai, minh bạch và dẫn đến việc “phí chồng phí” đối với mục tiêu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp phải đóng phí hai lần đối với các lô hàng xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.
Để đảm bảo tuân thủ định hướng của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng kinh tế, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, 7 hiệp hội đã đề nghị Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cái cách thủ tục hành chính có ý kiến với HĐND và UBND TP.HCM xem xét chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên cho đến hết 31/12/2022.
Nguyễn Huyền (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp chỉ có thể đáp ứng ‘2 tại chỗ’ và ‘nhiều cung đường’
Doanh nghiệp 4.0: vẫn khổ vì thủ tục rườm rà, thái độ cửa quyền
Doanh nghiệp xuất khẩu xoay trở trong khó khăn
FED tăng lãi suất, vàng bất ngờ lại tăng giá
‘Sân chơi’ thú vị Sacombank
Tags:phí cảng biểnTP.HCM
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này