
08:05 - 13/05/2025
Khát vọng tăng trưởng trong một thế giới đang tái định hình
Biến động toàn cầu là một thách thức, một nguy cơ hiển hiện, tuy nhiên nó cũng có thể là chất xúc tác, là động cơ cho chúng ta thay đổi. Nếu có đủ quyết tâm và sự dẻo dai để xây dựng được các nền tảng căn bản vững chắc, Việt Nam hoàn toàn có thể “chuyển hóa cơ cấu”, hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: BSA Media.
Đây là bài nói của TS Vũ Thành Tự Anh được Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) ghi lại tại buổi “Ăn trưa làm việc” với chủ đề: “Thương chiến Mỹ – Trung và hành động của doanh nghiệp Việt” diễn ra ngày 12/5 tại khách sạn Caravelle Saigon. Sự kiện do LBC, Hội DN HVNCLC và Trung tâm BSA tổ chức.
Thay đổi địa chính trị và sắp xếp lại chuỗi cung ứng
Trong hơn 100 ngày đầu, Tổng thống Donald Trump đã có những bước đi cực kỳ quyết đoán và đột ngột liên quan đến thuế quan, châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc mà có thể nói là cả thế giới. Ông Trump cũng là người không thích các chuẩn mực, quy tắc đã tồn tại từ trước. Ông kiên quyết đập bỏ những chuẩn mực, quy tắc này. Về mặt đối nội, ông sử dụng rất nhiều các các quyết định hành pháp để đưa ra các quyết định nhanh gọn, không qua quốc hội. Về mặt đối ngoại, ông rút ra khỏi WHO, rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris và các hiệp định đa phương. Như vậy, chúng ta thấy cách vận hành của hệ thống quản trị toàn cầu đã bị vô hiệu hóa ở một chừng mực rất cao.
Đây là điều rất hệ trọng đối với Việt Nam. Bởi vì Việt Nam muốn phát triển được thì phải có được môi trường quốc tế và khu vực ổn định, khi các quốc gia khác tuân thủ luật lệ. Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ, không phải là người xác lập luật chơi, nên sẽ rất khó chơi trong một cuộc chơi không có luật lệ.
Chúng ta đang chứng kiến sự định hình của một trật tự chính trị quốc tế mới. Thứ nhất, Mỹ đang xác lập hay định nghĩa lại vai trò lãnh đạo của mình. Mỹ không lãnh đạo như một người bảo vệ của chủ nghĩa tự do hay luật chơi toàn cầu, cũng như Mỹ không đảm bảo cho an ninh toàn cầu nữa. Mỹ chỉ lo cho Mỹ. Đây là một sự thay đổi cực kỳ quan trọng và đột ngột.
Điều tiếp theo là chúng ta cũng nhìn thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ. Một trong những đặc trưng quan trọng của các chính sách ví dụ như áp thuế đối ứng, với những suất thuế kỳ khôi, rõ ràng ông Trump không đặt niềm tin vào chủ nghĩa đa phương và sự tương thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế.
Một điều quan trọng khác, đó là sự quay trở lại của chính sách công nghiệp. Trong giới nghiên cứu và tư vấn chính sách, chữ “chính sách công nghiệp” là chữ cực kỳ cấm kỵ trong thời gian rất dài. Nói đến “chính sách công nghiệp” tức là nhà nước can thiệp vào nền kinh tế, nhà nước làm méo mó cuộc chơi, nhà nước trợ cấp… vì vậy nó đi ngược lại với các quy tắc thương mại toàn cầu. Đó là chính sách bị phương Tây phản đối, nhưng Trung Quốc lại sử dụng cực kỳ hiệu quả, và trước đó là Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhưng bây giờ chúng ta lại nhìn thấy, không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… mà Mỹ, EU và các quốc gia khác đang quay lại chính sách công nghiệp này. Việt Nam, không còn lựa chọn nào khác, chúng ta cũng phải thực hiện chính sách công nghiệp này.
Vấn đề tiếp theo là sự gia tăng của vũ khí hóa thương mại và các khác biệt cơ bản về khung khổ pháp lý. Điều này thoạt nghe có vẻ vô thưởng vô phạt, nhưng đối với Việt Nam điều này rất quan trọng, bởi vì Việt Nam phải lựa chọn. Rất khó để chúng ta có thể duy trì vài chuẩn mực cùng một lúc, rất tốn kém cho một nền kinh tế. Chẳng hạn về công nghệ, nếu như chúng ta đã đi theo một chuẩn nào đó rồi thì rất khó đi theo một chuẩn khác. Khi chúng tôi trao đổi với các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đều thống nhất nhận định việc chọn bên ở các phương diện khác nhau sẽ rất rủi ro đối với Việt Nam.
Cuối cùng, đây là kỷ nguyên mới của các khối địa kinh tế, chuỗi cung ứng bị phân mảnh. Sự tách rời về mặt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giữa các khối nó xuất hiện từ trước chứ không phải bây giờ. Bây giờ nó chỉ bị làm cho sâu sắc hơn. Trong giai đoạn vừa qua, nhóm do Mỹ lãnh đạo, thương mại nội khối tăng, thương mại với các khối đối lập giảm, thương mại với các khối trung lập tăng. Trong khi đó, nhóm do Trung Quốc lãnh đạo thì thương mại nội khối tăng, thương mại đối lập giảm, thương mại trung lập tăng nhẹ. Đây là quy lập có tính phổ quát. Vậy chúng ta phải ở đâu? Việt Nam nên ở khối trung lập bởi vì nếu chúng mất thăng bẳng, sảy chân là rất nguy hiểm.
Khi các thể chế truyền thống, chuẩn mực truyền thống bị xói mòn nghiêm trọng, ông Trump có thể là hình mẫu mới của “lãnh đạo xuất chúng”. Với xu thế này, việc chúng ta hành xử như thế nào trở nên rất thách thức, thách thức đối với Việt Nam cao hơn rất nhiều so với cách đây 5-10 năm. Một thế giới đa cực đang trở nên ngày càng rõ nét và chắc chắn. Không chỉ vì Mỹ rút ra khỏi các định chế toàn cầu và từ chối vai trò lãnh đạo, vai trò đảm bảo an ninh toàn cầu mà còn là sự trỗi dậy của một loạt các quốc gia khác. Trung Quốc, Ấn Độ và các cường quốc tầm trung (G20) sẽ là các quốc gia sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng. Không chỉ về thương mại mà còn về kinh tế, quân sự, an ninh…
Trong bối cảnh đó Việt Nam có một khát vọng tăng trưởng vượt bậc.
Khát vọng tăng trưởng của Việt Nam
Nhìn lại lịch sử, qua biểu đồ: “Tỷ lệ giữa tỷ trọng GDP và dân số của Việt Nam và Trung Quốc so với toàn cầu” (ở dưới), năm 1820, năm vua Minh Mạng lên ngôi, hệ số của Việt Nam là 0,8, tức là quy mô GDP thấp hơn tương đối so với quy mô về dân số. Con số đó của Trung Quốc là 0,9, không quá xa so với Việt Nam. Cả Việt Nam và Trung Quốc cùng đi xuống trầm trọng trong khoảng 150 năm. Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy từ sau những năm 1970 và Việt Nam là những năm 1980, thời kỳ Đổi mới. Đến thời điểm này Trung Quốc đã có quy mô kinh tế lớn hơn quy mô dân số (1,4) trong khi Việt Nam vẫn nằm ở mức 0,6. Điều đó cho thấy sự tụt hậu không thuần túy về kinh tế mà còn là an ninh quốc gia. Chúng ta không thể nào tiếp tục tăng trưởng chậm như thế này.
Việt Nam đạt mức GNI/người khoảng 1.000 USD năm 2008, Malaysia năm 1977, Indonesia năm 1995, Thái Lan năm 1987, Hàn Quốc năm 1977, Trung Quốc năm 2000. Nhìn từ biểu đồ “Quỹ đạo tăng trưởng từ khi đạt ngưỡng thu nhập 1.000 USD” (ở dưới) chúng ta thấy Việt Nam nằm giữa các nước Đông Bắc Á ở phía trên và các nước Đông Nam Á ở phía dưới, tức là không chỉ nằm giữa về mặt địa lý mà còn nằm giữa về mặt kinh tế.
Nếu Việt Nam muốn thực hiện khát vọng của mình, từ 2026-2045 thì đến năm 2045 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam xấp xỉ với Hàn Quốc bây giờ. Đây là một thách thức rất lớn. Bởi vì nếu chúng ta nhìn vào cơ sở quan trọng nhất là năng suất. Nếu chúng ta muốn tăng trưởng GDP 5% thì tốc độ tăng trưởng năng suất tổng hợp (TFP) phải là 2,4%, đây là điều chúng ta hoàn toàn đạt được. Nếu muốn tăng trưởng GDP 7% thì TFP phải 4%, đây là mức rất cao so với cái chúng ta đang có. Nếu muốn tăng trưởng GDP là 9% thì TFP phải là 5,6%, đây là mức mơ ước của cả Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản trong giai đoạn cực thịnh của họ (họ chỉ đạt từ 3-5%).
Như vậy, một trong những lý do rất lớn của chuyện này là do chúng ta đang muốn tăng trưởng cao trong giai đoạn già hóa dân số. Cách đây 20 năm lực lượng lao động của chúng ta tăng 2% một năm, hiện giờ khoảng 0,5%. Bù đắp tình trạng giảm lực lượng lao động và già hóa dân số chỉ bằng cách tăng năng suất. Lẽ ra chúng ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng này khi dân số đang tăng trưởng 2% khi đó TFP chỉ cần tăng 3,6%.
Khả năng tăng trưởng thần kỳ trên 10% là có thật, hoàn toàn khả thi, nhưng đến nay chỉ khả thi với các nước Đông Bắc Á, chứ không phải Đông Nam Á. Một điểm nữa, duy trì 10% trong một vài năm riêng lẻ thì không quá khó, nhưng duy trì trong 10 năm liền thì vô cùng khó và thực tế chỉ một vài nước đạt được. Ngay cả Trung Quốc cũng không làm được điều này, chỉ có Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc. Ba nước, vùng lãnh thổ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài, ngay cả khi thu nhập đã tương đối cao.
Khi nhìn vào lịch sử của các nước, các quốc gia Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, ba quốc gia, vùng lãnh thổ thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài thì phải có những cải cách cực kỳ đột phá, như thể hiện trong biểu đồ “Chuyển hóa cơ cấu cho tăng trưởng cao”. Nhưng “chuyển hóa cơ cấu” là việc cực kỳ khó khăn và nan giải. Có rất nhiều nền tảng phải xây dựng, nhưng có thể gói gọn vào ba nền tảng cơ bản. Thứ nhất, đó là một nhà nước kiến tạo phát triển. Một nhà nước thực sự có năng lực để dẫn dắt cuộc chơi. Ngược lại, nếu chỉ để cho các doanh nghiệp hay xã hội tự bươn chải thì chúng ta sẽ chấp nhận tăng trưởng 5-6%. Chúng ta phải có một nhà nước kiến tạo phát triển dẫn dắt cuộc chơi. Kinh nghiệm của các quốc gia thành công ở Đông Bắc Á và không thành công ở Đông Nam Á đều đã cho thấy điều này. Chúng ta đã có một truyền thống trọng dụng hiền tài, lựa chọn những người xuất sắc nhất được đưa vào trong hệ thống quản lý nhà nước, họ tự hào khi phụng sự quốc gia, trở thành những người kinh bang tế thế. Chúng ta đặt lại vai trò của doanh nghiệp, nhưng cũng phải đặt lại vai trò của nhà nước. Thứ hai là thể chế dung hợp – là điều mà chúng ta luôn nhìn nhận là một nút thắt cho tăng trưởng, thậm chí là “nút thắt của nút thắt” như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây. Thứ ba là kinh tế thị trường, trong đó quan trọng nhất là cạnh tranh bình đẳng và vai trò chủ lực của khu vực kinh tế tư nhân nói chung, không phải chỉ một vài tập đoàn tìm kiếm đặc quyền, đặc lợi.
Định vị chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh mới
Hiện nay, chúng ta đang phải giữ thăng bằng trong một thế giới hết sức phức tạp. Trong bối cảnh như vậy, những cải cách và mục tiêu của chúng ta rất tham vọng.
Việt Nam là một trong những quốc gia hội nhập sâu nhất, không chỉ ở châu Á mà cả thế giới. Chúng ta là một mắt xích chặt chẽ, bất kỳ điều gì xảy ra trên thế giới đều ảnh hưởng đến Việt Nam một cách trực tiếp, nhưng chúng ta không phải là người định hình cuộc chơi toàn cầu. Tức là chúng ta chịu ảnh hưởng rất nhiều, nhưng với tư cách người bị chi phối. Thứ hai, ngoại giao thương mại đa phương, mạng lưới FTA rộng lớn của Việt Nam đã bao phủ 87% nền kinh tế toàn cầu. Thứ ba, chúng ta trước đây định vị mình như một nước thay thế cho Trung Quốc trong chuỗi sản xuất toàn cầu, nhưng nay chúng ta phải định vị lại mình là một đối tác đáng tin cậy và dẻo dai trước các cú sốc bên ngoài. Cố gắng tối đa không phải chọn bên. Chúng ta vẫn phải tiếp tục cần có FDI, nhưng quan trọng hơn là phải trau dồi nội lực. FDI chỉ là chất xúc tác, nội lực mới là then chốt. Nội lực bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân, bộ máy nhà nước và sự năng động của xã hội. Hiện nay, một trục chính sách mới đang ra đời đó là bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và năng lượng. Đây là trục chính sách rất mới.
Cách đây 30 năm tỷ trọng xuất khẩu chiếm 60% GDP, tới giờ gần 200% (xấp xỉ Singapore), tức là chúng ta có độ mở về thương mại lớn nhất trên thế giới. Về FDI, FDI thuần của Việt Nam trong thập niên vừa qua (2010-2020) chiếm 5,9% GDP cao hơn hẳn quốc gia đứng kế tiếp là Malaysia (3,4%). Rõ ràng, chúng ta đã cực kỳ thành công trong việc thu hút FDI, cũng như dùng sức mạnh của FDI để xuất khẩu. Tuy nhiên, giá trị FDI còn thấp, kết nối của FDI với doanh nghiệp nội địa rất thấp. Tỷ lệ trong 100 USD xuất khẩu của Intel thì Việt Nam đóng góp được 3 USD, con số tương ứng của LG là 2,4 USD.
Một đồng nghiệp của tôi ở Fulbright ước lượng tác động của thuế quan Mỹ đối với GDP, trong trường hợp lý tưởng mức thuế đối ứng 10-15% thì lúc đó xuất khẩu vẫn cạnh tranh, FDI mạnh, GDP giảm 0,5-0,7 điểm %. Trường hợp tệ nhất thuế đối ứng 30-40%, xuất khẩu mất tính cạnh tranh, FDI rời khỏi Việt Nam, GDP giảm 1,5-2,5%. Trường hợp kỳ vọng là thuế quan đối ứng 15-20% thì GDP giảm 0,7-1%.
Tuy nhiên, chúng ta đang nói quá nhiều về thuế nhưng lại bỏ quên một điểm quan trọng nữa đó là các biện pháp phi thuế quan. Đây mới là điểm nút của thương mại toàn cầu trong giai đoạn tới. Thuế quan đàm phán một lần là xong, nhưng phi thuế quan còn dai dẳng suốt từ nay trở về sau. Nếu chỉ tập trung vào thuế quan mà quên đi phi thuế quan là sai lầm. Các doanh nghiệp cũng vậy, không chỉ quan tâm đến thuế quan, mà còn phải hiểu xem các biện pháp phi thuế quan của các thị trường xuất khẩu của mình như thế nào. Thuế quan thì còn có thể dự báo được, còn phi thuế quan thì rất khó để dự báo.
Tham gia cùng diễn giả TS Vũ Thành Tự Anh trong buổi “Ăn trưa làm việc”, các chuyên gia, doanh nhân trong Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm quý báu bản thân và doanh nghiệp trong việc ứng phó với những biến động không ngừng của kinh tế thế giới trong thời gian qua. Một “thực tế”, cũng là một “sự biến động” đáng lưu ý được nhiều người đồng tình đó là đang manh nha có một sự dịch chuyển về “dòng công nghệ” trên thế giới. Trước thách thức của căng thẳng thương mại, nhu cầu dịch chuyển công nghệ đang hiện hữu, không chỉ với Hàn Quốc, Đài Loan mà ngay cả với Trung Quốc. Nhiều đối tác trước đây, khi làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam chỉ muốn chuyển giao những công nghệ, những khâu đơn giản trong chuỗi cung ứng thì nay đã tỏ ra sẵn sàng chuyển giao những công nghệ sâu với chi phí “rất phải chăng”. Do đó, nếu biết nắm bắt cơ hội, thì đây hoàn toàn có thể là thời điểm để Việt Nam nắm lấy và chuyển mình.
Tìm cơ trong nguy
Việt Nam có những cơ hội gì trong hoàn cảnh hiện nay?
Một trong những lợi thế của Việt Nam đó là một vị trí địa chính trị, kinh tế chiến lược. Tiếp đến, nếu chúng ta đang có định hướng phát triển công nghiệp mới thì cũng là điều kiện để chúng ta có thể tăng trưởng cao. Nhưng tương lai kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào bốn điều kiện. Thứ nhất, chúng ta có nâng cấp được nền sản xuất hay không. Thứ hai, chúng ta có thực sự tạo được giá trị giá tăng hay chỉ là nơi trung chuyển. Thứ ba là khả năng truy xuất nguồn gốc để đảm bảo không bị kết án là hàng trung chuyển. Thứ tư là công nghiệp xanh, sản xuất ít carbon để có thể gia nhập các thị trường khó tính.
Mặt khác, xu hướng là nhu cầu đang dịch chuyển về châu Á. Thị trường Mỹ luôn là quan trọng, nhưng đừng tập trung vào đó 100%. Theo dự báo, năm 2028, ước lượng nhu cầu của châu Á vượt nhu cầu của Mỹ, đứng đầu toàn cầu. Với một thị trường và sự ổn định cao hơn, châu Á có thể là một mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp Việt Nam. Xoay trục về châu Á vì thế có thể xu hướng đáng lưu tâm của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, biến động toàn cầu là chất xúc tác, là động cơ cho chúng ta thay đổi.
Đối với doanh nghiệp, chúng ta không thể định vị mình chỉ là người đóng thế cho Trung Quốc mà chúng ta phải là trở thành một nút đáng tin cậy và dẻo dai trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta không thể cạnh tranh về trực diện về giá với Trung Quốc mà phải cạnh tranh bằng sự khác biệt về chất lượng, thương hiệu, dịch vụ. Chúng ta phải chuyển từ giá thấp sang độ tin cậy cao. Lường trước được các kịch bản biến động. Nâng cấp các hệ thống tuân thủ để truy cập vào thị trường chứ không chỉ là người đứng ngoài. Đề phòng rủi ro tỷ giá. Cuối cùng, điều tiếp theo là đầu tư vào con người, đặc biệt là khả năng thích ứng.
Về mặt chính sách, đầu tiên Việt Nam cần duy trì vị thế trung lập bằng cách duy trì quyền tự chủ chiến lược, không chọn bên. Thứ hai là thúc đẩy nội lực, trên ba khía cạnh: thị trường – doanh nghiệp tư nhân, nhà nước – năng lực bộ máy và chủ trương, chính sách, và nội lực xã hội. Thứ ba xây dựng các trụ cột cho “chuyển hóa cơ cấu”, gồm có năng lực của nhà nước, cạnh tranh của thị trường và thể chế. Thứ tư là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt lưu ý xu hướng xoay trục về châu Á. Thứ năm, ngoại giao thương mại sẽ đóng vai trò cực kỳ chiến lược. Cuối cùng là phải nâng cấp đổi mới sáng tạo, kỹ năng, cơ sở hạ tầng làm tiền đề để chớp được các cơ hội.
TS Vũ Thành Tự Anh* (LBC lược ghi)
——————-
(*) Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Giá gas tháng 9 tiếp tục tăng 10.000 đồng/bình 12kg
Doanh nghiệp bất động sản muốn giảm 50% lãi vay
Cổ phiếu BIDV đỏ sàn vì tin đồn
Khối tài sản hơn 500.000 tỷ của PVN đã thay đổi ra sao?
USD neo cao tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá
Tags:ăn trưa làm việcCâu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầuKhát vọng tăng trưởngLBCthương chiến mỹ-trungts vũ thành tự anh
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này