10:51 - 24/02/2021
Kinh tế Hong Kong đối diện bốn thách thức nghiêm trọng
Năm 2020, sự suy thoái kinh tế của khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) là cục diện đã được xác định.
Hiện nay, nền kinh tế này vừa đối diện với những vấn đề do lịch sử để lại, vừa đối diện với những hệ lụy do cú sốc từ đại dịch Covid-19. Vấn đề mới chồng lên vấn đề cũ đang gây ra nhiều khó khăn cho Hong Kong.
Những thách thức đến từ Covid-19
Thứ nhất, Hong Kong cần nhanh chóng khống chế dịch bệnh, phục hồi sản xuất kinh doanh. Năm 2020, các làn sóng dịch Covid-19 ở Hong Kong nối tiếp nhau, do không thể kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nên Hong Kong và Trung Quốc Đại lục không thể kết nối bình thường.
Chủ thể của nền kinh tế Hong Kong là các ngành dịch vụ truyền thống, chiếm trên 90% tổng quy mô của nền kinh tế, trong khi khu vực này lại phụ thuộc nghiêm trọng vào khách du lịch từ Trung Quốc Đại lục, hệ lụy là ngành dịch vụ của Hong Kong đã tuột dốc không phanh, với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong bối cảnh cả Hong Kong và Trung Quốc Đại lục đều không thể khôi phục sự kết nối bình thường.
Năm nay, việc Hong Kong muốn lấy lại đà phục hồi tăng trưởng chủ yếu được quyết định bởi liệu ngành dịch vụ có chấm dứt đà lao dốc và phục hồi hay không? Do vậy, tiền đề cần thiết để hồi sinh ngành dịch vụ của Hong Kong là phải khôi phục sự kết nối bình thường giữa Hong Kong với Trung Quốc Đại lục.
Tuy nhiên, điều này hiện nay xem ra là một câu hỏi chưa có lời giải, bởi vì tình hình dịch bệnh ở Hong Kong vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả, do đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hong Kong trong năm 2021 là tìm mọi cách để khống chế hiệu quả dịch bệnh.
Nhìn lại bài học của năm 2020, muốn khống chế được dịch bệnh không phải là vấn đề đơn giản, đây là một thách thức tương đối lớn, cần sự chung tay nỗ lực của chính quyền đặc khu và toàn xã hội Hong Kong.
Xã hội già hóa và dân số tăng trưởng âm
Thứ hai, Hong Kong đang đối diện với một loạt thách thức do tình trạng già hóa dân số và dân số tăng trưởng âm gây nên. Nguồn nhân lực là yếu tố đầu tiên của phát triển kinh tế, trong đó nguồn nhân lực dồi dào là tiền đảm bảo cho sự phát triển ổn định và lành mạnh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều năm qua Hong Kong đã bước vào xã hội già hóa, hơn nữa sự già hóa dân số diễn ra ngày càng nghiêm trọng, điều này đồng nghĩa gánh nặng xã hội của Hong Kong ngày càng lớn, vấn đề nguồn cung nhân lực không đủ sẽ ngày càng nổi cộm.
Bên cạnh đó, gần đầy Hong Kong đã xuất hiện hiện tượng mới chưa từng có trong lịch sử đó là dân số tăng trưởng âm, điều này khiến cho vấn đề nguồn cung nhân lực thiếu hụt của Hong Kong trở nên trầm trọng hơn, nguồn cung nhân lực của Hong Kong đang đối diện với thách thức thiếu người kế thừa.
Ngoài ra, tình trạng xã hội già hóa và dân số tăng trưởng âm của Hong Kong sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề vốn có trong kết cấu dân số và kết cấu nguồn cung nhân lực của Hong Kong, từ đó kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Triển vọng thời gian tới, trong bối cảnh chính sách dân số và việc làm hiện có không thay đổi, thì vấn đề già hóa dân số và dân số tăng trưởng âm sẽ tiếp tục tồn tại, hơn nữa nếu không có biện pháp giải quyết hiệu quả, điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế Hong Kong sẽ chịu tác động tiêu cực từ vấn đề già hóa dân số và dân số tăng trưởng âm trong một thời gian tương đối dài.
Lỗ hổng về đổi mới sáng tạo công nghệ
Thứ ba, việc chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế Hong Kong gặp nhiều khó khăn, khó thực hiện sự đột phá.
Kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1998 đến nay, kinh tế Hong Kong liên tục đối diện với những cú sốc từ bên ngoài, nguồn lực chủ yếu của chính quyền đặc khu và xã hội đều tập trung vào việc ứng phó và hóa giải những thách thức từ các cú sốc bên ngoài, nên không có điều kiện quan tâm đến việc chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế.
Ngoài ra, văn hóa kinh doanh của Hong Kong đã kéo theo sự lựa chọn việc làm của người dân khiến cho Hong Kong có rất ít người quan tâm đến phương diện đổi mới sáng tạo công nghệ.
Chính vì Hong Kong tồn tại những lỗ hổng về đổi mới sáng tạo công nghệ, nên trong hơn 20 năm gần đây, mặc dù chính quyền và Trưởng đặc khu các khóa đã đưa ra một loạt mục tiêu và kế hoạch chuyển đổi, nâng cấp nền kinh tế, nhưng tất cả dường như chỉ dừng lại ở văn bản, không thể triển khai trong thực tế.
Hệ quả là nền kinh tế Hong Kong không thể đột phá, luôn tuần hoàn trong cấu trúc kinh tế truyền thống.
Rất rõ ràng, nếu chỉ dựa vào sức mạnh tự thân của Hong Kong để thực hiện việc chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế là điều không thực tế và Hong Kong cần phải dựa vào nguồn nhân lực bên ngoài, đặc biệt là lực lượng nhân tài từ Trung Quốc Đại lục để bù đắp những khiếm khuyết và lỗ hổng trên các lĩnh vực như sáng tạo đổi mới công nghệ, các ngành công nghiệp mới nổi…
Điều này đòi hỏi Chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp Hong Kong phải tiến hành đánh giá toàn diện và thể hiện tâm thế dám nghĩ dám làm, thực hiện một loạt các đổi mới và điều chỉnh quan trọng trên các phương diện như chính sách hợp tác với Trung Quốc Đại lục, hội nhập vào Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, thu hút nhân tài…, nếu không sẽ không giải quyết được cơ bản vấn đề.
Lỡ nhịp trên “chuyến xe tốc hành” phát triển chung
Thứ tư, trên “chuyến xe tốc hành” phát triển của Trung Quốc đại lục, Hong Kong đang tồn tại các vấn đề như nhận thức chưa đầy đủ, chuẩn bị chưa đầy đủ để nắm bắt các cơ hội chiến lược như phát triển của Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau (Trung Quốc) và việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Kể từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa đến nay với nền kinh tế phát triển nhanh chóng và bộ mặt kinh tế-xã hội đã thay đổi mạnh mẽ, Thâm Quyến đã trở thành “ngọn cờ tiên phong” về đổi mới sáng tạo công nghệ và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, xã hội Hong Kong nhìn chung thiếu nhận thức về sự phát triển đột phá của Trung Quốc Đại lục và những cơ hội mang lại từ quá trình phát triển này. Hiểu biết của rất nhiều người dân Hong Kong đối với Trung Quốc vẫn dừng lại ở ngưỡng 20-30 năm trước, nên việc không nắm bắt được cơ hội từ xu hướng phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là điều khó tránh khỏi.
Hiện nay, kỳ tích của Thâm Quyến đang được nhân rộng trong toàn Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, nhưng liệu có bao nhiêu người Hong Kong có thể nhận thức được vấn đề này.
Tương tự, tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đang hình thành nhiều trung tâm giao dịch nhân dân tệ ở bên ngoài trên khắp thế giới, mặc dù Hong Kong sát với Trung Quốc đại lục, nhưng nếu cứ tiếp tục tâm lý chờ đợi thì cơ hội quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cũng có thể rời xa Hong Kong.
Tóm lại, làm thế nào để Hong Kong chủ động và tích cực hội nhập vào xu thế phát triển chung của Trung Quốc? Điều trọng là phải nhận thức đúng đắn về mặt tư duy, đồng thời cụ thể hóa lời nói thành hành động thực tế, dù thực tế cho thấy đây không phải là vấn đề đơn giản.
Theo TTXVN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này